Liên quan đến vụ 573 nhãn hiệu sữa giả ra thị trường, ngày 17/4, báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, đơn vị này đã rà soát và xác định có 71 sản phẩm thuộc 2 công ty từng được cấp giấy tiếp nhận hồ sơ tự công bố thực phẩm.
Trong đó, Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma có 67 sản phẩm, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group có 4 sản phẩm.
Theo đại diện An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, các sản phẩm nói trên chủ yếu là thực phẩm dinh dưỡng, không có sản phẩm nào dành riêng cho các nhóm đối tượng đặc biệt như người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai…
Cơ quan này cũng cho biết, khoảng 90% sản phẩm còn lại trong danh sách gần 600 sản phẩm sữa giả được công bố tại các tỉnh, thành khác.
Các hộp sữa bột giả bị công an phát hiện. Ảnh: VTC News
Về vấn đề hậu kiểm, báo Dân trí dẫn lời ông Nguyễn Quang Trung - Phó Chi cục trưởng, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Hà Nội cho hay, đơn vị này thường xuyên có những đợt kiểm tra, giám sát để phát hiện những vi phạm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở lưu thông hàng hóa.
Ngoài kế hoạch triển khai thường xuyên thì liên tục có những đợt kiểm tra đột xuất và những đợt cao điểm.
Riêng trong năm 2024, đơn vị này đã kiểm tra 200 cơ sở sản xuất sữa và thực phẩm bổ sung trên địa bàn Thủ đô và xử phạt 28 cơ sở, với số tiền trên 1,7 tỷ đồng.
"Khi kiểm tra hậu kiểm thì không chỉ mỗi xử phạt liên quan chất lượng sản phẩm, mà còn liên quan con người, cơ sở sản xuất, thiết bị có vi phạm gì theo hướng dẫn luật an toàn thực phẩm", ông Trung nói.
Đáng chú ý, theo ông Trung, trong năm 2023, chi cục đã tiến hành kiểm tra các sản phẩm của 2 công ty liên quan đến vụ việc sản xuất sữa giả. Trong đó, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu ngẫu nhiên theo xác suất các sản phẩm ở trong kho: 4 mẫu của Rance Pharma và một mẫu của Hacofood.
Tuy nhiên, theo ông Trung, công tác hậu kiểm căn cứ theo hướng dẫn ở Nghị định 15, quản lý dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro. Kiểm nghiệm những yếu tố nào ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân, cụ thể là các chỉ tiêu an toàn.
Cơ quan điều tra khám xét các lô hàng sữa giả. Ảnh: Dân trí
Trong lần kiểm tra này, kết quả kiểm nghiệm của các mẫu đều đạt các chỉ tiêu an toàn.
"Các nước trên thế giới cũng áp dụng phương pháp quản lý theo rủi ro khi lấy mẫu kiểm tra. Chúng tôi trong quá trình làm cũng lấy mẫu ưu tiên kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn", ông Trung chia sẻ.
Sau khi đường dây sản xuất sữa giả được phát hiện, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, lấy mẫu nhóm sản phẩm này.
Ngoài ra, bên cạnh chỉ tiêu an toàn, chi cục cho biết sẽ thực hiện kiểm nghiệm thêm một số chỉ tiêu liên quan đến chất lượng: Chất lượng chủ yếu và một số thành phần khác.
Với 71 hồ sơ công bố của 2 cơ quan, ông Trung cho biết sẽ xử lý căn cứ vào quyết định của cơ quan điều tra.
Cơ chế tự công bố chất lượng sản phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP từng được đánh giá là bước cải cách hành chính tích cực, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Trao đổi trên báo Nhân Dân, luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty luật Intercode, đánh giá: "Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của chính sách đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên, một khi có tới hơn 570 sản phẩm bị lợi dụng để đánh lừa người tiêu dùng thì rõ ràng cơ chế tự công bố đang bị lạm dụng”.
Việc phát hiện sữa giả là cần thiết, nhưng điều khiến dư luận băn khoăn hơn là vì sao các sản phẩm kém chất lượng lại tồn tại công khai trong thời gian dài, với mạng lưới phân phối rộng khắp từ các tỉnh miền núi phía bắc đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hàng giả không chỉ bán online mà còn được quảng bá công khai, dày đặc, tổ chức hội thảo, mời nghệ sĩ tham gia quảng cáo. Vậy ai cho phép điều này diễn ra?
Cùng nêu quan điểm, ông Đinh Thái Quang, Phó Chủ tịch Hội Phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam, phân tích: “Một vụ việc có quy mô lớn, kéo dài nhiều năm mà không bị phát hiện sớm thì không thể chỉ trách doanh nghiệp. Trách nhiệm thuộc về các khâu hậu kiểm, kiểm tra liên ngành và đặc biệt là các đơn vị quản lý địa phương. Phải công khai trách nhiệm của từng cơ quan liên quan”.
Trên thực tế, sau khi tự công bố sản phẩm, doanh nghiệp chỉ cần gửi hồ sơ tới UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền là đã đủ điều kiện lưu hành sản phẩm. Việc kiểm tra, giám sát chất lượng được giao lại cho cơ chế hậu kiểm nhưng chính cơ chế này lại đang bộc lộ nhiều “lỗ hổng”.