Theo ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà, dầu thải của công ty thường được người dân địa phương mua về diệt chuột.
Dầu thải gây ô nhiễm nước sạch sông Đà là của Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà. Ảnh: Người Đưa Tin |
Liên quan đến vụ đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước cấp đến Nhà máy nước sạch sông Đà, sáng 20/10, trao đổi với báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà cho biết, dầu thải mà các đối tượng Nguyễn Chương Đại (SN 1994, trú xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (SN 1986, trú xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) đổ trộm vào nước sạch sông Đà là của công ty mình.
Tuy nhiên, ông Truyền khẳng định, phía công ty không có bất kì 1 mối quan hệ nào với các đối tượng nói trên. Về nguồn dầu thải, đây là loại dầu thải từ máy ép Công ty Gốm sứ Thanh Hà. Mỗi năm sẽ có khoảng 400 lít dầu thải máy ép bị thải ra như vậy.
Đáng nói, theo lời ông Truyền, dầu thải này hay được nông dân địa phương xin về diệt chuột. Sau này công ty đã ký với Công ty Môi Trường Xanh để xử lý chất thải. Tuy nhiên phía Công ty Môi Trường Xanh yêu cầu phải đủ 10 khối mới đến chở đi. Bộ phận kho của công ty đã lén lút đem cho (hoặc bán) số lượng dầu trên cho nhóm Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám.
“Theo tôi phán đoán, sau khi lấy được dầu, nhóm Đại, Thám đã mang về Hưng Yên để sơ chế, giữ lại những gì có thể sử dụng được. Lượng dầu cặn mà xử lý phải mất tới 3,5 triệu đồng/khối, chắc các đối tượng thấy giá, tiếc tiền nên mới đem xả trộm ở Hòa Bình” ông Nguyễn Đức Truyền chia sẻ thêm.
Trong một diễn biến khác, sở Y tế Hà Nội lần thứ ba công bố kết quả xét nghiệm nước sạch sông Đà đạt chuẩn, tuy nhiên chưa đề cập đến việc nguồn nước cấp từ Nhà máy nước sông Đà đã đảm bảo cho ăn uống hay chưa.
Cụ thể, báo Người Lao Động đưa tin, sở Y tế Hà Nội cho biết, kết quả 4 mẫu nước của Nhà máy nước sông Đà tại các vị trí: Mẫu nước thành phẩm tại nhà máy; bể chứa trung gian tại xã Bình Yên (Thạch Thất); trạm điều tiết Tây Mỗ; họng 1.200 BigC do Viện Công nghệ môi trường cung cấp đều đạt quy chuẩn về styren theo QCVN 01:2009/BYT.
Ngoài ra, 15 mẫu nước tại hộ gia đình sử dụng nước trong mạng cấp của công ty nước sạch Sông Đà tại 5 quận huyện: quận Thanh Xuân (phường Phương Liệt, Thanh Xuân Trung); quận Hoàng Mai (phường Đại Kim); quận Cầu Giấy (phường Mai Dịch, Trung Hòa); quận Nam Từ Liêm (phường Mễ Trì, Đại Mỗ), huyện Hoài Đức (xã Di Trạch, Vân Côn) do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội lấy mẫu và xét nghiệm chỉ tiêu Styren đều cho kết quả xác định: 15/15 mẫu đạt quy chuẩn về Styren theo QCVN 01:2009/BYT.
Bạch Hiền (t/h)