Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ nữ tiếp viên hàng không bị Mercedes tông: Hệ lụy khi bị cáo không còn tài sản để bồi thường

(DS&PL) -

TAND quận Tân Phú yêu cầu bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong bồi thường hơn 1,8 tỷ đồng cho hai bị hại.

TAND quận Tân Phú yêu cầu bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong bồi thường hơn 1,8 tỷ đồng cho hai bị hại. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, hiện tại bị cáo đã không còn tài sản để thi hành án.

Không còn tài sản

Liên quan đến vụ án tài xế Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) lái xe Mercedes gây tai nạn làm chết 1 lái xe grabbike Lê Mạnh Th. và làm bị thương nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường, mới đây TAND quận Tân Phú, TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Phong 7 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ. 

HĐXX yêu cầu bị cáo bồi thường 1,4 tỷ đồng cho nạn nhân Nguyễn Thị Bích Hường và 477 triệu đồng cho gia đình ông Lê Mạnh Th..

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, tại tòa, bị cáo khai không còn tài sản để thi hành án phần bồi thường. Trước đó, bị cáo đã làm thủ tục sang tên căn nhà chung cư cho mẹ, sau đó mẹ bị cáo đã chuyển nhượng căn nhà cho một người khác.

Phía luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại cho rằng, trong vụ án này số tiền bồi thường thiệt hại rất lớn, vì vậy việc chuyển nhượng tài sản trong quá trình bị cáo tạm giam được xem là là hành vi tẩu tán tài sản, tránh việc phải bồi thường.

Trong thực tiễn, việc vị cáo không có tài sản để thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại không phải là chuyện hiếm. Việc không thực hiện nghĩa vụ bồi thường không chỉ khiến bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà còn mang nhiều hệ lụy trong việc thi hành hình phạt tù, nhân thân của bị cáo ngay cả khi đã chấp hành xong hình phạt tù.

Nữ tiếp viên Nguyễn Thị Bích Hường sẽ kháng cáo vì bản án tòa tuyên quá nhẹ với bị cáo Phong. (Ảnh: Thanh Niên)

Hệ lụy khi bị cáo không còn tài sản để bồi thường

Trao đổi với PV Tạp chí ĐS&PL xung quanh vẫn đề trên, luật sư Nguyễn Văn Đại – Giám đốc công ty Luật TNHH Việt Phong, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, theo quy định Bộ luật Hình sự 2015, người được xóa án tích được coi như chưa bị kết án. Nếu chưa được xóa án tích mà tiếp tục phạm tội mới, thì sẽ là căn cứ xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc tình tiết định khung hình phạt.

"Với việc bị cáo không thực hiện hoặc không đủ điều kiện thực hiện việc bồi thường theo quy định, bị cáo đương nhiên sẽ không được xóa án tích sau khi chấp hành xong hình phạt tù", luật sư Nguyễn Văn Đại nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc không thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, bị cáo sau khi chấp hành án phạt tù sẽ không đủ điều kiện được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Bởi lẽ, một trong những điều kiện tiên quyết để người đang chấp hành án phạt tù được tha tù trước thời hạn là việc đã thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

Hiện nay, theo luật Thi hành án hình sự, việc người chấp đang chấp hành án phạt tù thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường dân sự là căn cứ để được xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

Cùng nhận định về vấn đề trên, luật sư Vũ Quang Bá – Giám đốc công ty Luật TNHH AB & Partners, đoàn Luật sư TP.Hà Nội nêu quan điểm, trường hợp trước khi bản án có hiệu lực pháp luật mà bị cáo có hành vi tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại như: chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở… thì người bị hại có quyền yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng chuyển nhượng đó là vô hiệu.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2, Điều 133, Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

"Do đó, trong trường hợp tài sản đã được chuyển nhượng qua nhiều bên, bên thứ ba nhận chuyển nhượng không biết việc bị cáo tẩu tán tài sản thì việc thu hồi tài sản để thi hành án gần như sẽ không thực hiện được. Chưa kể đến, để xem xét việc chuyển nhượng tài sản của bị cáo cho người khác có bị vô hiệu hay không thì bị hại phải tiến hành khởi kiện một vụ án dân sự khác", luật sư Bá nhấn mạnh.

Hiện nay, theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 trong những vụ án phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, thì tại giai đoạn điều tra, truy tố hoặc xét xử bị hại có quyền yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cưỡng chế như: Kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài khoản để bảo đảm bồi thường thiệt hại.

Theo cáo trạng, gần 5h30 Mùng 6 Tết (ngày 30/1), chị Nguyễn Thị Bích Hường ngồi sau xe tài xế grabbike Lê Mạnh Th. chạy trên đường Hồng Hà, hướng vào sân bay.

Ở chiều ngược lại, Phong lái xe Mercedes chở nhóm bạn với vận tốc 84km/h. Đến số nhà 123 Hồng Hà, quận Phú Nhuận, tài xế để ôtô lao sang trái tông trực diện vào xe ông Th., húc xe máy và 2 nạn nhân văng nhiều mét lên lề.

Phong gọi điện đến trung tâm cấp cứu 115 thông báo vụ tai nạn rồi bỏ trốn. Do vết thương quá nặng, ông Th. tử vong ngay sau đó. Chị Hường bị vỡ ổ cối, gãy xương đùi, xương cùng, gãy kín chỏm xương, gãy chân mu hai bên... mang thương tật 79%.

Cơ quan điều tra xác định, Phong không có bằng lái ôtô, dùng giấy tờ giả thuê chiếc Mercedes với giá 2,5 triệu đồng một ngày. Khi gây tai nạn, bị cáo chạy xe vượt 34km/h so với tốc độ cho phép là 50km/h. Số giấy tờ giả Phong đã vứt bỏ trên đường bỏ trốn.

Ngày 1/2, Phong ra đầu thú. Kết quả kiểm tra cho thấy bị cáo dương tính với chất ma túy. Trước khi gây tai nạn, Phong và nhóm bạn đi bar ở tỉnh Bình Thuận.

Sau khi tòa tuyên án, nữ tiếp viên cho biết sẽ kháng cáo vì bản án tòa tuyên quá nhẹ vì Phong có nhiều tình tiết tăng nặng chưa được làm rõ trong phiên tòa. Hơn nữa, thái độ của Phong cùng gia đình từ khi tai nạn xảy ra đến nay không một câu hỏi thăm khiến nữ tiếp viên và dư luận càng thêm phẫn nộ.

Việt Hương

Tin nổi bật