"Vạch áo cháu lên thấy nhiều vết thương quá, như cầm dao cứa vào ruột gan, mình xót cháu mình vô cùng", dì của nạn nhân nghi bị nữ chủ quán bánh xèo bạo hành nghẹn ngào nói.
Chiều ngày 24/11, chia sẻ với báo chí, Thượng tá Nguyễn Huy Chiêu- Phó trưởng Công an huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho biết, đơn vị chưa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Ánh Tuyết (sinh năm 1986, quê quán Phú Mỹ, Nghĩa Mỹ, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) là chủ quán bánh xèo miền Trung có địa chỉ tại Ấp Đồn, Yên Trung, Yên Phong.
Trước đó, Nguyễn Thị Ánh Tuyết bị bắt giữ khẩn cấp để điều tra về hành vi hành hạ người khác. Nạn nhân trong vụ việc là Trương Quang D. (15 tuổi ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) và Võ Văn Đ. (21 tuổi ở huyện Nghĩa Tư, tỉnh Quảng Ngãi).
Quán bánh xèo nơi xảy ra vụ bạo hành. Ảnh: Vietnamnet |
Chia sẻ với Pv báo Lao động, chị Võ Thị Phương Nhi (trú Quảng Ngãi, dì ruột của Đ.) cho biết, khi biết tin Đ. bị bạo hành, chị run hết cả người, không làm sao ngủ được, thức trắng cả đêm. Bà ngoại của Đ., cũng là mẹ ruột của chị Nhi thì khóc cạn nước mắt đến ngất xỉu, phải gọi bác sĩ tới thăm khám.
Theo chia sẻ của chị Nhi, Đ. là người hiền ngoan, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên Đ. học tới lớp 8 thì nghỉ học, ở nhà phụ việc với ngoại làm đồng, làm nương. Lớn lên Đ.theo dì vào TP. HCM làm việc, sau đó Đ. ra Bắc Ninh làm thuê.
"Vạch áo cháu lên thấy nhiều vết thương quá, như cầm dao cứa vào ruột gan, mình xót cháu mình vô cùng. Xem hết vết thương, hỏi chỗ này là bị sao, bị đánh bao nhiêu lần. Nó còn kể là họ lấy cái chày tiêu đánh vào vai, 2 cánh tay sưng ú lên", chị Nhi khóc nức nở khi nhắc về những vết thương trên người cháu trai.
Cũng theo lời chị Nhi, Đ. kể lúc đầu năm đến làm, chủ quán có cho tiền đi sắm mấy bộ quần áo, nhưng 2-3 tháng sau thì liên tục đánh Đ., làm chậm cũng đánh, mệt cũng đánh....
"Đ. bảo họ đánh miết, đánh miết luôn mà toàn đánh mấy chỗ không có người thấy, dẫn ra đằng sau, toa lét, chỗ ngủ, lên lầu rồi đánh"- chị Nhi nghẹn ngào nói.
Đặc biệt, từ khi vào làm việc tại quán bánh xèo này, Đ. phải làm việc từ 7h ngày hôm trước đến 4h ngày hôm sau, nhưng không hề được trả lương. Thậm chí, khi cậu của Đ. mất, Đ. cũng không được về nhà.
Vết thương trên người Đ. Ảnh: Lao động |
Trong một diễn biến khác, chia sẻ với báo chí, Đ. cho hay, bắt đầu làm việc tại quán bánh xèo của Ánh Tuyết từ đầu năm 2020. Lần đầu bị đánh, Đ. nghĩ rằng mình làm sai, chủ quán bực tức đánh nên Đ. không suy nghĩ nhiều. Nhưng về sau, những trận đòn "oan" ngày càng nhiều.
Bị đánh đập thường xuyên, Đ. cũng với nạn nhân Trương Quang D. còn không được chủ quán cho ăn uống đầy đủ.
"Có hôm chủ cho ăn, hôm không, bọn em chủ yếu ăn cơm với nước tương, nước mắm. Nhiều khi đói quá bọn em phải ăn thức ăn thừa...", Đ. kể.
Nói về lý do bị bạo hành nhưng không chuyển đi nơi khác làm, Đ. cho biết, giữa anh và vợ chồng chủ quán có mối quan hệ hàng xóm ở Quảng Ngãi, mặt khác, gần 1 năm qua Đ. chưa được trả lương. Vì vậy, Đ. sợ bỏ việc sẽ không được chủ trả tiền công nên cố gắng làm.
Được biết, trước sự việc, người thân của gia đình Đ. bày tỏ nguyện vọng Đ. được pháp luật bảo vệ và kẻ hành hung sẽ bị trừng trị t hích đáng trước pháp luật.
Hoàng Yên (T/h)