Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ "nộp tiền mới được cấp cứu" ở Nam Định: Không đơn thuần là lỗi chuyên môn, có thể đối mặt xử lý hình sự?

  • Nguyễn Lâm
(DS&PL) -

Theo luật sư Hoàng Tùng, một bộ phận y bác sĩ coi nhẹ sinh mệnh con người, đặt thủ tục hành chính lên trên tính mạng cho thấy sự lệch chuẩn về đạo đức nghề nghiệp.

Tinh thần trách nhiệm mới là cốt lõi làm nên niềm tin 

Liên quan tới vụ việc bé trai được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cấp cứu nhưng bị phản ánh "phải đóng đủ tiền mới cấp cứu", ngày 5/5, Sở Y tế tỉnh Nam Định đã có báo cáo gửi Bộ Y tế và UBND tỉnh Nam Định. Trong báo cáo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định đã nhận trách nhiệm để xảy ra vụ việc trên, đồng thời đã đình chỉ một số nhân viên y tế để xác minh làm rõ vụ việc.

Hiện tổ xác minh đang tiếp tục xác minh, làm việc với một số cá nhân có liên quan; tiếp tục rà soát quy trình tiếp nhận xử lý cấp cứu người bệnh M.T.A. nói riêng và quy trình cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh nói chung; tiếp tục chấn chỉnh tinh thần, thái độ giao tiếp, y đức của nhân viên y tế. Những vi phạm sẽ được xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Vụ việc đã làm dấy lên tranh cãi về quy trình tiếp nhận cấp cứu và nghĩa vụ của cơ sở y tế trong các tình huống khẩn cấp cũng như câu chuyện y đức của một bộ phận nhỏ nhân viên trong ngành y tế.

Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật về vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, nếu sau quá trình xác minh có căn cứ cho thấy bệnh viện từ chối hoặc trì hoãn cấp cứu bệnh nhi vì chưa nộp đủ viện phí thì ekip trực hôm đó hoàn toàn có thể bị xem xét xử lý hình sự theo một hoặc nhiều tội danh.

Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội)

Luật sư Hoàng Tùng cho biết, trong môi trường y tế, không phải chuyên môn kỹ thuật mà chính tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy và lòng trắc ẩn mới là cốt lõi làm nên niềm tin với bệnh nhân. Khi tính mạng bị đặt sau thủ tục, y đức đã rơi vào trạng thái báo động.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 khẳng định rõ nghĩa vụ phải cấp cứu ngay cho người bệnh trong tình trạng nguy hiểm, không phụ thuộc vào giấy tờ hay thủ tục hành chính. Nghĩa vụ này không chỉ là yêu cầu nghề nghiệp mà còn là quy định pháp luật bắt buộc.

Mặc dù bệnh viện đã thừa nhận bước đầu trách nhiệm và tạm đình chỉ nhân sự để xác minh, nhưng hành vi từ chối tiếp nhận cấp cứu không thể được xoa dịu chỉ bằng các hình thức xử lý nội bộ.

Đây không đơn thuần là lỗi chuyên môn, mà là biểu hiện trực tiếp của sự đứt gãy trong chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp - nơi mà tính mạng con người bị đặt sau các thủ tục hành chính và sự vô cảm cá nhân.

Ekip trực có thể bị xem xét xử lý hình sự?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, cơ sở y tế và nhân viên y tế không được phép từ chối hoặc chậm trễ trong việc cấp cứu người bệnh, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Khoản 3 Điều 3 Luật này cũng quy định việc ưu tiên cấp cứu cho trẻ dưới 6 tuổi là nguyên tắc bắt buộc trong khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, việc từ chối cấp cứu cho cháu nhỏ là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật y tế.

Theo quy định tại điểm g khoản 7 và điểm d khoản 8 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 30 - 40 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 6 - 9 tháng. Trong trường hợp tổ chức vi phạm, theo khoản 5 Điều 4 Nghị định này, mức phạt tiền sẽ gấp đôi, tương ứng từ 60 - 80 triệu đồng.

Về hình sự, tùy tính chất và hậu quả của hành vi, có thể xem xét trách nhiệm hình sự đối với cá nhân liên quan. Trong trường hợp chậm trễ hoặc từ chối cấp cứu dẫn đến tử vong hoặc tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, cá nhân bác sĩ có thể bị xem xét về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 Bộ luật Hình sự.

Nếu có yếu tố vụ lợi, thờ ơ hoặc phân biệt đối xử, bỏ mặc người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có thể bị xem xét Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, Bệnh viện có thể bị yêu cầu bồi thường thiệt hại cho thân nhân người bệnh nếu chứng minh được rằng cái chết (hoặc tổn hại) là hệ quả trực tiếp từ việc không thực hiện nghĩa vụ cấp cứu.

Theo luật sư Hoàng Tùng, trách nhiệm ở đây không chỉ thuộc về cá nhân y bác sĩ, mà còn là trách nhiệm tổ chức, nếu hệ thống trực cấp cứu thiếu hiệu quả, quy trình nội bộ lỏng lẻo hoặc không có chỉ đạo kịp thời cũng như thiếu quy trình xử lý tình huống khẩn cấp.  

"Hành vi từ chối cấp cứu bệnh nhân là biểu hiện xuống cấp của y đức, đi ngược lại với lời thề Hippocrates và nguyên tắc cơ bản của ngành y là cứu người như cứu hỏa. Ngành y không chỉ là kỹ thuật chữa bệnh mà còn là nghề mang tính nhân đạo sâu sắc. Việc một bộ phận y bác sĩ coi nhẹ sinh mệnh con người, đặt thủ tục hành chính lên trên tính mạng, cho thấy sự lệch chuẩn về đạo đức nghề nghiệp", luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh.

Từ đây, luật sư Hoàng Tùng kiến nghị cơ quan chức năng cần làm rõ và công khai trách nhiệm cá nhân, tổ chức để tạo sự răn đe và ngăn chặn tiền lệ xấu.

Đồng thời, bổ sung quy trình bắt buộc xử trí cấp cứu tại mọi cơ sở y tế, không phụ thuộc vào nơi cư trú, giấy tờ hay khả năng thanh toán; tái thiết lập hệ thống giám sát y đức, trong đó đánh giá đạo đức nghề nghiệp phải trở thành chỉ số bắt buộc trong công tác thi đua, xét duyệt chuyên môn; thúc đẩy giáo dục y đức ngay từ trường y, để đào tạo ra những thầy thuốc không chỉ giỏi chuyên môn, mà trước hết phải “thấu cảm nỗi đau người bệnh”.

Tin nổi bật