(ĐSPL) – “Chủ sở hữu của bốt điện và cơ quan trực tiếp quản lý điện lực ở địa phương sẽ có trách nhiệm khi tài sản của mình gây ra thiệt hại về sức khỏe và tính mạng với những người xung quanh dù không có lỗi.” - Thạc sĩ - Luật sư Vũ Hồng Hoa nhận định.
Vào khoảng 15h ngày 17/11 tại đường Trưng Nhị, Hà Đông, một vụ nổ bốt điện xảy ra khiến 5 người bị thương và đã có 1 nạn nhân tử vong. Theo Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, nguyên nhân của vụ nổ bốt điện ở Hà Đông là do trong quá trình đóng điện vận hành không tải trước khi đưa vào vận hành chính thức, máy biến áp đã bất ngờ tràn dầu, gây cháy.
Người dân khu vực này cho biết thêm rằng, vào sáng ngày 17/11, bốt điện này đã nổ một lần nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng. Sau đó đã có một nhóm thợ đến sửa chữa, kiểm tra. Khoảng 2 tiếng sau bốt điện phát nổ lớn hơn, gây ra thảm kịch.
Chiếc xe lăn nạn nhân để lại tại hiện trường. |
Để làm rõ những vấn đề có liên quan, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ - Luật sư Vũ Hồng Hoa - Luật sư điều hành Hợp tác xã Luật Đống Đa về trách nhiệm trong vụ nổ bốt điện này.
Trả lời phóng viên, Luật sư Vũ Hồng Hoa cho biết đây là một vụ tai nạn đau thương, gây thiệt hại lớn về người và của. Thực chất, bốt điện thuộc hệ thống tải điện và là một nguồn nguy hiểm cao độ. Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp này có thể được áp dụng như sau:
Chủ sở hữu của bốt điện và cơ quan trực tiếp quản lý điện lực ở địa phương sẽ có trách nhiệm khi tài sản của mình gây ra thiệt hại về sức khỏe và tính mạng với những người xung quanh dù không có lỗi (trừ trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết hay lỗi hoàn toàn của nạn nhân).
Nếu xác định nguyên nhân là do sơ suất kỹ thuật hoặc chất lượng đường dây điện, cơ quan quản lý điện lực sẽ phải chịu trách nhiệm trong vụ việc trên.
Nếu nguyên nhân gây nên vụ nổ trên là sự tắc trách, không thực hiện đúng trình tự, quy tắc công việc của nhân viên sửa chữa trong quá trình đóng điện vận hành, gây hậu quả chết người thì nhân viên đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp và quy tắc hành chính. Đồng thời, cơ quan quản lý điện lực địa phương có thể phải liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự đối với các nạn nhân trong vụ việc trên.
Luật sư Vũ Hồng Hoa. |
Cũng theo Luật sư Vũ Hồng Hoa, nếu xác định nạn nhân không có lỗi cố ý gây ra vụ nổ thì họ sẽ nhận được bồi thường thiệt hại như sau: - Với những nạn nhân bị ảnh hưởng tới sức khỏe:
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. Ví dụ như : tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X-quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ… để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).
Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khỏe bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.
Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm. - Với những nạn nhân thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm:
Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết.
Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ...
Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết.
Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm.
Luật sư Vũ Hồng Hoa cũng cho rằng, những bốt điện này không hề vô hại như nhiều người lầm tưởng. Bởi vậy, người dân không nên buôn bán đồ ăn, nước uống hay chơi gần khu vực nguy hiểm này. Rõ ràng, chúng ta cần bảo vệ chính bản thân mình trước những nguy hiểm đang rình rập xung quanh. Đừng để khi hậu quả đã xảy ra mới suy nghĩ đến việc ai là người có trách nhiệm bồi thường.
Đồng quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho biết, Căn cứ qui định của pháp luật, Công ty Điện lực Quận Hà Đông là đơn vị trực tiếp quản lý bốt điện phát nổ gây thiệt hại về tài sản và sức khỏe người dân phải có trách nhiệm bồi thường dân sự.
Điều 623. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Bộ luật Dân sự 2005) 1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật. 2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác. 3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
Xuân Tùng