Cục Cảnh sát hình sự đã bắt khẩn cấp ông Đào Tấn Cường để điều tra về hành vi đe dọa giết người khi ông này nhắn tin đe dọa ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND Đà Nẵng. Nguyên nhân đang được xác minh làm rõ. Vấn đề mà dư luận đang quan tâm là với hành vi này, ông Cường sẽ bị xử lý ra sao?
Cũng có hành vi nhắn tin đe dọa lãnh đạo cơ quan chính quyền Nhà nước, cách đây không lâu, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Trọng Phương (37 tuổi, trú ở Ba Đình, Hà Nội) về tội Khủng bố và Trần Anh Thuận (36 tuổi, ở Bắc Ninh) về tội Không tố giác tội phạm.
Được biết, Phương là người trực tiếp nhắn tin đe dọa ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
Điều khiến dư luận thắc mắc là cùng một hành vi nhắn tin đe dọa nhưng vì sao Nguyễn Trọng Phương bị khởi tố về tội Khủng bố mà Đào Tấn Cường lại bị khởi tố về tội Đe dọa giết người?
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc công ty luật Dragon - đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: “Nhìn nhận về mặt khách quan, có thể thấy hai vụ việc vừa qua có hành vi giống nhau là nhắn tin đe dọa tính mạng đến người có chức vụ quyền hạn đang thực thi công vụ.
Tuy nhiên, để nhìn nhận cụ thể cần kết luận của cơ quan điều tra về động cơ, mục đích của từng trường hợp một. Tội danh của nghi can sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra".
Cùng hành vi nhắn tin nhưng người thực hiện có thể sẽ bị truy tố ở những tội danh khác nhau. |
"Vụ việc ở Bắc Ninh, sau khi điều tra rõ động cơ của Nguyễn Trọng Phương, cơ quan tố tụng đã truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can về hành vi khủng bố bởi bị can nhắn tin có nội dung đe dọa xâm phạm tính mạng cán bộ, công chức nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân. Theo đó, trong vụ nhắn tin đe dọa lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, bị can và người bị nhắn tin đe dọa không có quan hệ hay mâu thuẫn cá nhân.
Cho rằng những chủ trương chính sách do lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đưa ra đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình nên Phương đã thực hiện hành vi đe dọa Chủ tịch UBND tỉnh nhằm ngăn cản thực thi các quy định đó. Chiếu theo quy định tại Điều 84, BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), hành vi nhắn tin đe dọa lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh của Phương có dấu hiệu của tội Khủng bố”, luật sư Long cho biết.
“Còn với vụ án xảy ra tại Đà Nẵng, việc ông Đào Tấn Cường (trú tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) bị truy tố tội Đe dọa giết người hay tội Khủng bố phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan công an.
Nếu kết quả điều tra cho thấy nếu chỉ vì mâu thuẫn cá nhân hoặc bức xúc về việc điều hành quản lý hành chính của lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng mà bị can Cường đã nhắn tin đe dọa giết người thì hành vi này thuộc phạm vi điều chỉnh của tội Đe dọa giết người.
Còn nếu kết quả điều tra cho thấy hành vi nhắn tin đe dọa của ông Cường nhằm mục đích khiến chủ tịch UBND TP.Đà Nẵn thay đổi chính sách hoặc xâm phạm chính quyền nhân dân thì ông Cường có thể bị xử lý về tội Khủng bố", luật sư Long đánh giá.
Tội Khủng bố Điều 84, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: 1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. 2. Phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 3. Phạm tội trong trường hợp đe doạ xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 4. Khủng bố người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì cũng bị xử phạt theo Điều này. |
Trần Phương