Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ người phụ nữ tử vong sau khi truyền dịch: Chân dung chủ phòng khám qua lời kể của các bệnh nhân

(DS&PL) -

Trước sự việc một bệnh nhân tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám tư, nhiều người dân tỏ ra buồn bã, vừa thương người xấu số vừa thương hai vợ chồng bác sĩ Kết.

Trước sự việc một bệnh nhân tử vong sau khi truyền dịch tại Phòng khám Chuyên khoa Nội Kết Châu, nhiều người dân tỏ ra buồn bã, vừa thương người xấu số vừa thương hai vợ chồng bác sĩ Kết.

Như đã đưa tin, chiều tối ngày 7/4, bệnh nhân nữ Phạm Thị Hòa, sinh năm 1986 (có hộ khẩu thường trú tại Phú Thượng, Phú Vãng, Thừa Thiên Huế; tạm trú tại 509/126 Vũ Tông Phan, phường Khương Đình) đến khám tại Phòng khám Chuyên khoa Nội Kết Châu được chẩn đoán: Suy nhược cơ thể, tụt huyết áp.

Sau khi truyền 1 chai Natri Clorid 0,9% (500 ml), tình trạng bệnh nhân khá hơn. Bệnh nhân được truyền thêm một chai Alvesin 40 (250 ml). Tuy nhiên, sau truyền 5 - 10 phút, bệnh nhân ngứa ngáy, có dấu hiệu tức ngực, khó thở... sau đó tử vong.

Quyết định đình chỉ Phòng khám Chuyên khoa Nội Kết Châu của Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: VTV.vn

Theo báo VTV, sau khi vụ việc xảy ra, ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội đã có quyết định đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh đối với phòng khám này.

Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh đối với Phòng khám Chuyên khoa Nội Kết Châu, địa chỉ Số 21 hẻm 35/69/95 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội do bác sĩ Dương Văn Kết là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật.

Phòng khám bị đình chỉ hoạt động để phục vụ công tác điều tra, xác minh của cơ quan Công an về việc bệnh nhân tử vong ngày 7/4 sau khi khám bệnh và điều trị tại phòng khám này.

Liên quan đến vụ việc, theo ghi nhận của PV An Ninh Thủ Đô, từ ngoài đầu hẻm, không khí u buồn bao trùm, cách nói chuyện của các hộ dân xung quanh cũng trở nên chậm rãi, phần vì thương người xấu số và phần vì thương hai vợ chồng bác sĩ Kết.

Bà Trần Thị Nghì (72 tuổi), chủ căn nhà đối diện phòng khám (nhà số 24) chia sẻ, “Thỉnh thoảng ốm đau bệnh tật, tôi thường sang bác sĩ Kết khám. Chồng nhà tôi bị bệnh tim (đã mổ 2 lần), trước thì mổ ở Bệnh viện Bạch Mai, sau rồi điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Khi chồng tôi điều trị tại đây, bác sĩ Kết dù làm ở Khoa nội vẫn thỉnh thoảng sang hỏi thăm. Hoặc khi chồng tôi đi khám bệnh về, mỗi khi đem phim, đơn thuốc sang hỏi, bác sĩ Kết đều tư vấn tận tình. Qua những lần tư vấn của bác sĩ Kết, tôi thấy bệnh tình của chồng tôi đều có tiến triển tốt”.

Phòng khám của bác sĩ Dương Văn Kết, nơi diễn ra sự việc một người bệnh tử vong khi đang truyền nước. Ảnh: ANTĐ

Là người bị gãy tay, có mẹ ruột, hai con dâu và các cháu thường xuyên điều trị tại phòng khám của bác sĩ Kết, bà Lê Thị Nghĩa (59 tuổi, ở số nhà 32A) cho biết: “Vợ chồng bác sĩ Kết tuyệt vời, không chê vào đâu được. Gia đình tôi, cả mẹ, tôi, các con, các cháu đều khám ở đây hết, giá cả điều trị và thuốc thang đều rất hợp lý”.

Cũng chia sẻ thêm, có một lần bà Nghĩa bị gãy tay, bó bột ở nơi khác 5 lần vẫn chưa khỏi nhưng sang phòng khám của bác sĩ Kết, bác sĩ tiêm cho một mũi là đỡ hẳn. Hay mẹ đẻ bà Nghĩa có triệu chứng tiền đình, bác sĩ Kết khám chữa xong đều không lấy tiền với lý do "cụ đã già".

Trọ ở khu vực này hơn 10 năm nay, chị Nguyễn Thị Hoài (43 tuổi, quê ở Ba Vì), chủ một tiệm may cho biết, hai vợ chồng chị đã từng điều trị sốt xuất huyết tại đây, chị cũng đã nhiều lần đưa những người cùng thuê trọ đến bác sĩ Kết để khám chữa. “Biết hoàn cảnh chúng tôi khó khăn nên bác sĩ Kết thường giúp đỡ, nhiều khi tiền khám chữa không hết bao nhiêu. Tôi và nhiều người ở đây không ai chê về đạo đức của vợ chồng bác sĩ, còn trong nghề nghiệp tai nạn thì không ai lường trước được cả, đây là sự cố chẳng may xảy ra. Lúc tôi nghe tin này, tôi thấy thương hai vợ chồng bác sĩ quá”.

Bà Trần Thị Nghì (72 tuổi), chủ căn nhà đối diện phòng khám (nhà số 24). Ảnh: ANTĐ

Còn bà Phạm Thị Thu Hồng đã từng siêu âm một lần ở đây cho biết, “Cách đây 2 năm, tôi có siêu âm ổ bụng tại đây. Tôi thấy vị bác sĩ này khám chữa rất cẩn thận, kết quả chính xác. Bởi sau đó, tôi có khám lại ở Bệnh viện Xây dựng (quận Thanh Xuân) – nơi tôi đăng ký bảo hiểm y tế, thì thấy kết quả rất khớp. Tôi đang định quay trở lại đây khám thì nghe được tin này”.

Cũng theo nhiều người dân lân cận cho biết, từ ngày đi vào khám chữa bệnh, đây là sự cố đầu tiên xảy ra. Họ cũng bày tỏ mong muốn rằng, các cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ vụ việc, để bác sĩ Kết sớm trở lại, mở lại phòng khám chữa bệnh cho nhân dân xung quanh đây.

Được biết phòng khám này đã mở tại địa chỉ trên được 4 năm, hai vợ chồng bác sĩ Kết là người trực tiếp khám chữa, điều trị bệnh, kê đơn thuốc cho người bệnh.

Nguyễn Phượng (T/h)

Tin nổi bật