Tạp chí Tri thức dẫn thông tin từ UBND TP.Long Khánh cho biết, tính đến 6h ngày 5/5, tổng số nạn nhân liên quan món bánh mì ở TP.Long Khánh là 560 người. Trong đó, 30 ca nhập viện mới có các triệu chứng nhẹ, họ lo lắng khi đọc báo mới đến bệnh viện.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh điều trị cho 291 người, với các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, sốt. Bệnh viện Đa khoa cao su Đồng Nai đang điều trị 25 ca. Có 11 ca xuất viện, 114 ca chuyển viện.
Một bệnh nhi nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Nai đã mở mắt tự nhiên, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Bệnh nhi 6 tuổi nặng nhất trong vụ ngộ độc được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), hiện tình hình sức khoẻ chưa ổn định.
Đoàn công tác của Bộ Y tế đến thăm các bệnh nhân nặng sau ăn bánh mì đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Tuổi trẻ
Bước đầu tìm kiếm nguyên nhân, bác sĩ Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết kết quả xét nghiệm máu của 3 trẻ cho thấy nhiễm khuẩm E.coli. Tuy nhiên, việc này chưa nói lên điều gì chắc chắn, phải đợi kết quả xét nghiệm máu có khuẩn E.coli có trùng khớp với mẫu thức ăn hay không.
Sự việc bắt đầu ngày 1/5 khi có khoảng 70 người có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh sau khi ăn bánh mì ngày 30/4. Thời gian ủ bệnh trung bình của các bệnh nhân 4-8 giờ. Triệu chứng chủ yếu là tiêu chảy, nôn ói.
Kết quả kiểm tra ban đầu, tiệm bánh mì Băng bán bánh mỳ thịt bao gồm: bánh mì, pate tự làm (gan heo, thịt mỡ), chả lụa, thịt nguội, thịt heo, dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (gồm: nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương). Trong ngày 30/4, quán bán hơn 1.100 ổ bánh mỳ.
Theo báo Dân trí, liên quan đến vụ việc, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã có văn bản đề nghị Sở Y tế Đồng Nai phối hợp tập trung cấp cứu, điều trị cho người bệnh nghi ngộ độc sau ăn bánh mỳ. Đặc biệt Cục cũng yêu cầu ngành y tế Đồng Nai tiếp tục tập trung, huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, xử trí, cứu chữa kịp thời người bệnh.
Đồng thời, các bệnh viện theo dõi chặt chẽ người bệnh nặng và có nguy cơ tăng nặng, đặc biệt là các ca điều trị hồi sức tích cực. Bên cạnh đó, y bác sĩ cần quan tâm chăm sóc sức khỏe, động viên người bệnh và gia đình.
Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tại khu vực phía Nam như Bệnh viện Chợ Rẫy, Đại học Y Dược TP.HCM, Thống Nhất và các bệnh viện nhi đồng tuyến trên trong việc chuyển tuyến, hội chẩn chuyên môn, khám chữa bệnh từ xa nếu cần thiết.