Vào trưa 21/5, bé trai N.H.Đ. (14 tuổi, nam sinh lớp 8 trường THCS Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) đã tử vong tại bệnh viện sau 2 tháng điều trị tích cực.
Trước đó, chiều 17/3, T.V.K. (12 tuổi, trú tại quận Long Biên) trong lúc chơi tại khu vực đình Lệ Mật đã xảy ra mâu thuẫn và bị N.H.Đ. tát vào mặt. K. sau đó chạy đi gọi anh trai là Trương Văn Minh (16 tuổi, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên) để nhờ giải quyết mâu thuẫn.
Khi 2 anh em đi bộ ra sân đình Lệ Mật, gặp bố là anh T.V.T. nên cả hai kể lại sự việc. Anh T. liền chở 2 anh em bằng xe máy ra sân đình Lệ Mật để xem ai đánh. Tại đây, anh T. bảo 2 con đi vào sân đình, còn anh quay xe định ra về.
Lúc này, anh T. thấy Minh chạy vào đấm làm Đ. ngã ra đất nên vào can ngăn, rồi chở 2 con về nhà. Sau đó, anh T. trở lại khu vực sân đình Lệ Mật, thấy Đ. có biểu hiện choáng, mặt tái nên đã đưa nam sinh vào bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu. Nạn nhân sau đó được chuyển Bệnh viện 108 điều trị.
Nam sinh bị đánh chết não rồi tử vong sau 2 tháng điều trị. Ảnh: Thanh Niên
Đến ngày 27/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Trương Văn Minh (16 tuổi, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên) về tội Cố ý gây thương tích.
Liên quan đến vụ việc, theo báo Dân Trí, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Văn phòng Luật sư Nhân Chính) cho biết Trương Văn Minh đã bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp nạn nhân đã tử vong, Minh sẽ bị áp dụng tình tiết định khung là cố ý gây thương tích với hậu quả chết người, quy định theo điểm a, khoản 4, Điều 134. Khung hình phạt sẽ là 7-14 năm tù.
Theo luật sư Đồng, do bị can thực hiện hành vi là người chưa thành niên nên sẽ áp dụng nguyên tắc xử lý và các quy định xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội.
"Cụ thể, đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi khi phạm tội nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định", luật sư Đồng cho biết.
Ngoài chịu trách nhiệm hình sự, Minh còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân theo quy định tại 591 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Bao gồm thiệt hại về vật chất như thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, chi phí hợp lý cho việc mai táng; thiệt hại về tinh thần nhằm bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của người bị thiệt hại.
"Pháp luật đề cao sự thỏa thuận của các bên trong việc xác định mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định", luật sư Đồng cho hay.