(ĐSPL) - Liên quan đến vụ máy bay của Malaysia mất tích, Việt Nam là nước đã kịp thời có mặt và huy động lực lượng tìm kiếm lớn nhất.
>> Sử dụng vệ tinh VNREDSAT-1 để tìm kiếm máy bay mất tích
>> Phát hiện mới về máy bay Malaysia mất tích
Trao đổi với phóng viên báo chí chiều 15/3, Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về việc máy bay Boeing 777-200 của Malaysia mất tích, với tinh thần trách nhiệm cao, Việt Nam đã ngay lập tức huy động lực lượng và cũng là nước chuẩn bị lực lượng tìm kiếm đầu tiên tại khu vực.
Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, trong vụ máy bay Malaysia mất tích, Việt Nam là nước huy động lực lượng tìm kiếm lớn nhất. |
“Lực lượng tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của chúng ta có thể nói là lớn nhất với 11 máy bay các chủng loại với 55 lần chuyến và 7 tàu biển rà soát trong các khu vực nghi vấn. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ của lực lượng trên bộ của các quân khu như quân khu 5, quân khu 7, quân khu 9 và lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, nhân dân địa phương, tất cả tàu thuyền đánh cá trên vùng biển này. Phạm vi ban đầu ở 40.000 km2 song lần 2 đã mở ra trên 87.000 km và mở rộng ra toàn bộ vùng biển khu vực FIR Việt Nam quản lý” – Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết.
Việt Nam tích cực trong việc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích ngày 8/3:
Máy bay tuần thám biển CASA được ví là "Mắt thần biển Đông" được huy động vào cuộc tìm kiếm. |
Nhận định về cuộc tìm kiếm lần này, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cũng chia sẻ: Đây là lần triển khai lực lượng tìm kiếm máy bay mất tín hiệu với lực lượng, quy mô lớn nhất, hiện đại nhất. Kể cả một số phương tiện mới tiếp nhận sử dụng như máy bay tuần thám biển CASA và thủy phi cơ DHC 6, cùng với tàu nghiên cứu biển mang tên Trần Đại Nghĩa có thiết bị thăm dò hiện đại nhất của Việt Nam cũng được tung vào cuộc với hy vọng sẽ tìm ra tung tích của chiếc máy bay mà toàn bộ hành khách trên chuyến bay đó.
Liên quan đến việc Malaysia yêu cầu Việt Nam tìm kiếm ở khu vực mới, Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết, theo tin từ phía Malaysia thì họ thông báo hành lang tìm kiếm mới rất rộng lớn, hành lang thứ nhất là từ Malaysia qua Thái Lan tới vùng Kazakhtan và ngược lại; hành lang thứ hai là Indonesia. "Với khả năng của mình, chắc chắn Malaysia sẽ phải nhờ tới lực lượng nước ngoài. Chúng tôi xác định khi có yêu cầu này chúng tôi sẽ xem xét. Nhưng chắc chắn là có 2 lực lượng: tàu biển trên mặt nước và lực lượng không quân", ông nói.
Những phương tiện hiện đại như thủy phi cơ DHC 6 cũng được đưa vào cuộc. |
Trong thời gian máy bay mang số hiệu MH 370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích, đã có không ít phán đoán và các thông tin được đưa ra, trong khi đó thông tin từ các nguồn chính thức lại rất “nhỏ giọt”, gây hoang mang và nhiễu loạn. Giải thích về vấn đề ấy, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng: “Tâm lý những thân nhân của hành khách trên chuyến bay luôn mong mỏi trong thời gian sớm nhất sẽ tìm được máy bay bị mất tích và người thân của họ, cho nên bất kỳ thông tin ở nguồn nào dù độ chính xác 1/1000 tia hy vọng cũng đều được thu thập cho tìm kiếm. Chúng tôi phải xử lý một lượng thông tin lớn nhằm lọc ra những thông tin có độ tin cậy cao để điều động lực lượng tìm kiếm".
Tàu nghiên cứu biển HQ 888 mang tên giáo sư Trần Đại Nghĩa được xem là tàu hiện đại nhất Đông Nam Á cũng được Việt Nam sử dụng trong kế hoạch tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. |
"Malaysia là nước có máy bay, có trách nhiệm chính trong việc tìm kiếm nên cũng khó có thể đánh giá họ bất hợp tác hay đưa tin chậm trễ. Bởi ngay khi có thông tin này, tùy viên Quốc phòng Malaysia và tùy viên quốc phòng Singapore đã có mặt tại đây để trao đổi và chúng tôi thống nhất, tất cả thông tin về máy bay mất tích sẽ thông qua kênh tùy viên quốc phòng Malaysia thông báo tới chúng tôi, còn chúng tôi coi đó là thông tin chính thức”.
“Tôi cũng biết có nhiều người đánh giá việc Quân đội Nhân dân Việt Nam triển khai tìm kiếm cả trên đất liền hay các khu rừng là vô vọng, nhưng tôi cho rằng, một khi chúng ta chưa tìm thấy thì không được bỏ qua bất cứ khu vực nào, kể những khu vực ít có khả năng nhất” – Trung trướng Tuấn cho biết thêm.
Anh Thư
Xem thêm clip ý nghĩa về lịch sử xây dựng và bảo vệ lãnh thổ Việt Nam