(ĐSPL) - Chiều ngày 30/12, lực lượng tìm kiếm và cứu nạn Indonesia xác nhận đã tìm thấy những mảnh vỡ của chiếc máy bay AirAsia mang số hiệu QZ8501. Ngay sau đó, một vài thi thể của những hành khách xấu số cũng được phát hiện gần khu vực những mảnh vỡ xuất hiện.
Tín hiệu mới nhất của lực lượng tìm kiếm đã dập tắt niềm hy vọng cuối cùng của thân nhân những hành khách và phi hành đoàn có mặt trên chuyến bay QZ8501 định mệnh.
Dập tắt mọi hy vọng
Chiều ngày 30/12, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, nhà chức trách Indonesia thông báo đã phát hiện thi thể của các hành khách xấu số trên chuyến bay AirAsia mất tích. Thi thể của những hành khách này đang được đưa về Indonesia từ đảo Borneo bằng trực thăng. Con số những thi thể được tìm thấy tăng lên từng giờ.
Những thi thể này được tìm thấy trên biển Java, cách 10km so với địa điểm cuối cùng chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 được nhìn thấy trên rada. Thân nhân của những hành khách trên chuyến bay này đã cùng nhau ngồi ngóng đợi tin tức tại sân bay Surabaya từ vài ngày trước đau đớn gấp bội khi nhận được tin dữ. Nhiều người đã ngất lịm còn những người khác la hét trong tình trạng mất kiểm soát. Họ được theo dõi công tác cứu nạn qua màn hình và nhìn thấy người thân của mình nổi trên biển.
Người thân của các nạn nhân chết lặng khi nhận tin dữ. |
Trước đó, Giám đốc cơ quan Hàng không dân dụng Indonesia đã xác nhận với AP rằng, họ đã tìm thấy những mảnh vỡ của chiếc máy bay mang số hiệu QZ 8501 trôi nổi cách Pangkalan Bun khoảng 100 dặm (160km).
"Đến thời điểm hiện tại, dựa trên quan sát và kinh nghiệm của lực lượng cứu hộ, chúng tôi xác nhận những mảnh vỡ màu đỏ và trắng cùng với chiếc cửa máy bay mới tìm thấy là các phần của chiếc máy bay Airbus A320-200 được cho là đã mất tích trước đó", Giám đốc cục Hàng không Indonesia Djoko Murjatmodjo nói.
Cùng lúc đó, đài truyền hình Indonesia Metro TV đã phát hình ảnh các mảnh vỡ được tìm thấy dưới biển, được cho là một cánh cửa của máy bay, kèm theo phao trượt sử dụng trong tình huống khẩn cấp.
Chiếc máy bay của hãng AirAsia đã mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu vào 7h24 sáng ngày Chủ nhật theo giờ Singapore (6h24 theo giờ Indonesia). Chiếc máy bay mất tích khi đang thực hiện hành trình từ thành phố Surabaya của Indonesia đến Singapore. Vị quan chức đứng đầu đội tìm kiếm và cứu hộ cho biết vùng biển Java giữa đảo Belitung và Borneo là vùng tập trung nhiều tàu qua lại và là vùng nước nông. Cùng với đội tìm kiếm của Indonesia, một số nước cũng đã tham gia vào công cuộc truy tìm chiếc máy bay này.
Hoạt động tìm kiếm đa quốc gia dẫn đầu là Indonesia với sự hỗ trợ của Malaysia, Singapore, Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp và Mỹ với 30 tàu và máy bay.
Giám đốc điều hành của AirAsia Tony Fernandes lần đầu tiên lên tiếng sau khi tai nạn xảy ra. ông Fernandes nói rằng hãng hàng không đã đưa đón 220 triệu lượt khách một cách an toàn trong suốt 13 năm kể từ khi thành lập mà chưa bao giờ gặp phải bất cứ vấn đề gì. "Cho đến ngày hôm nay chưa hề có ai bị thiệt mạng khi bay bằng AirAsia. Đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất của chúng tôi", vị giám đốc này nói.
Giám đốc điều hành AirAsia, ông Tony Fernandes, trong buổi họp báo về máy bay mất tích. |
Lên tiếng từ thành phố Surabaya, ông Tony Fernandes nói rằng tình trạng thời tiết xấu vì bão lúc chiếc máy bay mất tích, nhưng ông tránh không đưa ra suy đoán thêm nữa: "Chúng tôi rất sững sờ về sự kiện xảy ra, thật không thể tin được, nhưng chúng tôi không biết điều gì xảy ra, vì vậy chúng tôi sẽ chờ cuộc điều tra về việc này để thực sự biết đã xảy ra điều gì.
Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi vào lúc này là bảo đảm rằng chúng tôi lo cho họ. Và hợp tác hoàn toàn với cuộc điều tra. Chúng tôi hy vọng rằng chiếc máy bay sẽ được nhanh chóng tìm thấy và chúng tôi có thể biết được nguyên nhân sự việc. Vào lúc này, chúng tôi không muốn suy đoán. Chúng tôi không biết điều gì đã xảy ra".
Malaysia Airlines, hãng hàng không đã bị mất dấu chuyến bay MH 370 trên tuyến bay từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh vào tháng 3, đã đăng một tin nhắn hỗ trợ tinh thần trên Twitter, khích lệ những người thân của hành khách trên chuyến bay AirAsia "giữ vững tinh thần". Chuyến bay MH 370 với 239 hành khách và phi hành đoàn vẫn chưa tìm thấy. Mẩu tin nhắn ghi: "Chúng tôi nghĩ đến và cầu nguyện cho tất cả người thân cùng với bằng hữu của các hành khách trên chuyến bay".
Những số phận bi thương trên QZ8501
Việc tìm thấy những mảnh vỡ của máy bay và thi thể của các hành khách đã dập tắt niềm hy vọng le lói của những người thân của họ mấy ngày nay. Angela Anggi Ranastianis, 22 tuổi, con gái cơ trưởng Irianto, trước đó đã viết trên mạng xã hội: "Bố ơi về nhà thôi, con vẫn cần có bố. Hãy trả lại bố cho tôi. Bố ơi về nhà thôi. Bố phải được tìm thấy, bố phải trở về".
Kể từ khi nghe tin dữ máy bay AirAsia mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu, chị Ida, vợ cơ trưởng Irianto đã nhốt mình trong phòng kín và không chịu gặp ai. Ngoài cô con gái lớn 22 tuổi, ông Irianto còn có một cô con gái 7 tuổi khác tên là Arya Galih Gegana.
Louise Sidharta, 25 tuổi, nói với các phóng viên tại sân bay Quốc tế Changi ở Singapore rằng, chồng sắp cưới của cô, Alain Oktavianus Siaun, 27 tuổi, có mặt trên chuyến bay QZ8501 cùng với cha mẹ anh và 3 người em trai.
"Tôi nghe thấy tin tức trên radio và ngay lập tức truy cập Internet để đọc thông tin. Trái tim nói cho tôi biết, người yêu tôi trên chuyến bay đó", cô nói. Cô cũng cho biết đã liên lạc với người thân của chồng sắp cưới ở Indonesia để xác nhận và được biết cả gia đình Siaun đều có ở trên chuyến bay QZ8501.
Louise và Alain dự định làm đám cưới tại Indonesia sau khi Alain đi du lịch về. "Đây đáng ra là chuyến đi cuối cùng của Alain cùng với gia đình trước khi chúng tôi kết hôn", Louise Sidharta nói.
Anh Oscar Delano sống ở Jakarta, Indonesia là một thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay QZ8501 bị mất tích. Vài tháng trước, anh đã đăng lên Twitter một dòng tưởng niệm tới các nạn nhân của chuyến bay MH17 bị rơi ở miền Đông Ukraine, có lẽ anh cũng không ngờ có ngày mình mất mạng.
Dựng tóc gáy thông tin MH370, MH17 và QZ8501 có chung nhà bảo hiểm Máy bay của hãng AirAsia mất tích đã đóng bảo hiểm của hãng Allianz của Đức. "Chúng tôi xác nhận rằng hãng Allianz Global Corporate & Specialty là đơn vị chịu trách nhiệm bảo hiểm chính cho AirAsia bao gồm bảo hiểm thân máy bay và bảo hiểm trách nhiệm liên quan đến máy bay", phát ngôn viên của Allianz cho biết. AGCS cũng là nhà bảo hiểm trách nhiệm của Malaysia Airlines, hãng hàng không mất hai chiếc máy bay là MH370 và MH17 trong năm nay. Allianz từ chối đưa ra bình luận về số tiền bảo hiểm, hay tên các hãng bảo hiểm khác với số tiền bảo hiểm phải chi trả cho chiếc máy bay Airbus A320-200 bị mất tích của hãng AirAsia. Tuy nhiên, theo ước tính của Reuters, số tiền bảo hiểm tối thiểu cho vụ tai nạn này có thể lên đến 100 triệu USD. “Tôi tưởng họ còn sống và vẫy tay gọi chúng tôi" Jakarta Post dẫn lời phi công Tri Wibowo trên máy bay Hercules C130 cho hay, anh nhìn thấy hàng chục thi thể trôi nổi, cùng với các túi xách và mảnh vỡ máy bay. "Chúng tôi cứ nghĩ rằng các hành khách vẫn còn sống và vẫy tay gọi chúng tôi giúp đỡ. Nhưng khi tiếp cận gần hơn, chúng tôi thấy họ đã chết", Wibowo nói. Thêm một máy bay AirAsia gặp trục trặc Theo tờ New Straits Times của Malaysia, máy bay mang số hiệu AK6242 bay từ Penang tới Langkawi đã phải quay đầu trở lại do gặp trục trặc kỹ thuật. Vụ việc xảy ra khi một máy bay mang số hiệu QZ8501, với 162 hành khách và phi hành đoàn, của AirAsia bị mất tích vào trước đó khi đang trên đường từ Surabaya, Indonesia tới Singapore. Phi cơ của hãng đã xin bay theo một đường bay khác vì lý do thời tiết xấu trước khi mất liên lạc. |