Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ liveshow Tuấn Hưng bị dừng sát giờ biểu diễn: Có thể khởi kiện

(DS&PL) -

Liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát của ca sĩ Tuấn Hưng đã bất ngờ phải huỷ bỏ sát giờ diễn khiến anh chịu nhiều tổn thất về vật chất lẫn tinh thần.

Liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát của ca sĩ Tuấn Hưng đã bất ngờ phải huỷ bỏ sát giờ diễn khiến anh chịu nhiều tổn thất về vật chất lẫn tinh thần.

Thể thức văn bản thông báo của UBND quận Ba Đình có “vấn đề”

Tối ngày 5/10, liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát của ca sĩ Tuấn Hưng đã bất ngờ phải huỷ bỏ sát giờ diễn (khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ) vì “lý do đặc biệt” mà UBND quận Ba Đình, Hà Nội đưa ra. Điều này đã khiến nam ca sĩ cảm thấy bị sốc về tâm lý. Được biết, trước đó, liveshow này đã được chuẩn bị rất công phu, tốn kém.

Xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Truyền (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, ca sĩ Tuấn Hưng hoàn toàn có thể khởi kiện được. Luật sư Truyền phân tích: “Thứ nhất, chương trình được cấp phép, tức là được bảo đảm đầy đủ rồi. UBND quận Ba Đình là cơ quan quản lý hành chính tại địa phương, khi phát hiện thấy có vấn đề không đảm bảo thì phải gửi thông báo trước thời điểm buổi biểu diễn chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, việc thông báo này cũng cần phải có thời hạn nhất định để tránh gây thiệt hại cho bên bị điều chỉnh.

Thứ hai, nếu việc UBND quận Ba Đình gửi thông báo dừng buổi biểu diễn mà không có lý do chính đáng thì UBND quận Ba Đình hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nếu như quyết định đó làm ảnh hưởng hoặc làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì các tổ chức, cá nhân hoàn toàn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận Ba Đình hoặc Tòa án nhân dân TP.Hà Nội”.

Thông báo của UBND quận Ba Đình về việc dừng “Liveshow Tuấn Hưng kỷ niệm 20 năm ca hát”.

Theo luật sư Truyền: “Ở đây có thể xảy ra 2 tình huống khác nhau. Lựa chọn thứ nhất là khởi kiện dân sự. Tuy nhiên, khởi kiện dân sự đối với một cơ quan quản lý hành chính thì lại không phù hợp lắm. Vì vậy, nên khởi kiện hành chính và đòi bồi thường thiệt hại từ quyết định hành chính đó.

Đầu tiên có thể khiếu nại quyết định hành chính, sau đó khởi kiện ra tòa hoặc khởi kiện ngay mà không cần khiếu nại. Người ra quyết định hành chính của UBND quận Ba Đình có thể chứng minh rằng, lý do sân vận động không đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy là không hợp lý. Bởi vì, 10 năm nay, sân vận động vẫn hoạt động bình thường, vẫn có các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao lớn diễn ra. Hơn nữa, bản thân ca sĩ Tuấn Hưng đã được cấp giấy phép thì họ được quyền biểu diễn.

Quyết định cấp phép của sở VH-TT&DL Hà Nội có giá trị pháp lý bằng quyết định hành chính. Còn thông báo của UBND quận Ba Đình dù chỉ là thông báo nhưng phải hiểu nó như một quyết định hành chính cá biệt, bởi vì nó chỉ quyết định 1 lần cho 1 đối tượng, cụ thể đối tượng ở đây là buổi trình diễn của ca sĩ Tuấn Hưng”.

Trong trường hợp này, ca sĩ Tuấn Hưng có sử dụng công cụ pháp lý để bảo vệ cho mình hay không là quyền lựa chọn của Tuấn Hưng”.

Luật sư Truyền cũng chia sẻ thêm: “Ngay thể thức văn bản thông báo của UBND quận Ba Đình về việc dừng buổi biểu diễn chương trình ca nhạc của ca sĩ Tuấn Hưng cũng có dấu hiệu vi phạm về hình thức ban hành quyết định hành chính”.

Ca sĩ Tuấn Hưng cảm thấy bị "sốc" khi buổi biểu diễn bị dừng đột ngột, sát giờ diễn ra.

Đơn vị cho thuê cung Thể thao Quần Ngựa phải bồi thường?

Luật sư Giang Hồng Thanh (văn phòng luật sư Giang Thanh, Hà Nội) đồng tình quan điểm ca sĩ Tuấn Hưng có thể khởi kiện. Ông Thanh nhìn nhận: “Theo thông báo số 1365/TB-UBND ngày 05/10/2018, UBND quận Ba Đình yêu cầu dừng chương trình biểu diễn ca nhạc của ca sỹ Tuấn Hưng "vì lý do đặc biệt". Sau đó, UBND quận Ba Đình cho biết, việc dừng chương trình biểu diễn ca nhạc tại cung Thể thao Quần Ngựa, quận Ba Đình là do chưa đảm bảo công tác an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

Như vậy, lý do dừng chương trình là liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy chứ không phải liên quan đến hoạt động cấp phép biểu diễn nghệ thuật. Do đó việc UBND quận Ba Đình ra quyết định là đúng với thẩm quyền”.

Tuy nhiên, theo luật sư Thanh, đối chiếu với Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 hướng dẫn luật Phòng cháy và chữa cháy, không có thủ tục "dừng hoạt động", chỉ có thủ tục "tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động".

Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 79 quy định: "1. Các trường hợp bị tạm đình chỉ hoạt động: a) Trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ xuất hiện nguồn lửa, nguồn nhiệt hoặc khi đang có nguồn lửa, nguồn nhiệt mà xuất hiện môi trường nguy hiểm cháy, nổ (sau đây gọi là nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ); b) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy nếu không được ngăn chặn kịp thời thì có thể dẫn đến nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ và có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; c) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy yêu cầu khắc phục mà không khắc phục hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy mà tiếp tục vi phạm"

Việc đình chỉ hoạt động phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014, cụ thể là khi phát hiện trường hợp bị tạm đình chỉ hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP nêu trên thì người có thẩm quyền có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân ngừng hoạt động hoặc chấm dứt hành vi vi phạm.

Việc ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động phải bằng văn bản (mẫu số PC07 ban hành kèm theo Thông tư số 66/2014/TT-BCA). Trường hợp cấp thiết có thể ra quyết định, tạm đình chỉ bằng lời nói và ngay sau đó phải thể hiện quyết định bằng văn bản. Khi ra quyết định tạm đình chỉ bằng lời nói phải xưng rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, phạm vi và những hoạt động bị tạm đình chỉ.

“Đến thời điểm này, chưa thấy có thông tin về việc UBND quận Ba Đình có quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ theo mẫu. Nếu UBND quận Ba Đình vẫn chưa ban hành quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ thì điều này là không đúng quy định của pháp luật”, ông Thanh chỉ ra điểm bất hợp lý.

Luật sư Giang Hồng Thanh cùng quan điểm với các chuyên gia pháp lý cho rằng, Tuấn Hưng hoàn toàn có thể khởi kiện đòi bồi thường.

Về trách nhiệm của các bên liên quan, luật sư Thanh nhìn nhận dưới một góc độ khác: “Trong sự việc này, trách nhiệm chính thuộc về đơn vị cho thuê cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa. Cụ thể, tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định số 15/2016/NĐ-CP quy định như sau: "1. Trách nhiệm của chủ địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu: c) Bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ theo quy định".

Trong khi chưa được Công an quận Ba Đình nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy nhưng đơn vị này vẫn cho thuê địa điểm để biểu diễn nghệ thuật, dẫn đến việc địa điểm bị tạm đình chỉ hoạt động. Và khi địa điểm đã bị tạm đình chỉ hoạt động thì đương nhiên liveshow của ca sỹ Tuấn Hưng tại địa điểm này cũng không thể diễn ra.

Có thể thấy rằng, trong sự việc này, ca sỹ Tuấn Hưng không có lỗi. Việc liveshow của ca sỹ Tuấn Hưng không được diễn ra theo kế hoạch đã gây tổn thất cả về vật chất lẫn tinh thần cho ca sỹ này. Do vậy, nếu muốn yêu cầu bồi thường thiệt hại, ca sỹ Tuấn Hưng có quyền khởi kiện đơn vị quản lý, cho thuê cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa tới tòa án có thẩm quyền”.

Muốn dừng buổi biểu diễn phải thông báo tới đơn vị cấp phép

Tiến sĩ luật Nguyễn Thế Bầy, nguyên Kiểm sát viên cao cấp của VKSND Tối cao nhấn mạnh, UBND quận là đơn vị chịu trách nhiệm về quản lý hành chính, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ trên địa bàn. Nếu thấy dấu hiệu buổi biểu diễn nghệ thuật không đảm bảo các điều kiện thì có thể yêu cầu dừng buổi biểu diễn. Tuy nhiên, UBND quận phải thông báo việc này tới đơn vị cấp phép biểu diễn sở VH-TT và các đơn vị liên quan.

Nguyễn Hường

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật