Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ kiện “triệu đô” giữa 2 công ty xây dựng Nhà máy điện gió Bạc Liêu

(DS&PL) -

Chủ đầu tư viện đủ lý do để cố tình kéo dài không chịu thanh toán số tiền còn lại của hợp đồng số 33 này cho nhà thầu

Ngày 20/3/2018, tại Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã diễn ra phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện giữa Công ty Cổ phần Vận tải Liên hiệp Huy Hoàng (TP.HCM) và Công ty TNHH xây dựng – thương mại – dịch vụ Công Lý.

Phiên tòa “triệu đô”

Tại phiên tòa, công ty Huy Hoàng khẳng định công ty Công Lý nợ mình trên 84 tỷ đồng: bao gồm hơn 59,2 tỷ đồng lẽ ra phải thanh toán ngay sau ngày 22/02/2017, khoảng 6,2 tỷ đồng lãi phát sinh do chậm thanh toán và 18,8 tỷ đồng giá trị của 02 cánh quạt Turbine (số 17 và 61) bị trầy xước nhưng đã được sửa chữa và nghiệm thu.

Trong khi đó, phía công ty Công Lý phản tố, khẳng định không nợ vì hai bên đã ký Biên bản thanh lý hợp đồng ngày 05/04/2017, ngược lại công ty Huy Hoàng nợ họ hơn 61 tỷ đồng về tiền thuê cẩu và làm ngoài giờ; không đồng ý thanh toán giá trị 02 cánh quạt vì cho rằng công ty Huy Hoàng phải thay mới 100% thì mới thanh toán.


Hợp đồng kinh tế số 33/2014/HĐKT/CL-HTL mà công ty Huy Hoàng cho rằng công ty Công Lý không thanh toán số tiền còn lại.
 
Tuy nhiên, công ty Huy Hoàng cho rằng công ty Công Lý đưa ra khoản nợ 61 tỷ là không chính xác, đồng thời yêu cầu phía công ty Công Lý cung cấp các chứng từ cụ thể liên quan đến việc thuê 2 cần cẩu, làm ngoài giờ, đơn giá ngoài giờ,…cho Tòa. Nếu đủ tài liệu, công ty Huy Hoàng sẽ thanh toán đầy đủ số tiền trên.

Khi Tòa án yêu cầu phía công ty Công Lý cung cấp các chứng từ liên quan đến số tiền 61 tỷ, thì ông Tô Công Lý - Đại diện công ty Công Lý lại “bó tay” và lấy lý do việc này do một vị Phó tổng giám đốc lưu giữ. Hiện, người lưu giữ tài liêu này đang xin nghỉ phép đi Canađa thăm gia đình.

Chủ tọa phiên tòa hỏi còn ai biết và nắm về số liệu này không, ông Lý khẳng định không ai biết và tạm thời không cung cấp được cho Tòa.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Cà Mau tham gia phiên tòa cho rằng, cần thu thập thêm tài liệu, chứng cứ về việc thanh quyết toán hợp đồng số 33; cần xem xét đưa ngân hàng cho công ty Huy Hoàng vay tiền để thi công cho công ty Công Lý vào tham gia tố tụng do trước đó ngân hàng này đã có thỏa thuận 3 bên với công ty Huy Hoàng và công ty Công Lý về vấn đề chuyển tiền thanh toán; cần trưng cầu giám định về mức độ suy giảm công suất phát điện do ảnh hưởng của các vết trầy xước đã sửa chữa đối với 2 cánh quạt turbine 17 và 61…

Chủ đầu tư chây ì không chịu trả tiền?

Theo Luật sư Phạm Đình Chiến (Đoàn Luật sư TP.HCM), trước hết đây là khoản nợ được xác định là phát sinh từ việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế giữa 2 pháp nhân, nên khoản nợ này không thể được xóa bỏ bởi bất cứ lý do cá nhân nào; khoản nợ này phải được xem xét giải quyết trên cơ sở chứng từ tài chính của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, kế toán, ngân hàng. Vì lý do nêu trên, Biên bản thanh lý hợp đồng ngày 05/4/2017 mà công ty Công Lý đưa ra là vô hiệu do không căn cứ trên các tài liệu về kế toán – tài chính để quyết toán hợp đồng.

Về khoản tiền lãi chậm thanh toán cho Công ty Huy Hoàng: Căn cứ Điều 306 Luật Thương mại 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005 về Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán. Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Biên bản nghiệm thu hoàn thành và bàn giao công trình đưa vào sử dụng cùng với Biên bản xác nhận hoàn thành công việc lắp đặt giữa nhà thầu và chủ đầu tư.
 
“Việc phản tố của công ty Công Lý đòi công ty Huy Hoàng phải thay mới 2 cánh quạt này, theo tôi là không đúng, vì trong hợp đồng số 33/2014/HĐKT/CL-HTL ngày 22/7/2014 giữa 2 bên không có bất cứ điều khoản nào quy định rằng bên vận chuyển, lắp đặt phải thay mới đối với thiết bị bị hư hại. Theo quy định tại Điều 13 của Hợp đồng 33 thì:“công tác lắp dặt chỉ được nghiệm thu đưa vào vận hành khi đảm bảo đúng yêu cầu thiết kế, đúng quy trình, đảm bảo chất lượng và đạt các tiêu chuẩn theo quy định”.

Hơn nữa, chính công ty Công Lý đã đồng ý để công ty Huy Hoàng mời chuyên gia của nhà sản xuất và cung cấp thiết bị (là Công ty GE) thực hiện việc sửa chữa, khắc phục trầy xước của 2 cánh quạt này. Chuyên gia thực hiện việc sửa chữa 2 cánh quạt này của GE đã ký biên bản nghiệm thu sửa chữa ghi rõ là đạt các yêu cầu kỹ thuật của nhà sản xuất. Nay Công Lý đòi Huy Hoàng phải thay mới 2 cánh quạt là không đúng quy định của hợp đồng, và cũng không đúng thông lệ về xây dựng, lắp đặt thiết bị.

Về yêu cầu đòi thanh toán 61 tỷ tiền thuê cần cẩu của Công Lý là thiếu cơ sở, do khi thực hiện hợp đồng thuê cẩu, thì có các Biên bản xác nhận thời gian đưa thiết bị thuê vào sử dụng và thời gian trả thiết bị thuê. Công ty Huy Hoàng đã cung cấp cho Tòa án đầy đủ tài liệu liên quan và bảng tính tiền thuê, tiền đã trả, tiền còn chưa trả. Ngược lại, phía Công Lý chỉ đưa ra số tiền thuê là 61.705.000.000 đồng mà không có bất kỳ tài liệu liên quan nào diễn giải là vô lý.”, Luật sư Chiến nhấn mạnh.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Trung đại diện Công ty Cổ phần Vận tải Liên hiệp Huy Hoàng (TPHCM) cho biết, ngày 22/07/2014, giữa công ty Huy Hoàng có ký kết hợp đồng kinh tế với ông Tô Hoài Dân – Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng – thương mại – dịch vụ Công Lý (P.8, Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) về việc vận chuyển trong nước và lắp đặt 52 bộ thiết bị Turbin gió 1.6MW – 82,5, 50HZ thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy điện gió tỉnh Bạc Liêu giai đoạn II.

Thời gian thực hiện hợp đồng là 290 ngày kể từ ngày có hiệu lực, tiến độ vận chuyển và lắp đặt hoàn thành vào ngày 31/12/2015 với tổng giá trị hợp đồng trên 350 tỷ đồng. Sau đó, thời gian thực hiện hợp đồng được gia hạn đến 31/03/2017.

Cũng theo ông Trung, ngày 22/02/2017, hai bên cũng đã chính thức xác nhận nghiệm thu, bàn giao đưa vào hoạt động 52 Turbin gió và chuyển sang chế độ bảo hành. Nhưng sau đó phía chủ đầu tư (công ty Công Lý) không chịu thanh toán số tiền còn lại của hợp đồng số 33 này cho công ty Huy Hoàng.

Điều đáng nói, ngày 15/09/2016, công ty Công Lý cũng đã thừa nhận chậm trễ trong việc thanh toán cho bên Công ty Huy Hoàng theo hợp đồng số 33 và đồng thời cam kết sẽ thanh toán dứt điểm cho Công ty Huy Hoàng số tiền thiếu nợ còn lại là trên 83 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT) trước thời điểm ngày 31/12/2016.

Tuy nhiên, đến thời điểm khởi kiện phía công ty Công Lý vẫn chưa chịu thanh toán số tiền trên như đã cam kết.

Đời sống &Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Đăng Khoa
 

Tin nổi bật