Trụ sở của Bio-Rad Laboratories ở Hercules, California - Ảnh: Bio-rad.com |
Liên quan đến thông tin một công ty y khoa của Mỹ hối lộ quan chức Việt Nam, ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng cho biết trên báo VOV, ông chưa tiếp cận được thông tin này. Nhưng, theo ông Tiến, nếu chuyện này có thật thì phải làm thật nghiêm như các dự án ODA về giao thông. “Tuyệt đối không thể để như thế được! Dù là viện trợ hay tiền ngân sách nhà nước thì cũng chính là tiền thuế của nhân dân. Chúng ta phải bỏ ra một khoản tiền lớn như thế nhưng nó lại chảy vào túi cá nhân”- ông Lê Như Tiến nói.
Về mức độ nghiêm trọng trong việc chi nhận hoa hồng ở lĩnh vực y tế, ông Tiến cho rằng “còn nghiêm trọng hơn các lĩnh vực khác, vì các tiêu cực kia là những dự án về giao thông, còn việc này lại liên quan trực tiếp đến sức khỏe, đến tính mạng con người”. Vì thế, ông Lê Như Tiến kiên quyết cho rằng: “Không thể để tình trạng này diễn ra được, nhất là khi đã có nhiều dự án nước ngoài xảy ra trước đó”.
Từ vụ việc này, ông Lê Như Tiến đề nghị Bộ Y tế phải tổng rà soát lại tất cả những sản phẩm, thiết bị y tế nói chung và những nguồn cung cấp dược từ trước tới nay trong cả nước đối với các cơ sở y tế khám chữa bệnh của người dân.
Xem video:
Trao đổi với PV Dân trí về thông tin Bio-Rad tại Mỹ chấp nhận nộp phạt 55 triệu USD vì đã hối lộ 2,2 triệu USD cho quan chức ngành y tế Việt Nam trong 5 năm, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho hay, bản thân ông “không bất ngờ về việc này”, bởi theo ông “cơ chế quản lý của chúng ta quá lỏng lẻo, nhất là thiết chế kiểm soát quá trình thực hiện các đề án, mua bán tài sản công của ta còn thiếu. Việc quản lý lỏng lẻo như vậy thì sự việc này khác xảy ra cũng không khác nhau nhiều.
|
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền không bất ngờ khi đón nhận thông tin nghi án hối lộ Bio-Rad (Ảnh Dân trí).. |
Về trách nhiệm của bộ chủ quản trong vụ việc này, ông Quyền cho rằng: “Việc này liên quan đến trách nhiệm quản lý cán bộ. Sau quá trình xem xét trách nhiệm đó thì sẽ xét trách nhiệm liên đới. Nhưng trách nhiệm ở đây cũng phải tính ở nhiệm kỳ, thế hệ vì có thể sự việc xảy ra ở thế hệ cán bộ quản lý trước nữa, khi đó cần xem việc như vậy liên quan tới ai. Nói chung, nguyên tắc quản lý nhà nước cũng như công dân, liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật nào, tính chất mức độ vi phạm ra sao thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề đó”.
Trước đó, tin tức từ hãng thông tấn AFP cho biết, ngày 3/11, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) thông báo, hãng sản xuất thiết bị chẩn đoán y khoa Bio-Rad Laboratories (Mỹ) đã chấp nhận nộp phạt 55 triệu USD để dàn xếp cáo buộc hối lộ các quan chức ở Nga, Việt Nam và Thái Lan.
Bộ Tư pháp Mỹ và SEC cho biết, trong giai đoạn 2005 - 2010, các công ty con của Bio-Rad ở châu Âu và châu Á đã hối lộ các quan chức nước sở tại thông qua cách tạo những khoản thanh toán cho các công ty trung gian, thậm chí là các công ty giả.
Việc bán hàng vào Việt Nam được hãng này thực hiện thông qua một nhà phân phối với giá chiết khấu mạnh. Sau đó nhà phân phối này bán các sản phẩm của Bio-Rad với giá đầy đủ cho Việt Nam. Hoa hồng được trích ra từ khoảng lợi nhuận này.
Tổng cộng công ty này đã chi ra khoảng 7,5 triệu USD để lo lót cho các quan chức ở ba nước. Riêng tại Việt Nam và Thái Lan, số tiền mà các nhân viên của Bio-Rad bỏ ra để hối lộ nhằm đổi lấy các hợp đồng là khoảng 2,2 triệu USD.