Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia ở Sơn La: Các bị can có thể đối diện với án tử?

(DS&PL) -

Theo các luật sư, việc cán bộ Sở GD&ĐT nhận 1 tỷ đồng cho mỗi trường hợp sửa điểm thi THPT quốc gia có thể đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.

Theo các luật sư, nếu lời khai cán bộ Sở GD&ĐT Sơn La nhận 1 tỷ đồng cho mỗi trường hợp sửa điểm thi THPT quốc gia là sự thật thì các bị can có thể đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.

Ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La (áo trắng), nghe tống đạt quyết định khởi tố bị can. Ảnh: Tuổi Trẻ

Ngày 24/5, Cơ quan ANĐT - Công an tỉnh Sơn La đã hoàn tất điều tra, đề nghị VKSND cùng cấp truy tố 8 bị can là cán bộ Sở GD&ĐT và công an tỉnh về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015.

Trong số này, có 6 bị can thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La gồm: Trần Xuân Yến, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT; Lò Văn Huynh, Trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục (KT&QLCLGD); Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng Phòng KT&QLCLGD; Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng KT&QLCLGD; Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng Phòng chính trị tư tưởng; ông Đặng Văn Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, TP. Sơn La.

Hai bị can là cán bộ thuộc Công an tỉnh Sơn La gồm: Cựu Trung tá Đỗ Khắc Hưng và Thiếu tá Đinh Hải Sơn, nguyên cán bộ Phòng an ninh chính trị nội bộ.

Theo báo Người Đưa Tin dẫn tin từ VKSND tỉnh Sơn La, mỗi trường hợp nâng điểm các cán bộ Sở GD&ĐT Sơn La khai nhận 1 tỷ đồng.

Trong khi đó, báo Tiền Phong đưa tin, thông tin trung bình mỗi trường hợp "giá" 1 tỷ đồng mới là lời khai một phía từ bị can, chưa đủ căn cứ để buộc tội. Thậm chí, các đối tượng trong vụ án này còn liên tục thay đổi lời khai, một số chứng cứ đã bị tiêu huỷ, gây không ít khó khăn cho cơ quan điều tra.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia pháp lý Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La vừa kết thúc điều tra vụ án gian lận thi cử, chuyển hồ sơ sang VKSND tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điểm a, khoản 2, điều 356 Bộ luật hình sự là chưa đúng bản chất của vụ việc, chưa đúng với việc định tội danh.

“Quan điểm của tôi cho rằng, việc định tội danh theo Điều 356, BLHS là rất có lợi cho các bị can và chưa đúng với bản chất sự việc, với mức án từ 05 năm đến 10 năm là không đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung”, luật sư Bình nói.

Cũng theo luật sư Bình: Ở đây phải đề nghị truy tố các bị cáo và những người đưa tiền tội danh Đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Bởi lẽ, Điều 354 Bộ luật hình sự quy định “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Trong đó, khoản 4 Điều này quy định: “Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”.

Trong khi mỗi trường hợp nâng điểm, các cán bộ Sở GD&ĐT Sơn La khai nhận 1 tỷ đồng, vì vậy, chiếu theo quy định của pháp luật, các hành vi của bị cáo có đầy đủ yếu tố để cấu thành tội Nhận hối lộ.

Luật sư Bình cũng nói thêm, ở đây không phải ngẫu nhiên mà các cháu tự nhiên được nâng điểm hoặc vì thương xót hoàn cảnh của cháu A, cháu B nghèo khó nên phải nâng điểm cho các cháu để các cháu có cơ hội được đổi đời. Ở đây, các bị can có sự chuẩn bị và nhận tiền để thực hiện hành vi nâng điểm cho những gia đình có chức quyền và có tiền.

Mỗi một trường hợp nâng điểm trung bình là 1 tỷ đồng và thực tế nhiều con em lãnh đạo được nâng điểm nên cần phải thay đổi tội danh với các bị can này sang tội nhận hối lộ mới đúng tội, đúng bản chất.

“Bên cạnh đó cần phải điều tra, làm rõ có hay không việc Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La có hành vi nhận hối lộ để thực hiện chỉ đạo việc nâng điểm. Nếu có căn cứ cần xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, luật sư Bình nói.

Ông Hoàng Tiến Đức (bìa phải) - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La - chứng kiến cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam ông Lò Văn Huynh, trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La - Ảnh cắt từ clip

Đồng tình với quan điểm này, Th.s – Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Khi cơ quan điều tra đã có chứng cứ chứng minh là các đối tượng sửa điểm vì tiền, số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Đồng thời thí sinh được sửa điểm, nâng điểm là do phụ huynh, gia đình đã chi tiền thì động cơ mục đích của vụ án hành vi sửa điểm, nâng điểm là đã rõ. Bản chất của vụ án ở đây là mua bán, chạy điểm, chạy trường chứ không chỉ đơn thuần thuần là vi phạm do chủ quan nóng vội hoặc do nể nang mà làm trái công vụ.

Như vậy, cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ ai đã đưa tiền cho ai, đưa để làm gì? Nếu đã có căn cứ chứng minh người nhà hoặc phụ huynh của thí sinh đưa tiền cho người có chức vụ quyền hạn để yêu cầu người đó sửa điểm, nâng điểm cho con cháu mình đủ điểm vào một trường đại học nào đó thì đây là hành vi đưa hối lộ và hành vi nhận hối lộ, xử lý về hai tội danh tương ứng thì mới đúng bản chất của vụ việc.

Ngoài ra, phụ huynh có hành vi mua điểm cho con có thể bị xử lý về tội Đưa hối lộ theo Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể, người nào có hành vi trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào như tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác sẽ phạm tội Đưa hối lộ.

Nếu đưa 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc lợi ích phi vật chất để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, người đưa hối lộ bị phạt tiền 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Hình phạt cao nhất tới 20 năm tù nếu của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên.

Tuy nhiên, nếu người đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Trong trường hợp người đưa tiền là đưa qua khâu trung gian thì người trung gian sẽ bị xử lý về tội môi giới hối lộ.

Kết quả điều tra cho thấy Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La Trần Xuân Yến đã nâng điểm cho 13 thí sinh. Theo khai nhận của bị can, đó đều là những trường hợp do cấp trên, do đồng nghiệp và người quen nhờ vả.

Đáng chú ý, trong số 13 thí sinh này có 8 trường hợp do chính Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La "gửi gắm".

Cụ thể, theo ông Yến, ngày 28/6/2018, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, gọi ông Yến đến phòng làm việc của ông Đức. Tại đây, ông Đức đưa cho ông Yến hai tờ giấy ghi thông tin cá nhân của 8 thí sinh nhờ nâng điểm kèm theo "đặt hàng".

Sáng 25/5, báo Người đưa tin đã liên hệ qua điện thoại với ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, để hỏi về thông tin bị can Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở khai với cơ quan điều tra được chính giám đốc “nhờ” sửa bài nâng điểm cho 8 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Theo báo này mô tả, ông Hoàng Tiến Đức tỏ ra khá bất ngờ và bức xúc, rồi trả lời: “Bố láo, bố lếu, làm gì có chuyện đấy”.

Khi phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi: “Tức là thông tin ông Yến khai là không đúng?” - ông Hoàng Tiến Đức đáp: “Ừ”, sau đó cúp máy.

Nguyễn Phượng (T/h)

Tin nổi bật