Liên quan đến vụ việc doanh nghiệp trừ tiền xét nghiệm vào lương công nhân giá lên tới 1,9 triệu/lần (lần một) hoặc 1,5 triệu/lần và 1,3 triệu/lần (lần 2, lần 3) ở Bình Dương, cơ quan chức năng tỉnh này đã làm việc với các đơn vị liên quan để làm rõ các nội dung.
Dân Trí thông tin, theo sở Y tế Bình Dương, Phòng khám Đa khoa An Thuận chưa được sở cấp phép thực hiện dịch vụ xét nghiệm RT-PCR. Phòng khám chỉ thực hiện lấy mẫu gửi các phòng xét nghiệm đủ điều kiện thực hiện PCR. Tuy vậy, phòng khám đã tự báo giá dịch vụ xét nghiệm PCR cho các công ty trên địa bàn, trong bảng báo giá không nêu rõ đơn vị gửi mẫu đủ điều kiện xét nghiệm PCR.
Phòng khám xuất trình 3 bảng báo giá lấy mẫu PCR như sau: Ngày 12/7 là 1,9 triệu đồng; ngày 10/11 là 1,5 triệu đồng; ngày 15/11 là 1,3 triệu đồng.
Phòng khám chưa thực hiện việc công bố giá xét nghiệm COVID-19 về sở Y tế theo văn bản chỉ đạo số 2545/SYT-KH-TC ngày 11/10/2021 về việc chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm COVID-19.
Phòng khám đa khoa An Thuận. Ảnh: VietNamNet.
Bên cạnh đó, phòng khám An Thuận có ký hợp đồng với hai đơn vị đủ chức năng xét nghiệm RT-PCR, tuy nhiên mức giá thấp hơn nhiều so với mức giá mà phòng khám này thu của doanh nghiệp và người lao động, theo Tuổi Trẻ Online.
Phòng khám này ký hợp đồng dịch vụ với Công ty cổ phần y tế Việt Á để xét nghiệm RT-PCR với giá mẫu đơn 734.000 đồng/người, mẫu gộp 5 giá 300.000 đồng/người, mẫu gộp 10 giá 262.500 đồng/người.
Từ những sai phạm trên, sở Y tế đề nghị Phòng khám đa khoa An Thuận chấn chỉnh việc thực hiện thu phí dịch vụ xét nghiệm COVID-19; Đồng thời phải có giải trình vụ việc và hướng xử lý khắc phục gửi về Thanh tra sở Y tế tỉnh Bình Dương trước ngày 20/12.
Qua những vấn đề được xác định ở trên cho thấy, mức giá xét nghiệm mỗi mẫu công nhân bị trừ vào lương cao hơn rất nhiều so với quy định của nhà nước và cao hơn cả bảng báo giá của đơn vị y tế liên quan. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một cán bộ sở Y tế Bình Dương cho rằng nếu doanh nghiệp tự trả tiền phí dịch vụ thì họ có thể lựa chọn bất cứ đơn vị y tế nào hợp pháp và có mức giá phù hợp. Trường hợp người lao động tự trả phí xét nghiệm thì không được ép buộc mà phải thông báo rõ mức phí trước khi xét nghiệm và phải để cho họ được quyền chọn cơ sở xét nghiệm.
Sau khi có phản ánh, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, Công đoàn Khu công nghiệp VSIP, công an… đã làm việc với Công ty Uchiyama Việt Nam. Ban lãnh đạo công ty này giải thích việc người lao động cho rằng công ty buộc phải xét nghiệm RT-PCR tại Phòng khám An Thuận là "hiểu lầm", vì có thể trước đó công ty có sử dụng dịch vụ của phòng khám này (công ty trả phí).
Công ty Uchiyama Việt Nam giải thích chỉ những F0 được xác định nguồn lây từ bên ngoài nhà máy mới phải tự trả phí (87 trường hợp trong tháng 11). Còn F0 được xác định nguồn lây trong nhà máy thì được lấy mẫu miễn phí tại công ty hoặc xét nghiệm tại bất cứ phòng khám nào, lấy hóa đơn và được công ty thanh toán lại.
Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, Công ty Uchiyama Việt Nam đã thông báo sẽ hỗ trợ, hoàn phí xét nghiệm từ lần thứ 2 cho người lao động. Đối với lần xét nghiệm RT-PCR đầu tiên, công ty cũng sẽ rà soát, đối chiếu lại với phòng khám, nếu tại thời điểm giá dịch vụ đã giảm xuống thì điều chỉnh giảm cho người lao động.
Bích Thảo (T/h)