(ĐSPL) - Lần đầu tiên Lê Đức Hoàn, nguyên Phó Công an TP Tuy Hòa ra tòa với tư cách bị cáo trong vụ án công an dùng nhục hình dẫn đến chết người.
Theo tin tức trên báo Tiền Phong, phiên tòa do TAND tỉnh Phú Yên mở ngày 7/4 để xét xử sơ thẩm (lần 2) vụ anh Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ở thôn Mỹ Thuận Ngoài, Hòa Đồng, Tây Hòa, Phú Yên) bị đánh chết ngày 13/5/2012 đã có thêm một bị cáo, là ông Lê Đức Hoàn, (SN 1963, nguyên Thượng tá, nguyên Phó Trưởng Công an thành phố Tuy Hòa).
Năm nguyên sĩ quan công an bị truy tố về tội “dùng nhục hình” gồm: Nguyễn Minh Quyền (SN 1972, nguyên Thiếu tá, nguyên Phó đội trưởng Đội Trinh sát tuyến địa bàn, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - PC45 Công an tỉnh Phú Yên), Nguyễn Tấn Quang (SN 1975, nguyên Thiếu tá, nguyên Phó đội trưởng Đội Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố Tuy Hòa, Phú Yên), Phạm Ngọc Mẫn (SN 1980, nguyên Thượng úy), Đỗ Như Huy (SN 1985, nguyên Trung úy), Nguyễn Thân Thảo Thành (SN 1984, nguyên Thiếu úy), đều là nguyên cán bộ điều tra, trinh sát của Công an thành phố Tuy Hòa.
Bị cáo Lê Đức Hoàn, (SN 1963, nguyên Thượng tá, nguyên Phó Trưởng Công an thành phố Tuy Hòa bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Thảo Thành đang bị tạm giam, năm bị cáo còn lại được tại ngoại.
Các bị cáo Hoàn, Quyền, Huy, Quang, Mẫn, Thảo Thành tại phiên tòa |
|
Theo báo Người Lao Động, VKSND Tối cao ủy quyền cho VKSND tỉnh Phú Yên phân công kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án.
HĐXX do ông Nguyễn Phi Đô, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Yên, làm chủ tọa phiên tòa. Người giữ quyền công tố tại phiên tòa là ông Phạm Duy Tân, kiểm sát viên của Viện KSND tỉnh Phú Yên.
Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành là luật sư (LS) Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Trần Thị Tâm (vợ bị hại Ngô Thanh Kiều) là LS Võ An Đôn (Đoàn Luật sư Phú Yên).
Tòa cũng triệu tập 22 nhân chứng tham gia phiên tòa. Trong đó có 20 nhân chứng là cán bộ công an tỉnh Phú Yên, Công an TP Tuy Hòa, Công an huyện Tây Hòa và Công an xã Hòa Đồng (nơi ở của Ngô Thanh Kiều). Hai nhân chứng còn lại là phạm nhân trong vụ trộm cắp mà Ngô Thanh Kiều là nghi can.
Ông Hồ Viết Thọ, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Phú Yên, và đại diện cơ quan chuyên môn kỹ thuật hình của Công an Phú Yên cũng được mời tham gia phiên tòa.
Theo cáo trạng số 49/VKSTC-V1A ngày 21/11/2014 của VKSND Tối cao, đêm 11 rạng sáng ngày 12/5/2012, anh Ngô Thanh Kiều cùng Trần Minh Cường (SN 1982, ở phường 9, thành phố Tuy Hòa), Ngô Thanh Sơn (SN 1984, ở phường Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa) thuê xe ô tô Fortuner biển số 78A-002.25 đi ăn trộm được 14 triệu đồng và 5 điện thoại di động tại nhà bà Nguyễn Thị Thuẫn ở TX Sông Cầu (Phú Yên).
Bị công an truy đuổi, Cường lái xe chở Sơn, Kiều chạy về đến đường Nguyễn Hữu Thọ (P.9, thành phố Tuy Hòa) thì cả 3 bỏ xe chạy trốn. Sơn bị bắt vào sáng ngày 12/5/2012, Cường đầu thú vào sáng ngày 13/5/2012, hai người này khai báo đã cùng Ngô Thanh Kiều ăn trộm ở nhà bà Thuẫn và 7 vụ khác mà Ban chuyên án 312T do ông Lê Đức Hoàn làm Trưởng ban đang thụ lý.
Chiều ngày 12/5/2012, ông Lê Đức Hoàn chỉ đạo cấp dưới phối hợp với Công an huyện Tây Hòa đi mời anh Kiều về làm việc, nhưng anh Kiều vắng nhà. Khoảng 3h15 ngày 13/5/2012, tổ công tác phát hiện anh Kiều ở nhà nên vào nhà khóa tay, đưa anh Kiều về Công an xã Hòa Đồng, sau đó đưa về Công an thành phố Tuy Hòa.
Tại phòng làm việc của Đội Điều tra tổng hợp, Công an thành phố Tuy Hòa, anh Kiều bị còng tay vào thành ghế dựa bằng gỗ. Từ khoảng 9h30 đến hơn 12h ngày 13/5/2012, do anh Kiều không khai nhận việc đi ăn trộm nên bị các bị cáo Mẫn, Quyền, Huy, Quang cầm dùi cui cao su đánh nhiều lần vào hai bắp đùi, cẳng chân, bị cáo Thảo Thành đánh 2 - 3 cái vào đầu.
Khoảng hơn 14h ngày 13/5/2012, khi anh Kiều được đưa đến Phòng PC45, cán bộ Phòng PC45 thấy anh Kiều mặt tái nhợt nên đưa đến Bệnh xá Công an tỉnh Phú Yên. Đến 17 giờ 40 phút cùng ngày, anh Kiều được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên, nhưng anh đã chết trên đường đến bệnh viện. Theo kết luận giám định pháp y của Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Phú Yên, Ngô Thanh Kiều chết do chấn thương sọ não, chấn thương phần mềm, trên cơ địa có viêm phổi.
Theo cáo trạng, hành vi của các bị cáo Thành, Quang, Quyền, Mẫn, Huy đã đủ yếu tố cấu thành tội “dùng nhục hình”, được quy định tại Khoản 3, Điều 298, Bộ luật Hình sự (khung hình phạt từ 5 năm đến 12 năm tù). Bị cáo Lê Đức Hoàn đã thiếu kiểm tra sâu sát, để xảy ra việc dùng nhục hình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ngay tại trụ sở Công an thành phố Tuy Hòa.
Hành vi của bị cáo Lê Đức Hoàn đủ yếu tố cấu thành tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy định tại Khoản 2, Điều 285 Bộ luật Hình sự (khung hình phạt từ 3 năm đến 12 năm tù).
Cũng theo cáo trạng, việc bắt giữ Ngô Thanh Kiều không có lệnh của cơ quan có thẩm quyền là có dấu hiệu của tội “bắt giữ người trái pháp luật”. Tuy nhiên, tại bản án số 05/2013/HSST ngày 20/3/2013 của TAND tỉnh Phú Yên đã xác định, từ ngày 10/2/2012 đến ngày 12/5/2012, Trần Minh Cường, Ngô Thanh Sơn và Ngô Thanh Kiều đã thực hiện 10 vụ trộm cắp trên địa bàn tỉnh Phú Yên và tỉnh Gia Lai (Kiều tham gia 7 vụ), chiếm đoạt số tài sản tổng trị giá hơn 887 triệu đồng.
TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt Trần Minh Cường 15 năm tù, Ngô Thanh Sơn 13 năm tù về tội “trộm cắp tài sản”, Ngô Thanh Kiều đã chết nên không xử lý. Vì vậy, việc bắt giữ Kiều là cần thiết, chỉ vi phạm về tố tụng, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao kiến nghị Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên xử lý kỷ luật đối với một số cán bộ công an là thỏa đáng.
Trong các ngày từ 26/3/2014 đến ngày 29/3/2014 và ngày 3/4/2014, TAND thành phố Tuy Hòa xét xử sơ thẩm (lần 1) vụ án này. Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành 5 năm tù giam, bị cáo Nguyễn Minh Quyền 2 năm tù giam, bị cáo Phạm Ngọc Mẫn 18 tháng tù giam, bị cáo Nguyễn Tấn Quang 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 30 tháng, bị cáo Đỗ Như Huy 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng (lúc này ông Lê Đức Hoàn chưa bị khởi tố).
Sau đó, đại diện hợp pháp cho bị hại Ngô Thanh Kiều làm đơn kháng án, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành cũng kháng án, kêu oan. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chỉ đạo Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao xử lý vụ án đúng quy định pháp luật, báo cáo Chủ tịch nước biết kết quả. Ngày 29/4, Viện KSND tỉnh Phú Yên có quyết định kháng nghị phúc thẩm số 04/QĐ-KNPT, đề nghị TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Từ ngày 8/7/2014 đến ngày 9/7/2014, TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm (lần 1) vụ án này. Tại phiên tòa, LS Võ An Đôn đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn về 3 tội: “bắt giữ người trái pháp luật”, “giết người” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo LS Đôn, việc VKSND thành phố Tuy Hòa không khởi tố ông Hoàn là đã bỏ lọt người, lọt tội, do vậy cần khởi tố ông Lê Minh Chánh, Viện trưởng VKSND thành phố Tuy Hòa về tội “không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội”. Hội đồng xét xử phúc thẩm (lần 1) đã chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Phú Yên, tuyên hủy bản án sơ thẩm số 40/2014/HSST ngày 3/4/2014 của TAND thành phố Tuy Hòa để điều tra lại.
Ngày 22/9/2014, VKSND Tối cao khởi tố bị can Lê Đức Hoàn.
Vụ 4 công an dùng nhục hình đánh chết người ở Đông Anh
Kim Thành (tổng hợp)