Vietnamnet đưa tin, ngày 11/7 tới, tòa sẽ đưa vụ “chuyến bay giải cứu” ra xét xử. Trong số các bị cáo bị truy tố về tội Nhận hối lộ, có ông Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao).
Thời điểm xảy ra vụ án, ông Tô Anh Dũng được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao. Cục Lãnh sự là đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong thời gian COVID-19; là nơi ký văn bản xin ý kiến 4 Bộ (Bộ Công an, Quốc phòng, Y tế, GTVT) và ký đề xuất gửi lãnh đạo Chính phủ phê duyệt đưa công dân về nước.
Theo cáo trạng, biết được vai trò của ông Tô Anh Dũng, từ tháng 5/2020 - 1/2022, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tiếp cận, đặt vấn đề nhờ ông Tô Anh Dũng giải quyết cấp phép chuyến bay và được cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đồng ý.
Cáo buộc cho rằng, ông Tô Anh Dũng đã 37 lần nhận hối lộ của 13 doanh nghiệp với số tiền hơn 21 tỷ đồng.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời luật sư Lê Thành Kính - người bào chữa cho ông Tô Anh Dũng - cho biết đến nay ông Dũng cùng gia đình đã nộp số tiền 16,2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Luật sư cho biết thêm ông Tô Anh Dũng cũng bày tỏ nhận thức được hành vi của mình là không đúng, "tự trách bản thân mình rất nhiều".
Cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng đã nộp lại 16,2 tỉ tiền nhận hối lộ. Ảnh: TTXVN
"Quá trình công tác, ông Dũng đã có nhiều thành tích, đóng góp, nhưng vì một số sai lầm đã vướng vào vòng lao lý, thực sự rất đáng tiếc", luật sư Kính cho hay thân chủ của ông rất thất vọng về bản thân, vô cùng ăn năn, hối lỗi, thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra.
“Ông Tô Anh Dũng tha thiết kính mong các cơ quan pháp luật xem xét toàn diện vai trò, bối cảnh phạm tội, xem xét đến những nỗ lực đóng góp cho sự phát triển ngành Ngoại giao Việt Nam của cá nhân bị cáo; đặc biệt trong năm 2021, đã đóng góp tích cực trong việc thực hiện ngoại giao vắc xin, nhận hỗ trợ trang thiết bị y tế từ nhiều quốc gia… để bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật”, lời Luật sư Kính.
Tại điều 5 Nghị quyết 03 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có quy định 3 nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ.
Trong số này, trường hợp người phạm tội tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt.
Đối chiếu tinh thần trên của nghị quyết, người phạm tội bị truy tố với khung hình phạt cao nhất đến tử hình nếu muốn thoát mức án này thì phải đáp ứng 2 điều kiện.
Thứ nhất là chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ (tự mình hoặc tác động, thông qua gia đình, người thân, bạn bè…). Thứ hai là hợp tác tích cực với cơ quan tố tụng (ví dụ chủ động cung cấp tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà người phạm tội bị cáo buộc) hoặc lập công lớn (ví dụ giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận…).
Như vậy, với việc nộp lại 16,2 tỷ đồng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã đáp ứng được điều kiện nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ. Đây sẽ là căn cứ để tòa án đánh giá, cân nhắc trong quá trình xét xử và lượng hình.
Quay trở lại vụ án "chuyến bay giải cứu", 54 bị cáo bị truy tố về các tội: đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng, cùng bị cáo buộc phạm tội nhận hối lộ.
Bị đưa ra xét xử, ông Dũng có 3 luật sư bào chữa, ông Linh có 2 luật sư bào chữa.
Theo cáo trạng, khi dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Việc tổ chức chuyến bay được giao cho Văn phòng Chính phủ và tổ công tác một số bộ, ngành.
Quá trình thực hiện cấp phép chuyến bay và phê duyệt cách ly tại địa phương, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, 25 cá nhân là cán bộ thuộc các bộ, ngành, địa phương đã nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại gần 10,5 tỷ đồng. 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đưa hối lộ tổng cộng gần 227 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ tổng cộng gần 74,5 tỷ đồng và lừa đảo hơn 24,5 tỷ đồng.
Trong số trên, bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng, nhận hối lộ 5 lần, với tổng số hơn 4,2 tỷ đồng.
Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 37 lần, với tổng số 21,5 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), nhận hối lộ 32 lần, với tổng số hơn 25 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận hối lộ 253 lần, với tổng số hơn 42,6 tỷ đồng.
Bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, nhận hối lộ 7 lần, với tổng số hơn 2 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận hối lộ 9 lần, với tổng số 5 tỷ đồng…
Các bị cáo này cùng bị truy tố về tội nhận hối lộ, theo quy định tại điểm a khoản 4 điều 354 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), với khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình, thông tin từ báo Thanh Niên.
Thùy Dung (T/h)