Nếu xử lý thì... hết cán bộ
Kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội đang diễn ra từ ngày 1/7-4/7 sẽ xem xét 42 nội dung gồm 17 báo cáo và 25 nội dung nghị quyết. Đặc biệt trong khuôn khổ chương trình làm việc của kỳ họp, HĐND TP cũng dành thời gian xem xét và thông qua Đề án về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nội dung này được nhiều đại biểu quan tâm, trao đổi sôi nổi tại phiên thảo luận tổ tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội, chiều 1/7. Theo báo Dân trí, tại phiên thảo luận tổ, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, nhấn mạnh thời gian qua, cả nước và thủ đô xảy ra nhiều vụ cháy thương tâm. Xuất phát từ những vụ cháy đó, Thủ tướng đã có những chia sẻ và yêu cầu xử lý trong lĩnh vực này theo quy định pháp luật.
Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Tiền phong.
Lãnh đạo công an thành phố nhận định, về hành lang pháp lý liên quan lĩnh vực PCCC, quy định trước đây "thừa thì vẫn thừa, mà thiếu thì vẫn thiếu", chưa có sự kết nối, thống nhất, đồng bộ.
Vừa qua, Quốc hội thông qua Luật PCCC nhưng ông Tùng cho rằng việc này "chỉ phần nào", còn phụ thuộc vào việc ban hành nghị định để thực hiện vì luật này liên quan nhiều bộ ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Công an. Dẫn thực tế việc áp dụng hành lang pháp lý vào quy định PCCC tại các địa phương chỉ mang tính tức thời, thời sự, Phó giám đốc Công an Hà Nội nhấn mạnh việc triển khai các quy định còn chưa có sự đồng bộ, liên thông.
"Từ các dự án, giấy phép xây dựng rồi liên quan thanh tra, giám sát, kiểm tra, nghiệm thu còn nhiều cái xin cho. Có những cái tồn tại quá lâu, qua nhiều thời kỳ", ông Tùng nhấn mạnh.
Thiều tướng Tùng cũng lấy ví dụ về vụ cháy chung cư mini tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) khiến 56 người tử vong hồi tháng 9/2023 làm dẫn chứng có loạt sai phạm dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ông Tùng cho biết cơ quan chức năng đã phải lật lại toàn bộ vụ việc, xác định nguyên nhân sâu xa là từ vi phạm trật tự xây dựng, từ đó khởi tố chủ nhà. Cũng trong vụ cháy trên, lực lượng chức năng xác định vi phạm nằm toàn bộ trong giai đoạn 2015-2016, trong đó cán bộ phường trong giai đoạn này đã để công trình tồn tại.
Sau quá trình điều tra, xem xét tổng thể vụ việc "như một con rết nhiều chân", ông Tùng cho biết từ điều tra quy trình cấp phép xây dựng ngôi nhà, cơ quan chức năng còn xem xét cả trách nhiệm trong quá trình giám sát, nghiệm thu, áp dụng quy định về PCCC trong thời kỳ sau này.
"Tất cả những nội dung trên phải đưa ra bàn cân để xử lý hết. Nhưng nếu như thế thì hết cán bộ, hết cả một chuỗi hệ thống chính quyền ít nhất là của cả phường đó, chưa nói đến quận", theo Phó giám đốc Công an TP Hà Nội.
Cũng trong phần thảo luận, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng đặc biệt nhấn mạnh tính cần thiết của việc ban hành cơ chế đặc thù để dần triệt tiêu những công trình có vi phạm. "Và phải đưa ra lộ trình, chứ nếu cứ nói ra mà không có kinh phí, không có hỗ trợ, không sát sao thì không thể giải quyết được", theo Phó giám đốc Công an Hà Nội.
Phải triệt tiêu công trình sai phạm
Góp ý về phương án xử lý trường hợp công trình sai phạm là tiền đề gây ra những vụ việc đáng tiếc, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết: "Hà Nội có thể áp dụng Luật Thủ đô sửa đổi vừa thông qua, quy hoạch của thủ đô các giai đoạn, từ đó ban hành hành lang pháp lý để có chế tài xử lý, ban hành cơ chế đặc thù để dần triệt tiêu những công trình có vi phạm. Và phải đưa ra lộ trình, chứ nếu cứ nói ra mà không có kinh phí, không có hỗ trợ, không sát sao thì không thể giải quyết được"
Đưa ra quan điểm đồng tình với lãnh đạo công an thành phố, ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho rằng, trong bối cảnh diễn ra nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản như hiện nay, đề án đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn thành phố là "vô cùng cần thiết".
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp trong công tác PCCC, thì việc nâng cao ý thức của người dân về vấn đề này cũng vô cùng quan trọng. "Từ thực tiễn địa phương tôi thấy, nhiều gia đình sử dụng thiết bị điện, bếp gas đun nấu rất tạm bợ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Do vậy, chúng ta cần phải tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức PCCC", ông Tuấn nói.
Ông Trần Hợp Dũng - Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP.Hà Nội nhấn mạnh, đề án về PCCC đặt ra vấn đề cấp bách là sự vào cuộc của toàn hệ thống chứ không chỉ riêng lực lượng công an. Theo ông Dũng, công tác PCCC thời gian qua mặc dù được đầu tư, nhưng công tác quản lý nhà chung cư và đầu tư xây dựng nhà riêng lẻ còn nhiều bất cập, đặc biệt bất cập trong tiêu chuẩn, quy chuẩn do từ Luật Đất đai đến Luật Nhà ở còn chồng lấn trong giai đoạn lịch sử.
Đại biểu nhấn mạnh trong tình hình mới, TP.Hà Nội cần quy định rõ về quy chuẩn, tiêu chuẩn và biện pháp xử lý với khu nhà ở không đảm bảo về mặt cắt ngang đường để xe cứu hỏa tiếp cận khi có sự cố.
Nguồn tin trên báo Dân Việt, tại kỳ họp HĐND TP.Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP.Hà Nội đã trình bày đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ giai đoạn 2025-2030.
Theo tính toán, khái toán kinh phí thực hiện đề án khoảng 26.300 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố chi khoảng 13.800 tỷ đồng và ngân sách cấp quận, huyện khoảng 12.500 tỷ đồng. Dự kiến, đề án sẽ được HĐND TP.Hà Nội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến và xem xét thông qua vào sáng mai 2/7.