Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ cháy 3 người chết tại khu công nghiệp Phú Thị: Ai là người phải chịu trách nhiệm?

(DS&PL) -

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng cần xác định nguyên nhân, các yếu tố lỗi thuộc về cá nhân, cơ quan hay tổ chức nào thì đối tượng đó sẽ bị xử lý theo quy định.

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng cần xác định nguyên nhân, các yếu tố lỗi thuộc về cá nhân, cơ quan hay tổ chức nào thì đối tượng đó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi mình gây ra.

Chiều 6/5, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu công nghiệp Phú Thị (Gia Lâm, Hà Nội) khiến 3 người thiệt mạng. Danh tính các nạn nhân được xác định là Hoàng Minh Sâm (48 tuổi), Nguyễn Duy Thắng (23 tuổi) và Nguyễn Thị Thu (48 tuổi).

Các nạn nhân là người địa phương, làm công nhân tại công ty CP xuất nhập khẩu Biovet, chuyên kinh doanh mặt hàng thuốc thú y. công ty Biovet thuê lại nhà xưởng của công ty TNHH Song Ngân.

Đến tối cùng ngày, Công an huyện Gia Lâm đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, quy định tại Điều 313 BLHS năm 2015.

Hiện trường xảy ra vụ cháy 3 người chết tại khu công nghiệp Phú Thị. Ảnh: Tiền Phong  

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP.Hà Nội nhận định để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật, các cơ quan tố tụng cần phải làm rõ nguyên nhân cháy nổ dẫn tới hậu quả thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Trên cơ sở kết luận giám định của cơ quan chuyên môn về nguyên nhân cháy sẽ là căn cứ xử lý tương ứng theo quy định pháp luật. Nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố điều tra và xử lý người nào có hành vi phạm tội.

Theo Điều 63 Luật phòng cháy chữa cháy 2001 thì người nào có hành vi vi phạm các quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức do thiếu trách nhiệm trong tổ chức, quản lý, kiểm tra việc thực hiện hoạt động phòng cháy và chữa cháy mà để xảy ra cháy thì tuỳ theo tính chất, mức độ thiệt hại mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong quá trình điều tra xác định nguyên nhân và lỗi thuộc về cá nhân, cơ quan, tổ chức nào thì người đó sẽ bị xử lý theo pháp luật đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.​

Theo nhận định của luật sư Cường, tùy vào mức độ thiệt hại do cháy nổ gây ra, người nào vi phạm quy định an toàn về PCCC để xảy ra cháy nổ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 48 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình.

Nếu vi phạm quy định an toàn về PCCC để xảy ra cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Ngoài ra, người nào vi phạm quy định về PCCC để xảy ra cháy nổ gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác thì phải đền bù thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP.Hà Nội.  

Theo luật sư Cường, để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này cần xác định các quy định cụ thể nào bị vi phạm trong các văn bản pháp luật về PCCC, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra. Trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền phải xác định được cụ thể nguyên nhân cũng như người gây ra đám cháy thì người này phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật cũng như phải bồi thường thiệt hại cho những người bị thiệt hại bởi vụ cháy.

Theo Điều 313 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy mà làm chết 03 người trở lên; hoặc Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; hoặc Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên thì có thể bị phạt tù lên đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, luật sư Cường cho hay đối với tài sản nếu là ôtô, xe máy, các loại phương tiện khác mà các phương tiện này đã tham gia bảo hiểm vật chất thì trước mắt, những người bị thiệt hại sẽ được công ty bảo hiểm chi trả phần thiệt hại. Về phía các công ty bảo hiểm, sau khi đã trả tiền cho người tham gia bảo hiểm thì có thể yêu cầu người gây ra vụ cháy (theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền) hoàn trả lại số tiền mà công ty bảo hiểm đã trả cho người có thiệt hại.

Ngoài ra, Điều 9 Luật phòng cháy, chữa cháy 2013 quy định cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải thực hiện bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của cơ sở đó. Danh mục các cơ sở có nguy cơ về cháy nổ được quy định tại Nghị định 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, theo đó có trụ sở làm việc của doanh nghiệp; Kho hàng hóa, vật tư cháy được hoặc hàng hóa vật tư không cháy đựng trong các bao bì cháy được; bãi hàng hóa, vật tư cháy được; Kho hàng hóa, vật tư cháy được; Hàng hóa vật tư không cháy đựng trong các bao bì cháy được,…

Cũng theo Nghị định 23/2018/NĐ-CP đối tượng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm). Như vậy, trong trường hợp xảy ra cháy nổ ngoài ý muốn, doanh nghiệp đã tham gia bảo hiểm cháy, nổ thì đơn vị bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản đã bảo hiểm.

Song trong trường hợp những thiệt hại do cố ý vi phạm những quy định về phòng cháy, chữa cháy thì sẽ không được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường thiệt hại. Bảo hiểm sẽ từ chối trách nhiệm bồi thường rủi ro trong một số trường hợp như: Thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm; do cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy, nổ; Máy móc, thiết bị điện hay các bộ phận của thiết bị điện bị thiệt hại do chịu tác động trực tiếp của việc chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện, rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh...Khi đó, trường hợp xác định người có lỗi (vô ý hay cố ý) gây cháy nổ dẫn tới thiệt hại, ngoài trách nhiệm hình sự thì phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015.

Đối với các thiệt hại về tài sản khác và thiệt hại về sức khỏe, tính mạng thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu người gây ra vụ cháy (theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền) bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

"Nếu người của pháp nhân gây ra, thì pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật", luật sư Đặng Văn Cường nói.

Thông tin về sự việc, vào trưa 6/5, hỏa hoạn xảy ra tại Công ty TNHH Song Ngân nằm trong khu công nghiệp Phú Thị, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Đây là khu vực được công ty Biovet thuê lại với tổng diện tích sàn 2.100 m2.

Ngọn lửa bốc lên từ tầng 3, sau đó lan nhanh. Khói đen từ vụ cháy bốc cao hàng chục mét.

Nhận được tin báo, cơ quan chức năng huy động nhiều xe cứu hỏa cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ khẩn trương đến hiện trường dập lửa và tìm kiếm cứu nạn.

Đến gần 14h, ngọn lửa cơ bản được khống chế.

Thủy Tiên

Tin nổi bật