(ĐSPL) – Không chỉ có bác sĩ Tường, bảo vệ Khánh, vợ bác sĩ Tường mà còn nhiều người khác có liên quan trong việc phi tang xác nạn nhân vụ Cát Tường.
Theo thông tin mới nhất, từ khi chị Lê Thị Thanh Huyền tử vong sau phẫu thuật, cho đến khi xác chị Huyền bị phi tang thì không chỉ đơn thuần có “bàn tay” của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, bảo vệ Đào Quang Khánh và chị Nguyễn Thị Hằng (vợ bác sĩ Tường) là người có mặt cùng hành trình với bác sĩ Tường trên cung đường phi tang xác, mà sự việc còn có sự chứng kiến của nhiều người liên quan khác.
Trong đó có một số nhân viên làm việc tại thẩm mỹ viện Cát Tường trong ngày 19/10/2013, và một bác sĩ làm việc tại Khoa ngoại, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
|
Một số nhân viên của thẩm mỹ viện Cát Tường được xác định cũng liên quan đến vụ ném xác phi tang. |
Theo nội dung bản cáo trạng của VKSND Hà Nội ra ngày 18/2 vừa qua, thì chị Huyền đến thẩm mỹ viện Cát Tường để thực hiện ca phẫu thuật nâng ngực vào ngày 19/10/2013, và đến buổi chiều cùng ngày thì chị tử vong.
Ngay sau khi chị Huyền tử vong, bảo vệ Đào Quang Khánh đã lấy trộm chiếc điện thoại Iphone 5 (trị giá 12 triệu đồng) để trong túi xách của chị Huyền. Sau đó, khoảng 23h30 ngày hôm đó, bác sĩ Tường đã cùng một số nhân viên làm việc tại thẩm mỹ viện Cát Tường đưa thi thể chị Huyền lên xe ô tô đưa đến bệnh viện Bưu Điện (Hoàng Mai – Hà Nội), bảo vệ Khánh đi xe máy của chị Huyền, cầm theo túi xách đi sau ô tô của Tường.
Khi đến cổng bệnh viện Bưu Điện, do đông người qua lại, và xác chị Huyền cũng đã bị cứng, nên Tường không dám đưa xác vào bệnh viện. Một lúc sau, bác sĩ Tường lái xe ô tô chở xác chị Huyền đi, còn Khánh vẫn đi xe máy của chị Huyền, chở cả chị Nguyễn Thị Hằng (vợ bác sĩ Tường) đi theo sau.
Cuối cùng, cả 3 người mang xác chị Huyền lên cầu Thanh Trì, lợi dụng đêm tối, vắng người, Tường và Khánh đã bê xác chị Huyền qua lan can cầu rồi vứt xuống sông Hồng, sau đó cả 3 người đi về nhà.
Được biết, khi biết tin chị Huyền nguy kịch, Tường đang đi lễ chùa và có gọi điện cho anh một bác sĩ làm cùng khoa với Tường trong bệnh viện Bạch Mai đến giúp cấp cứu cho chị Huyền, nhưng chị Huyền vẫn tử vong.
Ngay sau khi biết chị Huyền đã tử vong, bác sĩ Tường đã chỉ đạo các nhân viên thu dọn, tháo dỡ toàn bộ đồ đạc của Trung tâm mang đi cất giấu. Riêng chăn ga, quần áo bệnh nhân có chữ Bạch Mai, gạc bụng… được cho vào 5 túi nilon màu đen, có tải trọng khoảng 7kg và 1 bọc ga trải giường… đã được các nhân viên tại thẩm mỹ thuê xe ô tô taxi chở đến chân cầu Vĩnh Tuy và vứt tại đó.
Tới ngày hôm sau, tức ngày 20/10/2013, do sợ bị lộ nên Tường bảo Khánh đến chân cầu Vĩnh Tuy nhặt lại. Khánh đồng ý và thuê anh Hoàng Văn Chính (sinh năm 1964 ở Việt Hùng, Trực Ninh, Nam Định) làm nghề lao động tự do đến chân cầu Vĩnh Tuy tìm với giá 400.000 đồng.
Khoảng 18h cùng ngày thì Khánh và anh Chính tìm thấy. Khánh cho 5 túi nilon màu đen bên trong có chứa ga trải giường, áo bác sĩ … vào bao tải mang về cho Tường và được Tường đưa cho 5 triệu đồng.
Cùng trong khoảng thời gian này, Tường bảo các nhân viên của mình tháo ổ cứng máy vi tính của thẩm mỹ viện Cát Tường, sau đó mang đầu thu camera đến khu vực Long Biên rồi vứt xuống sông, còn 5 ổ cứng vi tính thì được đem đến hồ Hoàng Cầu (Ô Chợ Dừa – Đống Đa – Hà Nội) vứt.
|
Ngoài Khánh và Tường, còn nhiều người có liên quan trong việc che giấu và phi tang xác chị Huyền. |
Như vậy, có rất nhiều người đã chứng kiến cái chết của chị Huyền, và biết đến kế hoạch phi tang xác nạn nhân của bác sĩ Tường, nhưng theo bản cáo trạng, Nguyễn Mạnh Tường chỉ bị truy tố về 2 tội “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” theo khoản 2 Điều 246 và “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo khoản 1 Điều 242 BLHS - là tội phạm không thuộc phạm vi điều chỉnh của điều 313BLHS và 314 BLHS cho nên hành vi của các đối tượng này không cấu thành tội che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm. Do vậy, cơ quan điều tra không có căn cứ để xử lý...
Anh Thư