Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ bổ nhiệm Vụ phó 26 tuổi: Cần xem lại quy trình!

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Bà An cũng cho rằng, cần phải xem lại toàn bộ quy trình bổ nhiệm cán bộ đối với ông Vũ Minh Hoàng – Vụ phó Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.

(ĐSPL) – Theo quan điểm của bà Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội, một người trẻ được bổ nhiệm vị trí vụ phó phải là người tạo ra đột phá và được xã hội công nhận. Bà An cũng cho rằng, cần phải xem lại toàn bộ quy trình bổ nhiệm cán bộ đối với ông Vũ Minh Hoàng – Vụ phó Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.

PV: Theo bà, trường hợp ông Vũ Minh Hoàng (26 tuổi) được Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tuyển dụng và bổ nhiệm chức vụ Vụ phó kinh tế khi không công tác thực tế tại cơ quan này có được coi là một ngoại lệ?

Bà Bùi Thị An: Tôi không phủ nhận có trường hợp ngoại lệ, ví dụ trong thời kỳ chiến tranh, các chiến sỹ mưu trí nghĩ ra cách tiêu diệt được nhiều kẻ địch nhất sẽ được phong tặng anh hùng ngay tại trận. Tuy nhiên, đã là công tác cán bộ cần phải đảm bảo theo tuần tự và không nên “đốt cháy giai đoạn”, nếu có thì đó là những trường hợp đột phá rất đặc biệt được cả xã hội công nhận.

Cán bộ muốn “đốt cháy giai đoạn” cần có cơ hội, hoàn cảnh thực tiễn để thử thách chứ không thể như trường hợp của ông Vũ Minh Hoàng được. Và rõ ràng, đây là một điều không được phép xảy ra.

Ông Vũ Minh Hoàng (phải) nhận quyết định điều về làm phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ. Ảnh: Đài PT-TH Cần Thơ 

PV: Theo bà, việc tuyển chọn, đánh giá trong trường hợp của ông Vũ Minh Hoàng có khách quan, minh bạch?

Bà Bùi Thị An: Như đã nói ở trên, đây không phải trường hợp ngoại lệ, do đó ông Vũ Minh Hoàng cần trải qua kỳ thi dưới sự giám sát của hội đồng chấm thi. Đó là chưa kể sau khi tuyển chọn, cán bộ sẽ được bổ nhiệm vào vị trí và gắn trách nhiệm cụ thể để có thể đánh giá về năng lực.

Việc đánh giá chuẩn xác dựa trên tiêu chuẩn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhưng muốn đánh giá tốt phải kết hợp cả đánh giá của cộng đồng. Cộng đồng ở đây có thể là những tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, hội cựu chiến binh, hội Phụ nữ… hoặc những người trực tiếp ngang quyền.

Từ đánh giá hiệu quả công việc thực tiễn mới có thể tiếp tục đề bạt cán bộ vào một vị trí khác cao hơn. Nhưng nhấn mạnh lại là phải đánh giá chuẩn xác chứ không phải đánh giá theo kiểu cảm tính.

PV: Việc chưa ngày nào công tác thực tế tại văn phòng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhưng lại được bổ nhiệm ngồi vị trí phó vụ trưởng Vụ kinh tế phải chăng do kẽ hở trong quy trình bổ nhiệm cán bộ?

Bà Bùi Thị An: Tôi cho rằng nên xem lại quy trình bổ nhiệm tuyển dụng cán bộ, bởi nhiều cơ sở luôn nói làm đúng quy trình nhưng khi cho ra sản phẩm lại sai? Nếu quy trình đã chuẩn mà sản phẩm sai thì xử lý người thực hiện. Tôi thấy quy trình tuyển dụng bổ nhiệm vẫn nhiều kẽ hở và những người không đủ tiêu chuẩn vẫn lọt được vào những cơ quan công quyền, thậm chí có được những vị trí rất quan trọng.

Điều quan trọng hơn, muốn chọn được cán bộ tốt, tuyển dụng được cán bộ tốt, đào tạo được cán bộ tốt, quy hoạch cán bộ tốt thì vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng. Cũng cần thêm nhiều quyền hơn với người đứng đầu như có quyền bổ nhiệm hoặc thôi việc lập tức với một cá nhân nào đó.

Tuy nhiên, những quyền này sẽ đi kèm với trách nhiệm cao cả của người đứng đầu. Bởi trên thực tế, nhiều nơi bị kỷ luật, phê bình thì thường là tập thể chịu chứ không cá nhân nào bị nêu tên. Do đó, nếu công tác cán bộ không tốt việc đầu tiên là phải kỷ luật cán bộ đứng đầu hoặc ngược lại.

PV: Bà nghĩ sao về việc  bổ nhiệm những người trẻ có tài cho đất nước?

Bà Bùi Thị An: Với trường hợp của ông Vũ Minh Hoàng, việc tạo điều kiện để một người trẻ tuổi đóng góp cho đất nước là một điều đáng khen ngợi nhưng để “đốt cháy giai đoạn” thì phải có gì đó chứng minh rằng, anh đã cống hiến, có thể là cống hiến cho Cần Thơ, cho Tây Nam Bộ hay ở đâu đó nhưng rõ ràng phải chứng minh được điều này. Hoặc có thể có một thành tích rất xuất sắc trong quá trình học ở Nhật được thế giới công nhận. Tuy nhiên, tôi chưa thấy điều gì quá đặc biệt ở trường hợp này, thay vào đó nó lại khiến cho người dân có sự nghi ngờ.

Trong việc làm công tác cán bộ, việc được người dân đồng thuận là vô cùng quan trọng. Còn với trường hợp này, người dân xì xào bàn tán là có vấn đề rồi. Nếu muốn mọi chuyện minh bạch thì hãy giải trình để người dân có thể hiểu và đồng thuận.

PV: Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Ngày 20/5/2014, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ gửi văn bản cho Ban Tổ chức Trung ương về việc đề nghị thống nhất xét tuyển không qua thi tuyển đối với du học sinh Vũ Minh Hoàng (sinh năm 1990 tại tỉnh Bắc Ninh) và được đồng ý.
- Ngày 4/6/2014, ông Hoàng được tuyển dụng vào làm việc tập sự 12 tháng tại Phòng Nghiên cứu - Tổng hợp Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

- Một tháng sau, ông được cử đi du học, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Nhật Bản đến tháng 9/2017.

- Tháng 1/2016, ông Hoàng được bổ nhiệm làm Vụ phó Kinh tế, sau 17 tháng vào cơ quan này.

- 32 ngày sau, ông Hoàng được chuyển về giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ theo công văn "xin người" của chính quyền thành phố này.

Về sự việc này, sáng 9/12, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã ​yêu cầu Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ kiểm tra, rà soát, báo cáo quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, phân công công việc, chuyển công tác đối với Vụ phó Kinh tế Vũ Minh Hoàng.

Hoàng Giang (thực hiện)

Tin nổi bật