Một bé trai 9 tuổi ở Vĩnh Long bị chính mẹ ruột và dì họ bạo hành ở nhà trọ khiến thương tích khắp người gây bức xúc.
Bé trai bị bạo hành là N. (9 tuổi, tạm trú tại đường Phạm Thái Bường, P.4, TP.Vĩnh Long, Vĩnh Long).
Theo thông tin trên báo chí, Cán bộ Bảo vệ chăm sóc trẻ em phường 4 tiếp nhận tin báo của người dân về việc trẻ em bị bạo hành nên đã phối hợp xác minh. Khi đến nhà trọ, cán bộ phường đã phát hiện trên người, mặt, ngang sóng mũi và mắt cháu bé có nhiều vết thương.
Theo hồ sơ bệnh án của Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long, bệnh nhân N. được đưa vào nhập viện trong tình trạng đa chấn thương phần mềm; sưng mặt, nhiều vết bầm cũ mới toàn thân; sưng nề mô mềm vùng đỉnh 2 bên và thái dương phải; sưng sót da ổ vai trái…
Bé N. bị bạo hành phải nhập viện điều trị - Ảnh: Dân trí |
Công an cũng đã thu giữ vật dụng đánh bé N. gồm 1 thanh tre và 1 cái ca múc nước.
Được biết, mẹ bé N. làm bảo mẫu ở một ngôi trường mẫu giáo ở TP.Vĩnh Long.
Vụ việc bé trai bị mẹ và dì họ bạo hành đang gây bức xúc trong dư luận. Dư luận càng bức xúc hơn khi người mẹ lại là một bảo mẫu.
“Ôi, làm bảo mẫu mà đối xử với con mình như thế thì con người khác sẽ thế nào nữa?" - bạn đọc có tên Lê Minh VN bình luận.
Cùng chung quan điểm bạn đọc có tên Nguyễn Song Giang nói: "Con ruột của mình còn hành hạ dã man... Bảo mẫu con người ta xem lại có hành hạ chúng không?"
"Mẹ bé làm bảo mẫu ở trường mẫu giáo? Hiện tại vẫn công tác? Không biết con mình còn thế vậy con người ra sao..." - bạn đọc có tên Linh lo ngại.
Bạn đọc có tên Thuỷ Nguyễn nói: "Làm bảo mẫu mà ác vậy, ai dám giao con cho giữ đây?".
"Mẹ ruột sao lại làm vậy? Mình là đàn ông cũng không thể làm như vậy với con mình" - bạn đọc có tên uoemx nói.
Hành vi vi phạm pháp luật
Chuyên viên pháp lý Châu Việt Vương nhận định, trẻ em luôn là đối tượng được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ không chỉ của cả gia đình mà là của toàn xã hội. Việc đánh đập con, cháu mình không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn là hành động trái với đạo đức xã hội, là hành vi coi thường pháp luật. Hành vi đánh đập trẻ em này có thể bị xử phạt hành chính; Nếu gây thương tích cho trẻ, có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) (BLHS). Cụ thể như sau:
Pháp luật Việt Nam đã quy định không ít những điều khoản về việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em như:
Điều 12 Luật Trẻ em 2016 quy định về Quyền sống của trẻ em như: “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển”.
Khoản 1, Khoản 2 Điều 69 Luật Hôn nhân và Gia đình2014 quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ như sau:” 1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2008 quy định việc hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng được coi là hành vi bạo lực gia đình. Do đó, việc đánh đập trẻ em, bạo lực gia đình này sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2008 như sau:“Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự…”.
Căn cứ Theo khoản 1, khoản 2 Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình bị xử phạt như sau:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đến 1.500.000 đồng với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.”
Không chỉ vậy, hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình còn bị phạt tiền theo quy định tại Điều 50 của Nghị định này như sau:
“1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.”
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Chuyên viên pháp lý Châu Việt Vương cũng cho hay, ngoài việc bị xử phạt hành chính nêu trên, người đánh đập trẻ em còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự như tội cố ý gây thương tích, tội hành hạ người khác…
Tình tiết phạm tội đối với trẻ em được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội (Theo Điểm h, Khoản 1, Điều 48 Bộ luật hình sự được sửa đổi bổ sung năm 2009).
Nếu việc đánh đập của chị Đ. và chị N. đối với cháu N., khi giám định thương của cháu N. dưới 11% và các cơ quan tiến hành tố tụng không xem xét tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) nhưng với chứng cứ cháu N. bị hành hạ nhiều lần thì chị Đ. và chị N. có thể bị khởi tố hình sự về tội hành hạ người khác với hình phạt từ 1 đến 5 năm tù theo Điều 110 BLHS .
Còn đối với trường hợp giám định thương thương tật đối với cháu N. dưới 11% nhưng đáng kể hoặc trên 11% thì chị Đ. và chị N. có thể bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích Điều 104 BLHS với mức hình phạt có thể đến 15 năm tù.
Như vậy, hành động hành hạ trẻ em đáng bị xã hội lên án, hành vi này nếu nhẹ sẽ bị xử phạt hành chính, nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như đã phân tích nêu trên.
(Tổng hợp)