(ĐSPL) - Người nhắn tin rõ ràng có dấu hiệu phạm vào tội “Cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự.
Liên quan đến vụ cháu Ngô Ngọc Ph (8 tuổi, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Bình Mỹ 2, Củ Chi, TPHCM) bị mất tích gần 3 tháng và thi thể được tìm thấy ở biên giới Campuchia, ngày 23/3, cơ quan CSĐT công an huyện Củ Chi đã lập hồ sơ, chuyển về Phòng CSĐT (PC45) Công an TPHCM thụ lý theo thẩm quyền. Vụ án cháu Ph có nhiều tình tiết phức tạp nên Công an huyện Củ Chi đang phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TPHCM tiến hành điều tra làm rõ.
Cơ quan công an đã làm việc cùng nhiều nhân chứng và thu thập nhiều tình tiết quan trọng để mở rộng điều tra.
Như đã thông tin, giữa tháng 3/2015, khi nhiều báo đăng thông tin gia đình tìm con và để lại số điện thoại của anh Nguyễn Hữu H (cha Ph) nhằm liên lạc thì có một người đàn ông lạ gọi điện nói biết thông tin về cháu Ph và yêu cầu anh gửi số điện thoại của chị Ngô Thị Đ - mẹ cháu ở Campuchia - để trao đổi thông tin. Khi có số điện thoại của chị Đ, người này nhiều lần nhắn tin yêu cầu đưa 500USD, sau đó hạ xuống còn 150USD để làm chi phí tìm cách trộm lại bé Ph trong tay bọn bắt cóc. Tuy nhiên, nghi ngờ có thể người lạ này biết được số điện thoại từ thông tin đăng báo và tờ rơi dán khắp nơi để lừa tiền nên gia đình không nghe theo. Vụ việc này cũng đã được anh H báo công an điều tra.
Vậy hành động của người nhắn tin này có vi phạm pháp luật không? Nếu vi phạm thì phải chịu khung hình phạt nào?
Tin nhắn với nội dung trao đổi tiền bạc với gia đình nạn nhân - Ảnh: Báo Lao Động. |
|
Trong trường hợp này người nhắn tin rõ ràng có dấu hiệu phạm vào tội “Cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự.
"Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."
Như vậy, hành vi của người này có thể phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại khoản 1, Điều 135 BLHS.
Ngoài những dấu hiệu về chủ thể phải đủ năng lực hành vi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì đối với tội “Cưỡng đoạt tài sản” thì mục đích chiếm đoạt là yếu tố bắt buộc trong cấu thành của tội này. Nếu người phạm tội không có mục đích chiếm đoạt tài sản mà hành vi nhằm một đích khác thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Tội "Cưỡng đoạt tài sản" quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự có hành vi khách quan "đe doạ sẽ dùng vũ lực…" là hành vi doạ sẽ gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng trong tương lai nếu không thoả mãn yêu cầu chiếm đoạt của người phạm tội. Khác với tội "Cướp tài sản" đe doạ "dùng vũ lực ngay tức khắc" thì tội "Cưỡng đoạt tài sản" là đe doạ "sẽ dùng vũ lực" tức là dùng vũ lực trong tương lai, có khoảng cách về thời gian. Sự đe doạ này không có tính nguy hiểm như tội cướp.
Có thể không có hành vi đe dọa dùng vũ lực nhưng lại dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần đối với cá nhân, tổ chức ép cá nhân, tổ chức đó phải đưa tiền cho mình cũng thỏa mãn dấu hiệu phạm tội của tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Ở đây, người bị đe doạ, uy hiếp tinh thần còn có điều kiện để chống cự lại, có thời gian để báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xử lý trước khi hành vi chiếm đoạt xảy ra.
Theo đó, dấu hiệu thứ nhất là đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác.
Ở đây, người nhắn tin rõ ràng có dấu hiệu uy hiếp tinh thần người khác. Bởi trong trường hợp này chị Đ là người trong trạng thái tinh thần căng thẳng khi con mình mất tích. Người nhắn tin đưa ra giá mặc cả buộc họ phải lo sợ, lệ thuộc về mặt lý trí để từ đó phải hành động đáp ứng yêu cầu.
Dấu hiệu thứ hai là nhằm chiếm đoạt tài sản, trong tin nhắn, người nhắn tin đưa ra rất rõ số tiền yêu cầu chuộc là 5000 USD, chị Đ trả lời là không có tiền. Người đó liền giảm còn 500USD, chị Đ vẫn nói là không có tiền; Rồi giảm xuống còn 300USD, chị vẫn nói là không có tiền; Rồi cuối cùng người này hạ xuống còn 150USD. Rõ ràng đây là dấu hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản.
Người nhắn tin đưa ra yêu cầu đối với chị Đ nhằm mục đích là buộc mẹ cháu Ph phải trả cho anh ta một số tiền.
Việc này hoàn toàn được thực hiện bởi lý trí, người nhắn tin biết rõ hành vi này là trái pháp luật, thậm chí nó còn trái cả về mặt đạo đức, nhưng anh vẫn thực hiện.
Trong trường hợp này, người nhắn tin đã hoàn toàn thỏa mãn đầy đủ cả hai dấu hiệu.
Trước đó, ngày 23/3, Báo Lao Động nhận được thư điện tử từ địa chỉ dong...@gmail.com, người này xưng tên là H.V.Đ và thú nhận sự thật xung quanh các tin nhắn này. Chúng tôi xin đăng lại email: “Kính gởi tòa soạn báo LAO ĐỘNG Hôm nay tôi viết thư này gởi về tòa soạn để thông báo một nội dung như sau: Qua vụ án bé gái 8 tuổi ở Củ Chi – TPHCM bị giết và tìm thấy xác ở biên giới Campuchia, các báo đã đưa tin và có đề cập đến tình tiết có tin nhắn tống tiền 5.000, 500 – 300 rồi giảm xuống còn 150USD. Qua hình ảnh mẫu nội dung tin nhắn được chụp lại in trên báo, tôi xin xác nhận đó chính là những tin nhắn của tôi. (Tôi là người viết những tin nhắn đó gởi qua lại cho chị Đ mẹ cháu Ph cách nay khoảng 2 tuần (tôi quên ngày) nhưng không phải vì mục đich tống tiền. Lý do trước đó gia đình tôi có xem bài báo nói về người cha mất con (anh H) đi tìm và dán hình con gái khắp nơi. Có ý kiến cho là có khả năng mẹ cháu Ph về trường học dẫn cháu đi qua Campuchia nên tôi muốn làm một phép thử bằng cách: Tìm số điện thoại của anh H ở cuối bài báo – gọi cho anh H xin số điện thoại của chị Đ đang ở Campuchia; Nhắn tin cho chị Đ nói là tôi không giữ bé Ph nhưng có thấy bị người ta giữ; Yêu cầu chuộc 5.000USD, chị Đ trả lời là không có tiền, tôi giảm còn 500USD, chị Đ vẫn nói là không có tiền; Tôi giảm xuống còn 300USD, chị vẫn nói là không có tiền và yêu cầu tôi cho nghe bé Ph nói chuyện (tất nhiên là không thể vì tôi chưa từng gặp bé Ph bao giờ); Những người tham gia “phép thử” này với tôi hôm đó kêu tôi giảm xuống giá rẻ mạt còn 150USD xem sao; Và cuối cùng chị Đ vẫn trả lời là không có tiền và là người cúp máy trước không liên lạc với tôi nữa. Nội dung “phép thử” là như vậy, tôi xin kể rõ, và không dám nhận định điều gì trong lúc này. Và tôi thật sự bàng hoàng khi hay tin bé Ph bị giết trước đó 1 tháng (tôi nhắn tin chỉ mới khoảng 2 tuần). Tôi rất ân hận cho trò đùa của mình, ảnh hưởng đến thông tin trên báo chí, và hướng điều tra của cơ quan công an nên tôi đã có gọi điện thoại xin lỗi anh H và báo cáo với công an huyện Củ Chi. Vậy tôi viết thư này gởi đến quí tòa soạn để nhìn nhận việc làm của mình và xin cho một lời khuyên. Chân thành H.V.Đ – Tây Ninh” |
Cậu ruột bắt cóc cháu gái 9 tháng tuổi tống tiền gia đình
Kim Thành