Vào tháng 4/2015, Tòa án hạt Fulton, bang Georgia, nước Mỹ đã ra phán quyết đối với 11 trong số 12 bị cáo liên quan vụ gian lận điểm thi bê bối nhất lịch sử nước này.
Theo đó, 11 giáo viên của trường Atlanta vướng vòng lao lý vì tội gian lận. Mức án cao nhất đối với người phạm trọng tội lên đến 20 năm tù. Một số người còn bị kết thêm tội đưa ra tuyên bố sai sự thật khiến án phạt của họ tăng thêm một vài năm tù giam.
Trước đó, hàng chục giáo viên đã bị điều tra, xét xử, bao gồm cả hiệu trưởng. Nhiều trường học ở Atlanta đã thay đổi đáng kể điểm số của học sinh trong Bài kiểm tra năng lực tham chiếu theo tiêu chuẩn.
Ít nhất 11 giáo viên ở Mỹ bị kết án tù vì gian lận điểm thi. Ảnh: Getty |
Thẩm phán Jerry W. Baxter của Tòa án hạt Fulton ra lệnh bỏ tù hầu hết các bị cáo gần như ngay lập tức và họ bị dẫn ra khỏi phòng xử án trong khi bị còng tay.
"Toàn bộ nỗ lực của chúng tôi trong trường hợp này chỉ đơn giản là để cho cộng đồng dừng chỉ trích và xem xét lại hệ thống giáo dục", Luật sư Paul L. Howard Jr. cho biết thêm, "Tôi nghĩ với quyết định của bồi thẩm đoàn, mọi người sẽ dừng lại. Tôi nghĩ mọi người sẽ đánh giá khách quan hệ thống giáo dục của chúng ta”.
Bê bối sửa bài thi chấn động nước Mỹ
Nghi vấn về minh bạch thi cử ở thành phố Atlanta được đưa ra lần đầu trong loạt bài trên tờ The Atlanta Journal-Constitution hồi năm 2009. Loạt bài này đã tạo cú vang lớn. Cùng năm, Thống đốc bang Georgia, ông Sonny Perdue, ra lệnh điều tra vụ việc.
Cuộc điều tra được hoàn thành vào năm 2011, dẫn đến những phát hiện đáng ngạc nhiên. Các nhà chức trách kết luận rằng gian lận đã xảy ra ở ít nhất 44 trường học và khu học chánh trong tổng số 56 trường ở thành phố. Từ đó, kết luận cuối cùng các nhà điều tra đánh giá đây là “hành vi sai trái có tổ chức và hệ thống”.
178 giáo viên, trong đó có 38 hiệu trưởng, tham gia việc sửa bài cho thí sinh của kỳ thi Kiểm tra năng lực tham chiếu theo tiêu chuẩn. Một trường thậm chí còn huy động giáo viên sửa bài lộ liễu trong khi một số hiệu trưởng cẩn thận hơn, đeo găng tay khi sửa bài.
Ngoài ra, dù không trực tiếp tham gia, bà Beverly L. Hall - người đứng đầu ngành giáo dục thành phố Atlanta - cũng bị cáo buộc vì sai lầm trong công tác quản lý khiến gian lận xảy ra với quy mô lớn trong nhiều năm.
Các nhà điều tra đã viết trong báo cáo rằng Tiến sĩ Hall và các trợ lý của bà đã "tạo ra một nền văn hóa của sự sợ hãi, đe dọa và trả thù", cho phép "gian lận - ở mọi cấp độ - trong nhiều năm".
Một số bị cáo vẫn kiên quyết phủ nhận hành vi phạm tội. Ảnh: Guardian |
Tuy nhiên, bà bác bỏ cáo buộc, khẳng định bản thân không tiếp tay, dung dưỡng hành vi gian lận để nâng thành tích giáo dục. Tiến sĩ Hall, người đã qua đời truowcs khi dự phiên tòa xét xử khẳng định rằng bà đã không làm gì sai.
"Tôi không thể chấp nhận rằng có một nền văn hóa gian lận", bà Hall cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2011. "Việc 178 giáo viên bị cáo buộc là khủng khiếp, nhưng chúng tôi có hơn 3.000 giáo viên".
Vụ bê bối đã khiến cả thành phố Atlantans rúng động. Các đài truyền hình và đài phát thanh đã thay đổi lịch trình ban đầu để phát sóng cảnh phòng xử án vào ngày xét xử. Hội đồng các nhà trường của thành phố nói trong một tuyên bố rằng phán quyết đó là "một chương buồn và bi thảm cho các trường công lập Atlanta".
Vụ việc ở Atlanta - phần nổi của tảng băng chìm
Bê bối ở Atlanta đã làm dấy lên lời kêu gọi cải cách nền giáo dục trên toàn nước Mỹ. Nhiều năm sau khi tờ Atlanta Journal-Constitution báo cáo về nghi vấn gian lận, các nhà hoạch định chính sách đã không đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thay đổi cách học sinh trên toàn quốc làm bài kiểm tra chuẩn hóa và cách giáo viên chấm điểm.
Trong thực tế, vấn đề đã trở nên tồi tệ hơn. Kể từ khi vụ Atlanta được phát hiện, cơ quan giáo dục Mỹ đã ghi nhận nhiều trường hợp gian lận điểm thi ở ít nhất 40 tiểu bang khác nhau.
"Atlanta chỉ là phần nổi của tảng băng chìm", ông Bob Schaeffer, giám đốc giáo dục công của FairTest - một tổ chức phi lợi nhuận phản đối các tiêu chuẩn kiểm tra hiện tại nói. "Gian lận là kết quả có thể dự đoán được về những gì xảy ra khi chính sách công cộng đặt quá nhiều áp lực lên điểm kiểm tra".
Những vụ sửa điểm chấn động thế giới
Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản trả lời báo chí về vụ quan chức dưới quyền ông bị bắt do tác động nâng điểm thi đại học cho con trai. Ảnh: Getty |
Đầu tháng 7 vừa qua, ông Futoshi Sano - cựu Cục trưởng Cục Chính sách Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Giáo dục và Khoa học Nhật Bản đã bị bắt với cáo buộc lạm dụng chức quyền. Ông này bị cho là dành suất trợ cấp nghiên cứu chính phủ trong năm tài chính 2017 cho Đại học Y khoa Tokyo để đổi lấy cơ hội trúng tuyển cho con trai.
Sau khi vụ việc bị phanh phui, cảnh sát điều tra đã phát hiện thêm kết quả thi của nhiều thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học hồi tháng 2 được nâng điểm.
Hồi tháng 6/2018, cô Bertshunia Hillard, cựu giáo viên ở Harlem, nước Mỹ, mất việc sau khi vướng vào vụ gian lận thi cử. Theo New York Post, nữ giáo viên nhiều lần hỗ trợ học sinh trong quá trình làm bài thi bằng cách đứng bên cạnh đọc đáp án. Mặc dù Hillard thường xuyên dặn học trò giữ bí mật, hành vi tiêu cực của cô vẫn bị phát hiện và phải trả giá.
Tháng 11/2017, ông David Fitzgerald, giáo viên môn Công nghệ Thông tin tại Học viện Greenacre ở thị trấn Chatham, Anh, bị đình chỉ dạy học vĩnh viễn. Giáo viên này đã sửa điểm GCSE (chứng chỉ giáo dục trung học phổ thông) của học sinh từ điểm U thành điểm A (trượt thành đỗ).
Đến tháng 2/2018, tờ Guardian đưa tin hàng nghìn giáo viên ở Anh đã có hành vi gian lận nhằm nâng điểm cho học sinh trong 4 năm từ 2012 - 2016. Cuối cùng, hơn 1.000 thí sinh bị hủy kết quả bài thi, 14 trường hợp khác bị đình chỉ thi. Trong khi đó, 581 giáo viên bị cảnh cáo, 113 người phải tham gia lại khóa đào tạo sư phạm và chỉ 83 người bị đình chỉ công tác vì vi phạm quy chế.