Liên quan đến vụ "bắt vạ" 400 triệu đồng sau tai nạn chết người ở Sa Pa, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, tỉnh Lao Cai đã chính thức lên tiếng.
Theo tin tức từ báo Dân Trí, vào tối ngày 3/3, ông Lê Tân Phong- Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã thông tin chính thức về vụ việc người dân "bắt vạ" lái xe ô tô 400 triệu đồng sau tai nạn chết người xảy ra tại xã Sa Pả.
Hiện trường vụ tai nạn - Ảnh: Dân Sinh |
Cụ thể, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 11h40 ngày 1/3, trên QL 4D, thuộc thôn Sa Pả, xã Sa Pả, huyện Sa Pa. Vào thời điểm trên, Hạng A Câu (SN 2003), học sinh lớp 9 Trường THCS Sa Pa trú tại thôn Suối Hồ, xã Sa Pả, huyện Sa Pa điều khiển xe máy biển kiểm soát 24B2 - 150.50 lưu thông theo hướng Lào Cai - Sa Pa và đâm trực diện vào ô tô 4 chỗ biển 24A- 029.19 do anh Nguyễn Trọng Nghĩa (sinh năm 1989), trú tại phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai điều khiển chạy hướng Sa Pa - Lào Cai.
Cú va chạm khiến xe máy bị văng ra và va vào xe chở khách Sao Việt biển kiểm soát 29B - 613.99 do lái xe Nguyễn Đức Phương, sinh năm 1972, trú tại phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, lưu thông hướng Lào Cai - Sa Pa (cùng chiều với xe máy) khiến Hạng A Câu tử vong tại chỗ. Cả xe máy và xe ô tô 4 chỗ 24A - 029.19 đều bị hư hỏng nặng.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, người nhà nạn nhân và người dân địa phương đã kéo ra hiện trường đòi lái xe ô tô con và xe khách phải bồi thường và không cho di chuyển xác ra khỏi hiện trường.
Vụ việc gây ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 4D nhiều giờ. Sau khi có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, hai lái xe Nguyễn Đức Phương và Nguyễn Trọng Nghĩa đã thống nhất góp mỗi người 100 triệu đồng ủng hộ phí mai táng cho nạn nhân xấu số.
Người dân tụ tập rất đông tại hiện trường vụ tai nạn ở Sa Pa. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Liên quan đến vụ việc, trả lời báo chí, ông Trần Ngọc Sơn- Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh Lao Cai cho biết, đơn vị sẽ có văn bản yêu cầu công an làm rõ việc gia đình và người dân xã Sa Pả, huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) “bắt vạ” lái xe ôtô 400 triệu sau vụ tai nạn giao thông.
Ông Sơn cho hay, quan điểm của đơn vị là sẽ xác định rõ đúng, sai; sau đó sẽ xem xét các vấn đề về bảo hiểm, chế độ chính sách để có hướng giải quyết.
Theo ông Sơn, việc gia đình, người dân địa phương kéo đến đòi lái xe ôtô bồi thường 400 triệu không cho đặt cọc, gây ách tắc, cản trở giao thông (cuối cùng phía lái xe phải đưa ra 200 triệu mới tạm yên) là trái pháp luật.
"Không hiểu sao lực lượng chức năng địa phương có mặt tại đó nhưng lại để xảy ra vụ việc này. Khi có kết quả điều tra, chúng tôi sẽ yêu cầu làm rõ. Nếu lái xe đi đúng thì bên kia sẽ phải trả lại số tiền”, ông Sơn nhấn mạnh.
Cần làm rõ trách nhiệm của người giao xe máy cho nạn nhân Trước vụ việc, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông (cục Cảnh sát giao thông, bộ Công an) cho hay, việc người dân lại tự ý kéo nhau ra đòi bồi thường tiền, đồng thời ngăn cản cơ quan chức năng làm nhiệm vụ, gây cản trở giao thông là hoàn toàn không đúng theo quy định pháp luật. Với hành vi cản trở giao thông trong thời gian dài như trên đã có dấu hiệu của tội cản trở giao thông, cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc điều tra, làm rõ để xử lý. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân bất chấp pháp luật ngăn cản cơ quan chức năng, đòi bồi thường tiền. Số tiền đòi bồi thường là 400 triệu đồng, một con số không hề nhỏ đối với đồng bào người dân tộc thiểu số. Có thể do người dân là người dân tộc thiểu số chưa hiểu rõ về pháp luật khi vụ việc xảy ra vì quá thương xót nên mới dẫn tới hành động trên. Hoặc cũng có thể do một số người lợi dụng vụ việc đứng ra kích động người dân đòi bồi thường tiền, gây mất trật tự,... từ đó có cách xử lý sao cho phù hợp. Cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra để xử lý nghiêm các hành vi gây cản trở giao thông, không để câu chuyện "phép vua thua lệ làng" tiếp tục xảy ra thêm một lần nữa. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật cho đồng bào người dân tộc thiểu số, tránh tình trạng người dân bị một số đối tượng, thế lực xấu đứng ra xúi giục, kích động làm những chuyện tương tự. Đặc biệt trong trường hợp này, nạn nhân chỉ mới 15 tuổi, chưa đủ tuổi để được điều khiển xe máy mà điều khiển xe máy thì sự hiểu biết pháp luật về giao thông, kỹ năng tham gia giao thông, cách xử lý tình huống khi tham gia giao thông trên đường của nạn nhân còn rất kém. Đây cũng là một hành động vô cùng nguy hiểm vì theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi ô tô, xe máy khi lưu thông trên đường là một nguồn nguy hiểm cao độ. Cơ quan chức năng cũng cần làm rõ trách nhiệm của người giao xe máy cho nạn nhân. |
Hoàng Yên (T/h)