Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Xét xử vắng mặt 5 bị cáo, tất cả đều có luật sư bào chữa

  • Bảo An
(DS&PL) -

Như đã thông tin, sáng nay (5/3), TAND TP.HCM mở phiên xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện. Dự kiến phiên tòa diễn ra gần 2 tháng (từ 5/3 - 29/4), do Thẩm phán Phạm Lương Toản làm chủ tọa. HĐXX sẽ đưa ra xét xử 86 bị cáo.

5 bị cáo xét xử vắng mặt

Tại phiên tòa, ngoài chủ tọa là ông Phạm Lương Toản còn có thẩm phán Lê Công Huân và 3 hội thẩm nhân dân; 10 kiểm sát viên thuộc Viện KSND tối cao và Viện KSND TP.HCM sẽ giữ quyền công tố tại tòa. 86 bị cáo bị đưa ra xét xử về một trong các tội danh "Tham ô tài sản", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Theo báo Tiền phong cập nhật công tác chuẩn bị cho phiên tòa xét xử, ông Phạm Ngọc Duy, Chánh Văn phòng TAND TP.HCM thông tin: Mọi công việc chuẩn bị cho phiên tòa đã hoàn tất từ chiều 4/3. Theo đó, HĐXX sẽ làm việc tại phòng xử án A. Đây cũng là nơi đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa làm việc. 81 bị cáo cũng được bố trí tại phòng xét xử này.

Bị cáo Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân hầu tòa. Ảnh: Thanh niên.

Các luật sư, người liên quan sẽ ngồi ở phòng xử án B và khoảng trống giữa 2 phòng xử án A và B, theo dõi quá trình xét xử qua màn hình truyền từ phòng xử án A.

Sẽ có 200 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho các bị hại. HĐXX cũng đã triệu tập hơn 2.400 người liên quan, gồm: Nhóm người là các cá nhân thuộc nhóm cán bộ SCB (316 người), nhóm người liên quan là các cá nhân đứng tên công ty, đứng tên vay và đứng tên các tài sản thế chấp tại SCB để thực hiện việc nộp, rút tiền (1153 người), nhóm người liên quan là các pháp nhân thuộc nhóm đứng tên vay tiền, nhận tiền tại SCB (692 người), nhóm người liên quan là các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước (42 người) và nhóm người liên quan khác (201 người).

HĐXX cũng quyết định triệu tập một số người phiên dịch do bị cáo Chu Nap Kee Eric (chồng bà Trương Mỹ Lan) có quốc tịch Trung Quốc.

Bị hại trong vụ án là SCB và bị cáo Trương Mỹ Lan. Trong đó, bà Lan là bị hại liên quan đến hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của ông Nguyễn Cao Trí (cũng là bị cáo) với hành vi chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng.

Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan sẽ có 5 luật sư bào chữa gồm: Phan Trung Hoài, Phan Minh Hoàng, Nguyễn Huy Thiệp, Giang Hồng Thanh và Trương Thanh Đức.

Nguồn tin cho biết, theo HĐXX, tại phiên tòa hôm nay, HĐXX sẽ xét xử 86 bị cáo, trong đó có 5 người đang bỏ trốn sẽ bị xét xử vắng mặt. Những người này đều có luật sư bào chữa.

Các bị cáo bị xét xử vắng mặt, gồm: Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB). Theo cáo trạng, từ năm 2009, ông Thành làm việc tại Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (một trong 3 ngân hàng tiền thân của SCB). Sau đó, ông Thành trải qua các vị trí: Phó Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đệ Nhất; Thành viên HĐQT, Phó chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐQT SCB.

4 bị cáo bị xét xử vắng mặt còn lại là về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Trong số đó, bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) gây thiệt hại cho SCB gần 7.000 tỷ đồng. Bị cáo Trầm Thích Tồn (cựu thành viên HĐQT SCB), gây thiệt hại cho SCB hơn 7.100 tỷ đồng. Bị cáo Chiêm Minh Dũng (cựu Phó Tổng giám đốc SCB) gây thiệt hại hơn 140.000 tỷ đồng và Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành của SCB) gây thiệt hại hơn 3.700 tỷ đồng.

Chánh Văn phòng Phạm Ngọc Duy lưu ý do vụ án có nhiều bị cáo nên người tham dự phiên tòa hạn chế thấp nhất sử dụng ô tô. Người dân tránh tập trung trước trụ sở tòa án để tránh ảnh hưởng đến giao thông.

Bắt đầu giai đoạn một của vụ án

Thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, đại diện TAND TP.HCM cho biết vụ án sẽ có 2 giai đoạn giải quyết, phiên tòa này thuộc giai đoạn 1 của vụ án.

Theo đó, trong giai đoạn này tập trung điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo liên quan đến các hành vi tham ô tài sản; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ... để tập trung thu hồi tài sản, làm tiền đề giải quyết cho giai đoạn 2 của vụ án là các sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

An ninh được thắt chặt trước phiên tòa. Ảnh: Tiền phong.

Thông tin về tình trạng sức khỏe của bị cáo Trương Mỹ Lan trước ngày ra toàn, LS Giang Hồng Thanh (một trong năm LS bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan) cho biết trước khi bị bắt, bà Trương Mỹ Lan mắc các bệnh của người lớn tuổi như huyết áp, tiểu đường, loãng xương, mỡ máu cao và đau dạ dày, mỗi ngày phải dùng gần 10 loại thuốc khác nhau. Mỗi tháng 2-3 lần, các LS sẽ gửi thuốc cho bà Lan. Đến thời điểm phiên tòa chuẩn bị diễn ra, sức khỏe bà Lan rất tốt, tinh thần ổn định, vững vàng; trí nhớ không thuyên giảm. Quá trình điều tra, các cơ sở giam giữ đã quan tâm, chăm sóc, đối xử nhân đạo, bình đẳng đối với thân chủ của ông.

"Hàng trăm dự án, hàng trăm sự kiện, nhân vật được bà Lan nhớ vanh vách. Trong suốt thời gian bị tạm giam, trí nhớ của bà Lan hầu như vẫn không thuyên giảm. Điều đó càng cho thấy sự ổn định về cả thể trạng lẫn tinh thần của bà Lan” - LS Thanh cho biết.

Cũng theo LS Thanh, quá trình điều tra, bà Lan đã cung cấp những thông tin mà bà cho là đầy đủ, chính xác, phản ánh đúng bản chất sự việc. Các cơ quan tố tụng đã nỗ lực rất lớn để tổng hợp được một khối lượng hồ sơ lớn nhất từ trước đến nay. Hồ sơ này không chỉ nhằm mục đích buộc tội bà Lan mà còn có thể được sử dụng để làm giảm nhẹ trách nhiệm cho bà Lan, giúp cho bà Lan lấy lại được nhiều tài sản có giá trị rất lớn..

Hồ sơ liên quan đến vụ án được lưu giữ tại một phòng riêng với hệ thống điều hoà hoạt động liên tục. Đây là vụ án có hồ sơ "khủng", với khoảng 1 triệu bút lục, 2.500 tập tài liệu đựng trong 104 thùng hồ sơ, nặng khoảng 6 tấn. TAND TP.HCM cũng đã chuẩn bị một phòng riêng với đủ trang thiết bị PCCC, camera an ninh, để luật sư , người liên quan sao chụp hồ sơ, tài liệu.

Theo hồ sơ, bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại 193.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cáo trạng cho biết đến nay bà Lan chưa nộp tiền khắc phục hậu quả. Chồng bà Lan là bị cáo Chu Lập Cơ đã tạm nộp số tiền 1 tỷ đồng.

Bảo An (T/h)

Tin nổi bật