Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ án mạng ở Quảng Ngãi: Làm rõ trách nhiệm tổ chức liên quan đến hoà giải

  • Thục Hiền (T/h)
(DS&PL) -

Ngoài việc phải xử lý nghiêm minh với đối tượng gây án, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức có liên quan đến công tác hòa giải.

Báo Pháp luật TP.HCM thông tin, theo Công an tỉnh Quảng Ngãi, khoảng 6h30 ngày 19/6, tại thôn 4, xã Nghĩa Dõng xảy ra 1 vụ giết người làm 2 vợ chồng ông L.H.T. (45 tuổi) và bà P.T.P. (42 tuổi) chết tại chỗ.

Hai con của vợ chồng ông T là L.H.N.Y. (sinh năm 2018) và L.H.C.N. (sinh năm 2020) bị đa chấn thương, được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Nơi xảy ra vụ án mạng. Ảnh: Thanh Niên

Ngay sau khi vụ án xảy ra, Công an tỉnh Quảng Ngãi và Công an TP.Quảng Ngãi đã triển khai lực lượng, bắt giữ đối tượng gây án đang ẩn náu tại vườn nhà ông T là Lê Đình Thuyết (57 tuổi, quê quán xã Nghĩa Dõng, TP.Quảng Ngãi; nơi cư trú và ở hiện nay xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Theo điều tra ban đầu, nghi phạm Lê Đình Thuyết là cháu ruột của cha ông T, có quan hệ anh em chú bác ruột với nạn nhân T.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai giữa gia đình ông T và gia đình ông Thuyết từ trước nên ông Thuyết có ý định báo thù.

Ngày 18/6, ông Thuyết từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về TP.Quảng Ngãi chuẩn bị sẵn 1 con dao. Đến 21h cùng ngày, ông Thuyết đột nhập vào vườn nhà ông T và ẩn nấp trong vườn chờ đến sáng hôm sau để gây ra vụ thảm sát trên.

Chia sẻ trên báo Phụ nữ Việt Nam, Ts. Ls. Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) cho rằng, khi tranh chấp về dân sự không được giải quyết kịp thời, đương sự côn đồ, hung hãn, ý thức coi thường pháp luật, bế tắc ích kỷ thì án mạng có thể xảy ra, không ít những vụ án mạng thương tâm chỉ vì tranh chấp đất đai không được giải quyết kịp thời, công bằng, đúng pháp luật.

Vì tranh chấp đất đai mà sát hại người khác là câu chuyện không hiếm xảy ra ở Việt Nam những năm qua. Đối tượng thực hiện hành vi giết người thường là những đối tượng có bản tính côn đồ, thô lỗ, coi thường pháp luật hoặc những đối tượng có tính ích kỷ cao, nhận thức hạn chế, thiếu kỹ năng sống, bế tắc trong việc việc lựa chọn hướng giải quyết tranh chấp nên đã lựa chọn hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến tính mạng của nạn nhân để trả thù.

Trong vụ việc này, bước đầu cơ quan điều tra xác định nguyên nhân sự việc là do tranh chấp đất đai, đối tượng thủ tức nạn nhân nên đã tìm cách sát hại nạn nhân để trả thù. Đối tượng hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác, do ích kỷ cao độ, muốn tranh giành tài sản với người khác nên đã ra tay sát hại nhiều nạn nhân. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ diễn biến tâm lý và hành vi phạm tội, làm rõ hậu quả mà đối tượng này đã gây ra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nghi phạm lúc bị bắt giữ. Ảnh: Người Lao Động

Ông Cường nhận định, đối tượng này sẽ bị khởi tố về tội giết người theo quy định tại Điều 123 bộ luật hình sự với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Hành vi có tính chất côn đồ, giết từ 02 người trở lên, phạm tội với người dưới 16 tuổi… nên đối tượng phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. 

Làm rõ trách nhiệm của cơ quan tổ chức có liên quan đến công tác hòa giải

"Vụ án này lại một lần nữa cho thấy chỉ vì ích kỷ và ý thức coi thường pháp luật, vì thiếu kỹ năng sống, không quản lý được cảm xúc mà khi tranh chấp dân sự không được giải quyết kịp thời, hoặc giải quyết không thỏa đáng mà anh em cũng có thể trở thành kẻ thù, đối tượng bế tắc, cùng quẫn dẫn đến làm liều, thực hiện hành vi thảm sát gia đình người em họ, gây hoang mang trong dư luận xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng sức khỏe của người khác.

Bởi vậy, ngoài việc phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh với đối tượng gây án thì cơ quan chức năng cũng cần làm rõ nguyên nhân sự việc để thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, đặc biệt là làm tốt công tác hòa giải cơ sở, nắm bắt tâm lý của đương sự trong các vụ án dân sự để có những tác động tâm lý kịp thời, giải quyết nhanh chóng các vụ việc dân sự, tránh vụ việc kéo dài, đường sự bức xúc, bế tắc dẫn đến làm liều.

Khi những vụ việc tranh chấp dân sự trở thành những vụ án mạng thì cũng cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan tổ chức có liên quan đến công tác hòa giải, giải quyết tranh chấp. Trường hợp xác định đã có những hành vi thiếu trách nhiệm, tắc trách trong việc thụ lý giải quyết tranh chấp, trong việc hòa giải cơ sở, hòa giải đối thoại vụ việc dân sự thì cần phải xem xét rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm minh để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra", ông Cường nói.

Tin nổi bật