Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ án Đinh La Thăng: Nhận trách nhiệm người đứng đầu phải đi kèm xử lý trách nhiệm

(DS&PL) -

Việc ông Đinh La Thăng liên tục nhận trách nhiệm người đứng đầu trong những ngày xét xử vừa qua tại tòa là tín hiệu đáng lo hay đáng mừng? Nhận trách nhiệm người đứng đầu

Việc ông Đinh La Thăng liên tục nhận trách nhiệm người đứng đầu trong những ngày xét xử vừa qua tại tòa là tín hiệu đáng lo hay đáng mừng? Nhận trách nhiệm người đứng đầu là tránh liên lụy cho cấp dưới hay có khó khăn trong việc làm rõ những khuất tất phía sau vụ án? PV đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

PV: Trong kết luận điều tra cáo buộc ông gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN tại OceanBank, cơ quan điều tra cho rằng ông khai báo chưa thành khẩn, né tránh trách nhiệm. Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm đang diễn ra tại Hà Nội, ông Đinh La Thăng liên tục nhận trách nhiệm người đứng đầu và xin cho cấp dưới. Ông nhìn nhận thế nào về việc này?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Về lời khai với cơ quan điều tra, tôi nghĩ lúc đầu có thể tâm lý lo sợ nên tìm mọi cách để hợp thức hóa, gọi điện chỗ này chỗ kia để che giấu sai phạm. Con người đang có cương vị xã hội cao thì cố gắng bảo vệ bản thân, danh tiếng gia đình, mong nhẹ tội là tâm lý bình thường. Nhưng cơ quan điều tra có đủ chứng cứ, chắc chắn việc làm sai phạm, dù có làm gì khác hơn cũng khó lọt qua mắt cơ quan điều tra.

Việc ông Đinh La Thăng nhìn nhận trách nhiệm người đứng đầu là đương nhiên, nếu không nhìn nhận thì cơ quan điều tra cũng sẽ có đủ chứng cứ để buộc tội. Nếu nhìn nhận ra thì sẽ có cơ sở để giảm nhẹ tội.

Bị can Đinh La Thăng tại tòa. Ảnh: TTXVN.

PV: Trách nhiệm người đứng đầu được nhìn nhận nhưng dư luận không chỉ mong muốn về việc nhận ra trách nhiệm với những vụ án lớn như vậy?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Sai phạm của ông Đinh La Thăng, bản thân ông Thăng chắc hẳn cũng nhận thấy rõ. Thừa nhận trách nhiệm là một chuyện nhưng tôi tin rằng, cử tri và nhân dân cả nước sẽ quan tâm đến việc, sau khi nhận trách nhiệm, tài sản của Nhà nước bị thất thoát thu hồi lại được bao nhiêu. Tôi rất quan tâm đến vấn đề tài sản đã mất, thu hồi như thế nào? Trách nhiệm của những cá nhân sai phạm ngoài ông Thăng?

Nhận trách nhiệm là một việc nhưng khắc phục trách nhiệm đó bằng vật chất cũng rất quan trọng. Thời gian qua, chúng ta đã xét xử nhiều đại án nhưng tài sản thu hồi theo báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao báo cáo trước Quốc hội thì thu hồi không được bao nhiêu. Mong muốn chính đáng của cử tri ở những vụ án tham nhũng là thu hồi được tài sản của Nhà nước đã thất thoát.

Ông Thăng nhận trách nhiệm nhưng cũng không phải là câu chuyện “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Nhận trách nhiệm nhưng không phải đã là giảm được án. Nhận ra sai lầm, trách nhiệm cũng là một dấu hiệu tốt. Nhưng khắc phục như thế nào, đó mới là điều cần quan tâm.

Nhìn nhận trách nhiệm trước tòa là tốt nhưng khắc phục, làm sai thất thoát tài sản Nhà nước thì cần làm rõ, có bao nhiêu tiền hoa hồng, chi sai. Việc làm rõ này để định tội rõ ràng, thu hồi được tài sản trả về cho Nhà nước. Như vậy cũng để giảm nhẹ hình phạt. Trách nhiệm người đứng đầu là đương nhiên nhưng có tội thì vẫn phải chịu hình phạt của luật pháp. Dù là ai, nếu có ý thức về việc thu vén lợi ích cá nhân cho gia đình là không được.

PV: Nhận trách nhiệm người đứng đầu của ông Đinh La Thăng cũng sẽ không ảnh hưởng đến việc làm rõ những khuất tất phía sau vụ án này?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Tôi nghĩ rằng, nhận không có nghĩa là thuộc cấp không có trách nhiệm. Tòa vẫn sẽ làm rõ trách nhiệm và sai phạm của các cá nhân khác, không riêng gì ông Đinh La Thăng. Những khuất tất của vụ án này không phụ thuộc vào việc ông Đinh La Thăng nhận trách nhiệm người đứng đầu.

Trách nhiệm của ai, ở mức độ nào, trách nhiệm chính hay trách nhiệm phụ trong từng sai phạm cụ thể, tòa án sẽ phán quyết công bằng. Một mình ông Thăng đâu thể vá trời. Thuộc cấp sẽ có những đội ngũ tham mưu. Tham gia một đại án như vậy, những người có liên quan cũng có trách nhiệm liên đới.

Cấp dưới luôn thừa hành lệnh cấp trên nhưng không có nghĩa là cấp trên làm sai thì cấp dưới cũng làm theo. Phải biết chỉ đạo đúng hay sai, biết sai vẫn cố tình a dua cùng chỉ đạo, đó là nịnh bợ, cùng làm chuyện trái quy định. A dua, nịnh nọt, bợ đỡ cấp trên tiêu hao tài sản Nhà nước trong đó có quyền lợi riêng tư của cá nhân mình thì mới dám làm. Còn nếu không có quyền lợi riêng tư thì sẵn sàng báo cáo, hoặc xin nghỉ việc rồi. Cả ngàn tỷ đồng chứ không phải là vài ba chục triệu. Nếu liêm khiết, chính trực thì chỉ một vài chục triệu cũng phải đắn đo và suy nghĩ rất nhiều.

Tôi đồng ý cấp dưới làm theo lệnh cấp trên, nhưng lệnh sai hoàn toàn, trái pháp luật, thất thoát tài sản Nhà nước, có khả năng vào vòng lao lý vẫn làm thì phải xem cả trách nhiệm của cấp dưới. Phải chăng đây là một bè lợi ích nhóm để cộng hưởng?

Họ đều là những con người có học thức, nhận thức xã hội tốt, rõ ràng, nếu xem xét trách nhiệm qua việc thừa lệnh cấp trên thì làm sao chấp nhận được.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

P.Thu

Tin nổi bật