Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thông tin trên Sức khỏe & Đời sống, rất nhiều vấn đề được đặt ra liên quan đến bạo lực trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động không phép.
"Cho nên bây giờ sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố phải rà soát lại, kiểm tra lại tất cả các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động không đăng ký, không được cấp phép để đình chỉ", ông Nam nói.
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, về lâu dài thì xem xét lại quy hoạch các hạ tầng xã hội ở các khu đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất. Chính vì thiếu hạ tầng xã hội trong đó có cơ sở mầm non cho nên người lao động, đặc biệt là những lao động nhập cư không biết gửi con ở đâu.
Họ đi làm thì buộc phải họ đưa con vào những cơ sở giáo dục không đảm bảo chất lượng và không phép dẫn đến vụ việc trẻ em bị bạo hành gây hậu quả đáng tiếc đã xảy ra. Như vậy, địa phương, Ban quản lý Các khu công nghiệp có trách nhiệm kiểm tra và tạo điều kiện để chăm sóc con em của người lao động.
Vấn đề tiếp theo được lãnh đạo Cục Trẻ em nêu ra là lỗ hổng kiến thức, kỹ năng về chăm sóc trẻ em của các bậc làm cha mẹ.
Đối tượng Nguyễn Thị Lành và Nguyễn Thị An tại cơ quan công an. (Ảnh: Công an)
Người đứng đầu Cục Trẻ em cũng nhấn mạnh, các cơ sở hoạt động không phép, không đủ điều kiện mà vẫn hoạt động thì rất có nguy cơ cao trẻ em bị bạo hành, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non trông giữ trẻ. Vì thế, cần phải thanh kiểm tra thường xuyên các cơ sở trông giữ trẻ, chăm sóc trẻ, giáo dục trẻ để đảm bảo các điều kiện; vì trẻ càng nhỏ thì không nói được, không có kỹ năng để bảo vệ.
Ngoài ra nên khuyến khích các cơ sở giáo dục lắp camera để cha mẹ, phụ huynh, cơ quan chức năng có thể theo dõi, phát hiện sự việc kịp thời.
Trước đó, theo Tiền phong, vào ngày 5/3, Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) đã khởi tố bị can Nguyễn Thị An (SN 1993) và Nguyễn Thị Lành (SN 1994, cùng trú tại thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội) để điều tra về vụ việc bé trai P.T.Đ (SN 2021, trú tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) tử vong sau khi cháu được gửi giữ tại cơ sở trông giữ trẻ có hai bảo mẫu này.
Theo lời khai ban đầu của hai đối tượng, sáng 23/2, An và Lành đưa trẻ vào buồng ngủ thì thấy cháu Đ. chạy ra ngoài cửa khóc.
Do bực tức, Lành bế cháu bé lên ném xuống nền nhà trải thảm, An đánh đập vào mặt, bụng, ngực… cháu Đ. Đến chiều cùng ngày, khi gia đình đến đón cháu bé, các đối tượng nói dối cháu bé bị ngã.
Ngày 26/2, cháu Đ. tiếp tục khóc nên bị An dùng chân đạp vào bụng dẫn đến bất tỉnh. Lúc này, An thông báo cho gia đình đến và cùng đưa cháu đi cấp cứu rồi chuyển lên bệnh viện tuyến trên.
Ngày 1/3, cháu Đ. được trả về gia đình và tử vong sau đó. Kết quả pháp y sơ bộ xác định nguyên nhân tử vong của cháu bé là do chấn thương sọ não, chảy máu não, phù não.
Hiện, vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ.
Việt Hương (T/h)