Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Võ sư chữa bệnh hiểm nghèo và “cảm hóa” giang hồ

(DS&PL) -

Xuyên suốt 50 năm theo nghề võ, võ sư, lương y Phạm Xuân Việt canh cánh tâm niệm “trong võ có văn”, “dùng võ thuật để cứu người, phục thiện”.

Xuyên suốt 50 năm theo nghề võ, võ sư, lương y Phạm Xuân Việt canh cánh tâm niệm “trong võ có văn”, “dùng võ thuật để cứu người, phục thiện”. Trăn trở ấy luôn được ông thắp sáng trong mỗi giờ dạy võ cho nhiều môn sinh từng là những “con ngựa bất kham” của xã hội. Ngoài là một võ sư có tâm có tầm, ông còn là lương y sở hữu nhiều bí thuật giải tử huyệt, bốc thuốc chữa bệnh nan y.

Cao thủ phố núi

Phải ly hương khi chưa đầy 10 tuổi, võ sư, lương y Phạm Xuân Việt (SN 1943, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) ít nhiều choáng ngợp trước sự xa lạ của Sài Gòn những năm 1950. Thế nhưng, ở tuổi ăn, tuổi chơi, mọi điều mới lạ nơi đất khách đều không thể thu hút ông bằng võ thuật. Năm 12 tuổi, khi Nhu đạo đặt chân vào Sài Gòn, Phạm Xuân Việt một mực đòi cha mẹ cho theo học. Được thỏa lòng, ông lao vào chế độ luyện tập khắc nghiệt của võ học sau những giờ học văn hóa. Và rồi, sau 8 năm, ngay sau khi tốt nghiệp “tú tài toàn”, Phạm Xuân Việt chính thức trở thành võ sư nhu đạo.

“Lúc còn trẻ, tôi mê võ vô cùng. Đến nay, đã 76, 77 tuổi rồi mà niềm đam mê đó vẫn chưa lúc nào vơi, cạn. Tôi mê võ thuật hơn bất kể thứ gì nên sau khi có bằng tú tài, gia đình tôi chuyển lên TP.Đà Lạt sinh sống, tôi không đi xin việc mà mở võ quán dạy Nhu đạo. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ là sẽ truyền lại những gì mình đã được học trong suốt 8 năm cho những người cùng đam mê. Tôi nhớ đó là những năm 1963. Khi đó, tôi mới 20 tuổi. Tuy nhiên, con đường võ học mênh mông, khi nghe Taekwondo du nhập vào nước ta, tôi quyết định đi học môn này”, võ sư, lương y Phạm Xuân Việt cho biết.

Do mới du nhập, Taekwondo mang theo những tinh túy cùng nhiều giáo trình khổ luyện đến với các môn sinh Việt Nam. Võ sư Việt cho biết: “Lúc ấy, các thầy người Hàn Quốc dạy chúng tôi rất bài bản, tuân theo các giáo trình một cách nghiêm ngặt. Mỗi ngày, chúng tôi phải học 8 tiếng, khi về còn phải tự luyện thêm. Lúc này, chúng tôi cũng được đào tạo về y thuật như cách giải các tử huyệt, bài thuốc cứu người bí truyền của môn phái,...”. Sau 2 năm ròng rã khổ luyện, ông “tốt nghiệp” huyền đai nhị đẳng Taekwondo.

Không dừng ở đó, khi Thiếu lâm được nhiều người theo đuổi, võ sữ Xuân Việt mặc dù đã có trong tay hai tấm bằng võ sư của Nhu đạo và Taekwondo cũng quyết định khám phá môn võ mới. “Tôi theo Thiếu lâm không được bao lâu, chủ yếu là để học nghề thuốc. Thế nhưng, ngày ấy, các thầy học được 10 chỉ truyền dạy lại 1 hoặc 2 phần. Những môn sinh như chúng tôi phải tự mày mò, ghi nhớ. Thậm chí học lỏm từng bước một, học được bao nhiêu hay bấy nhiêu”, võ sư Việt chia sẻ.

Ông tự hào giới thiệu kỷ niệm khi đạt huyền đai đệ bát đẳng Taekwondo.

Trên bước đường võ học của mình, mặc dù thành danh khi còn rất trẻ, Phạm Xuân Việt luôn chọn cách sống khiêm nhường, kiệm lời. Thế nhưng, sự khiêm nhường của bậc cao thủ võ học vẫn không tránh khỏi tính hơn thua, võ biền của nhiều cao thủ giang hồ. Đặc biệt, khi chưa đầy 30 tuổi, sáng tạo ông môn phái riêng với tên gọi Nhị thập cửu (võ tự do-PV) dựa trên những tinh hoa nhiều môn phái cùng kinh nghiệm bản thân. Nhị thập cửu giúp người học tự tin hơn cũng như dẻo dai và thực tế hơn. Giới võ học thừa nhận bộ môn này hỗ trợ các bộ môn võ thuật khác rất nhiều.

Những thành công đó khiến ông phải đối mặt với sự ghen tỵ, tính hơn thua của nhiều cao thủ giang hồ. Ông nhớ lại: “Có một lần, một cao thủ xuất thân từ đất võ Bình Định đến tận nhà tìm tôi. Không gõ cửa, người này xông thẳng vào nhà nói: “Tôi nghe tiếng thầy võ hay nên đến thụ giáo. Tôi nghĩ võ thuật là vô bờ, không bao giờ nghĩ đến chuyện hơn thua, cao thấp. Hơn thua, cao thấp theo cách này quá võ biền và làm lu mờ giá trị võ thuật, tinh thần thượng võ. Tuy nhiên, người này bất chấp những lời giải thích, quyết đấu để phân định thắng thua”.

Võ thuật, y đức “cảm hóa” giang hồ

Không còn đường lui, ông chấp nhận lời thách đấu theo cách của mình. Ông nói: “Tôi giải thích với người ấy rằng tranh giành hơn, thua bằng nắm đấm không được gì cả. Tôi luôn quan niệm, học võ không phải để so bì cao thấp, để đánh nhau một cách võ biền như vậy. Nhưng nếu thầy cứ khăng khăng so tài, tôi xin đặt ra thử thách sau”. “Nói xong, tôi gọi người đem ra 30 viên gạch, 8 miếng ván, mỗi miếng dày 8 phân”.

“Chỉ với một cú đấm, nếu thầy đấm nát 30 viên gạch chồng lên nhau này, tôi xin thua. Hoặc chỉ với một cú đá, thầy đá nát 8 miếng ván chồng lên nhau này, tôi cũng xin thua”, võ sư Việt kể lại.

Sau ít phút đăm chiêu, kẻ thách đấu vẫn không thể đưa ra quyết định. Lúc này, ông từ từ tiến lên, vận khí, nhẹ nhàng vụt tay xuống chồng gạch. Như lực từ chiếc búa ngàn cân, 30 viên gạch nát vụn. Tiếp đến, ông yêu cầu người nhà chồng ván, đưa lên cao. Chỉ bằng một cước đơn giản, ông đá gẫy nát 8 miếng ván dày chồng lên nhau.Trong ánh mắt đầy kinh ngạc, kẻ thách đấu cúi đầu, từ từ lui ra ngoài. Sau trận giao đấu bất đắc dĩ, Phạm Xuân Việt tiếp tục vang danh. Ông liên tiếp thắng lợi khi đưa môn sinh đi thượng đài ở các giải võ thuật trong nước lẫn nước ngoài.

Gần đây nhất, ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn quyết định thi đấu lên đai cao cấp trong môn phái Taekwondo. Trong lần thi đấu này, ông chinh phục thành công Bát đẳng huyền đai. Đến thời điểm này, ông trở thành người Việt Nam thứ 2 sở hữu Bát đẳng huyền đai của môn phái Taekwondo. Xuyên suốt con đường võ học, võ sư Phạm Xuân Việt luôn quan niệm học võ là để cứu người. Do đó, nghề võ và nghề thuốc phải song hành với nhau. Ông nói: “Khi còn theo học Taekwondo, tôi được các thầy hướng dẫn rất nhiều tuyệt kỹ để giải tử huyệt. Các tuyệt kỹ này phần lớn là để cấp cứu những người không may bị đánh trúng các huyệt đạo quan trọng”.

“Trúng các huyệt này nếu không được giải, nạn nhân có thể chết tức khắc, chết trong vài giờ, vài ngày, vài tháng,... Học võ là để cứu người, tôi biết giải huyệt nhưng chưa đủ, giải xong huyệt phải có thuốc cho họ uống. Thêm nữa, võ thuật thì không thể không có thuốc. Học võ mà không biết y thuật sẽ để lại hậu họa. Dễ nhận thấy nhất là khi tập luyện, người luyện thường bị tổn thương, không có thuốc sau này sinh bệnh. Vì thế mà tôi chú tâm theo học nghề thuốc”, võ sư Việt chia sẻ.

Theo học nhiều thầy giỏi, ông vẫn quan niệm nếu học nghề thuốc không theo đúng hệ thống, khoa học thì còn nguy hiểm hơn người không học. Do đó, ông quyết định học lại từ đầu bằng việc tham gia các khóa học y thuật cổ truyền. Sau khi trở thành lương y đa khoa, thuộc ban chấp hành Hội Đông y TP. Đà Lạt, ông vẫn không ngừng nghiên cứu, bào chế các bài thuốc bí truyền. Khi làm thuốc, ông trực tiếp thử thuốc trên cơ thể mình, sau đó mới thử trên các thành viên trong gia đình. Có hiệu quả, ông mới giới thiệu hoặc áp dụng vào việc chữa trị cho bệnh nhân.

Đến nay, ở tuổi 77, ông vẫn chưa bao giờ có ý định ngừng nghỉ trên con đường võ thuật. Các lớp võ thuật của ông vẫn đông đảo môn sinh từ trẻ em, thanh niên đến người cao tuổi. Cũng chính từ những lớp học võ thuật này, ông đã nhiều lần cảm hóa, cải tạo các thành phần bất hảo. Người địa phương cho biết, trong các lớp võ của ông có nhiều thành phần theo học. Trong đó, không ít người là thành phần bất hảo trong xã hội như trộm cướp, du côn, đại ca giang hồ,...

Ông quan niệm: “Con ngựa bất kham khi mình khuất phục được thì nó rất ngoan và có nhiều lợi ích cho xã hội. Nếu xã hội càng xa lánh, càng coi kinh thành phần bất hảo thì họ càng oán hận, càng làm liều. Khi tôi nhận dạy những người là đầu băng cướp giật, móc túi, du đãng, ... nhiều người đánh giá tôi vì điều này, điều kia mà nhận học trò không chọn lọc. Tôi cũng không để ý. Tôi chỉ cố gắng cảm hóa, cải tạo họ bằng chân tình, tinh thần thượng võ. Thế mà có nhiều đứa tự biết sai mà sửa, từ bỏ đường tối. Mới nhất là thằng A., đầu đảng một nhóm chuyên cướp giật. Học với tôi hai năm, nó tự giải tán nhóm cướp của mình, lo làm ăn. Hiện nay, vào những ngày lễ, nó đều đến thăm tôi, tình cảm nhiều khi còn tốt đẹp hơn những học trò bình thường”.

Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, lương y, võ sư Phạm Xuân Việt là võ sư huyền đai đệ bát đẳng Taekwondo duy nhất của tỉnh Lâm Đồng. Hiện, ông vẫn được tín nhiệm giữ các chức vụ Trưởng bộ môn võ tự do của Liên đoàn Võ thuật tỉnh, Chủ tịch bộ môn Pencak Silat của tỉnh. Ông cũng được nhà nước tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp Thể dục thể thao, kỷ niệm chương vì sự nghiệp Đông y,...

N. Ngọc

Bài đăng trên ấn phẩm Hôn nhân & Pháp luật số 97

Tin nổi bật