Có lòng tin tưởng vào người chồng đầu gối tay ấp chẳng có gì sai, nhưng lòng người thiện biến. Chị em cần lưu tâm những thay đổi bất thường ở chồng, dù nhỏ nhất.
Phần lớn đàn ông kiếm tiền tốt hơn phụ nữ nhưng luôn giao "tay hòm chìa khóa" cho vợ. Các bà vợ là những người thạo về chi tiêu, nắm giá cả các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu, thậm chí cả lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng nào cao hơn.
Thế nhưng câu chuyện mà cô vợ trẻ Y.L mới đăng trên mạng gần đây là một lời cảnh tỉnh cho các chị em cần cẩn thận trước những ma chiêu của chồng mình, bởi đó có thể là dấu hiệu rạn nứt gia đình.
Phần chia sẻ đầy bức xúc có nguyên văn như sau:
Phần chia sẻ gây bức xúc của Y.L |
"Điên quá các chị ạ. Em đang ở cữ mà khóc suốt đêm qua tới nỗi mất sữa luôn rồi. Em càng nghĩ càng uất ức, thấy đau đớn và phẫn nộ với thằng chồng mình.
Chuyện là trước giờ em vẫn giữ tiền nhà. Chồng em lương được 30 triệu đồng/tháng. Em thì xác định dành thời gian cho gia đình và con cái nên chỉ làm việc văn phòng lương được chục triệu thôi. Nó cũng bảo không cần em phải bươn chải, cứ nhà cửa ấm êm, cơm lành canh ngọt là được. Nó bảo dù em thu nhập thấp hơn nhưng em thích tiêu gì cứ tiêu, mua quà cho bố mẹ thì chú ý hai bên như nhau là được.
Em tự hào vì chồng tâm lý lắm. Ai ngờ lúc sinh con được 1 tháng, em về ngoại ở cữ thì sinh chuyện. Lúc đầu em về nó nhớ vợ nhớ con gọi suốt, thúc giục em lên. Thật không may, thằng bé con ốm suốt, mà nhà ngoại cách nhà vợ chồng em 300km nên em chẳng dám liều mang con về. Ông bà nội thì đi nước ngoài thăm vợ chồng con trai cả. Em về nhà cũng chẳng ai đỡ đần cho nên cứ lần lữa không quay về.
Lúc con được 4 tháng thì sổ tiết kiệm đến hạn. Em thông thạo giá cả thị trường lắm, lúc nào em cũng chọn ngân hàng có ưu đãi cao để gửi. Với 500 triệu đồng của vợ chồng em, chọn chỗ tốt cũng chênh được kha khá ấy chứ. Thế mà lần này đột nhiên nó đòi: 'Sổ hết hạn chuyển về tài khoản của anh, anh có chỗ gửi lãi cao hơn'. Em thắc mắc hỏi ngân hàng nào thì nó gắt loạn lên, bảo em thích kiểm soát chồng.
Đến lúc em giận thì nó quay ra bảo em làm gì khuất tất, đưa tiền cho ai rồi nên không dám trả lại cho chồng. Em giận quá không thèm nghe máy, không nhắn tin. Em tâm sự với mẹ thì mẹ em cười bảo: 'Chắc nó thấy con về đây nên sợ con đưa tiền cho bố mẹ tiêu'. Em không tin nổi nên thử liều một phen để thử chồng, ai ngờ nó đùng đùng đòi ly hôn.
Muốn lấy tiền tiết kiệm cho gái không được, chồng Y.L đòi ly hôn. |
Dù em đã chụp sổ tiết kiệm có số tiền rõ ràng, lãi suất cao nhất thị trường nhưng nó bảo em không tôn trọng, tự ý quyết định nên không còn tình nghĩa gì. Không tin nổi những gì nghe thấy, em nhờ mẹ chăm con rồi lặn lội bắt xe về nhà. Đứng trước cửa nhà, em run bần bật khi nghe tiếng nó cười nói hú hí với nhân tình ngay trong nhà.
Ả bồ kia còn ỡm ờ: 'Sao anh bảo chuyển cho em 200 triệu mở cửa hàng mà mãi không chuyển. Đừng có lừa em đấy nhé'. Nó thì bảo đợi Tết dương lịch nhận thưởng kinh doanh rồi đưa vì 'con vợ ghê gớm không chịu chuyển tiền'. Em lao vào cho chúng nó một trận.
Được 1 tuần thì gã nhắn tin xin lỗi rồi bảo em chịu về nhà gã sẽ dứt khoát với con bé kia. Giờ em muốn ly hôn thật nhưng lại tiếc thằng chồng mình nuôi béo mẫm ra bị đứa khác cướp mất các chị ạ. Nghĩ mà hận quá".
Câu chuyện của cô vợ trẻ nhận được nhiều bình luận chia sẻ từ các chị em. Nhiều người bất bình khuyên Y.L ly hôn với người chồng phụ bạc để tìm hạnh phúc mới nhưng cũng có người cho rằng Y.L cũng có lỗi vì xa chồng quá lâu không chịu về. Trách người cũng phải trách mình. Y.L nên cho chồng một cơ hội sửa sai. Chính cô cũng cần dành nhiều thời gian cho chồng hơn thì mới giữ được chồng cho mình, giữ bố cho con.
Tuy nhiên, ngay lập tức có người đã phản bác lại quan điểm này. Phụ nữ chịu khổ mang nặng đẻ đau sinh con mang họ chồng, con ốm đau một mình chăm sóc... vậy mà kiêng quan hệ có mấy tháng chồng đã không chịu nổi, lập tức cặp bồ. Vợ chồng sống với nhau 4 năm, còn bồ mới cặp vài tháng đã không tiếc dọa ly hôn để "cúng" số tiền tiết kiệm cực khổ cho gái. Kiểu đàn ông lăng nhăng như vậy, chị em có chắc muốn chung sống đến hết đời không?
Minh Khôi (T/h)