Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vợ bí thư xã đốt xác chủ nợ: Có người đã chỉ nơi giấu xác

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Gia đình nạn nhân được một nhà ngoại cảm cho biết, xác bà H. ở trong vườn nhà Lê Thị Hường, vợ nguyên bí thư xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

(ĐSPL) - Gia đình nạn nhân được một nhà ngoại cảm cho biết, xác bà H. ở trong vườn nhà Lê Thị Hường, vợ nguyên bí thư xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tội ác xưa nay hiếm
Sáng 22/8/2014, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Lê Thị Hường (40 tuổi, ngụ ấp Liên Sơn, xã Xà Bang, vợ nguyên Bí thư xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) về hai tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt và trộm cắp tài sản. Cách đây chưa lâu, Hường bị bác đơn kháng cáo, tuyên y án tử hình về tội giết người trong một vụ án khác.
Có lẽ, vì đã quá quen với việc ra tòa nên khi đứng sau vành móng ngựa lần này, Hường tỏ ra khá bình thản, không chút sợ hãi. Hường khai Hường chơi thân với bà Dương Thị Thủy Bình H. (SN 1963, nguyên thủ quỹ UBND xã Kim Long). Do mối quan hệ thân thiết, bà H. đã cho Hường mượn hơn 10 triệu đồng. Chiều 14/5/2012, Hường chở bà H. đến nhà mình chơi. Sau một hồi trò chuyện, Hường bắt gà làm để bà H. mang đi cho người quen. Lúc này, Hường nhờ bà H. ra đóng cầu dao bơm nước lên bể chứa để làm lông gà. Do đợi lâu vẫn không thấy nước chảy, Hường đến chỗ đặt cầu dao thì thấy bà H. đã bị điện giật chết. Sợ bị liên lụy, Hường nghĩ đến chuyện đốt xác phi tang.
Vị chủ tọa nhẹ nhàng hỏi: “Bị cáo không sát hại bà H. vậy tại sao lại phải đốt xác phi tang?”. Hương ngẩng đầu đáp: “Bị cáo sợ đi tù?”. Chủ tọa gặng hỏi: “Tại sao bị cáo lại sợ đi tù?”. Hường bình thản trả lời: “Bà H. chết trong nhà bị cáo, bị cáo sợ bị liên lụy”. Chủ tọa ví dụ: “Vậy, nếu lỡ có anh công nhân nào ở nông trường cao su gần đó đi qua bị chết trong vườn, thì bị cáo cũng lo sợ liên lụy, đốt xác?”. Đến lúc này, Hường chỉ biết cúi đầu thinh lặng.
Nhiều người sởn gai ốc khi nghe lời khai lạnh lùng của Hường.
Tất cả mọi người trong khán phòng không khỏi sởn gai ốc khi nghe Hường thuật lại quá trình đốt xác.
Khi nghe Hường khai, vị chủ tọa không kìm được sự ghê sợ: “Hành vi của bị cáo quá tàn nhẫn. Dù sao, bà H. với bị cáo cũng là người quen biết. Thế mà bị cáo lại đốt cháy hết cả cái xác, còn một số mảnh xương vụn cơ quan điều tra cũng chỉ giám định được đó là xương người chứ không xác định được là của ai vì chúng cháy hầu như thành tro hết rồi”. Hường im lặng.
Vị chủ tọa gặng hỏi: “Người ta đốt xác một con vật, con thú hay thậm chí nướng một miếng sườn cũng để lại mùi hôi, mùi mỡ cháy. Thế mà bị cáo đốt xác một người làm sao để che giấu?”. Hường phân trần: “Hố rác nhà bị cáo có sẵn và rất sâu. Bình thường, bị cáo làm gà, làm vịt cũng đốt nên nay đốt xác bà H. không ai để ý”. Bên cạnh đó, Hường cũng khẳng định: “Bị cáo chỉ đốt xác bà H. một mình, không có ai giúp sức”.
Hường thừa nhận, sau khi “thủ tiêu” xác bà H. xong, Hường đã lấy sim điện thoại khuyến mãi, nhờ một em nhỏ nhắn tin cho con của nạn nhân, với mục đích đánh lạc hướng và tránh sự truy tìm bà H. của gia đình và cơ quan chức năng. Cũng trong phiên tòa, Hường còn khai, khi hốt tro cốt đem đổ, phát hiện một chiếc vòng vàng của nạn nhân nên đã lấy đem đi bán với giá 4 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hường còn lấy được một chiếc điện thoại của nạn nhân và bán 1,2 triệu đồng.
Gia đình nạn nhân H. trong phiên tòa.
Quá đau buồn, bố và chồng nạn nhân cũng qua đời
Ngay từ sáng sớm, anh Nguyễn Hải S. (36 tuổi, con trai bà H.) cùng người thân cầm di ảnh của mẹ đến phiên tòa. Anh im lặng, lắng nghe như nuốt từng lời khai của Hường. Thỉnh thoảng, trên đôi mắt anh ứ đầy nước trước những lời khai lạnh lùng của bị cáo.
Giọng run run, anh S. cho biết, từ trước đến nay, anh chưa bao giờ quên lần cuối cùng gặp mẹ. Trưa 14/5/2012, là ngày thứ Hai, anh cùng em trai học trường cao đẳng Du lịch Vũng Tàu cùng mẹ về nhà. Hôm đó, cậu em trai xin mẹ tiền nộp học phí. Do trong nhà không còn tiền nên bà H. bảo, chiều sẽ đến nhà Hường để lấy tiền rồi gửi qua tài khoản.
Chiều hôm đó, đi làm về, không thấy mẹ, anh S. cũng không để ý nhiều. Tuy nhiên, màn đêm buông, mẹ vẫn không về, anh gọi điện thì không liên lạc được. Anh liếc nhìn thì chiếc xe máy của bà H. vẫn còn chỗ cũ nhưng cuốn sổ ghi nợ không có. Trong lòng anh nóng như bị lửa đốt. Anh chạy sang hỏi thì được hàng xóm cho biết mẹ được một người phụ nữ chở đi bằng xe máy từ trưa. Đường cùng, anh đến cơ quan công an trình báo mẹ mất tích.
Gia đình tìm kiếm mãi mà không thấy bà H. nên đành nhờ đến các nhà ngoại cảm, thầy bói. Tuy nhiên, mỗi người “phán” một kiểu nên việc tìm bà H. rơi vào ngõ cụt. Khi gia đình quá mệt mỏi với việc tìm kiếm, anh S. cũng như nhiều người thân trong gia đình thường nằm mơ thấy bà H. kêu cứu. Những giấc mơ cứ lặp đi, lặp lại. Lúc này, có một nhà ngoại cảm xác định, bà H. chết trong vườn của nhà Hường. Tuy nhiên, khi báo cho cơ quan công an, việc tìm kiếm không có hiệu quả.
Cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ án đốt xác phi tang.
Cũng trong lúc này, do quá lo lắng cho vợ nên cha anh S. bỗng dưng đổ bệnh, phải về quê tại tỉnh Nghệ An để tìm thầy chữa trị. Tuy nhiên, do bệnh tình ngày càng nặng, chỉ sau vài tháng, ông ra đi. Riêng ông ngoại của anh cũng vì tiếc thương con gái mà trút hơi thở cuối cùng. “Chỉ trong một thời gian ngắn, gia đình tôi đã phải gánh chịu ba cái tang. Điều ấy chắc chắn không ai có thể thấu hiểu được”, anh S. chia sẻ.
Anh S. còn cho biết, trước đây, anh có thấy trong sổ nợ của bà H. ghi Hường mượn 200 triệu đồng. Sau khi bà H. mất tích, anh có đến hỏi đòi tiền nhưng Hường chối bay, chối biến và khẳng định mình chỉ mượn 12,5 triệu đồng và tìm cách khất nợ. Hường bảo, sợ trả tiền cho anh thì bà H. không đồng ý và sau này sẽ gây mất lòng. Hường hứa sẽ trả tiền ngay khi bà H. trở về.
Anh S. nhớ lại, khi bà H. mất tích khoảng hai ngày thì có một số điện thoại lạ nhắn tin đến với nội dung: “Tí hả! Mẹ có công việc phải đi giải quyết một số chuyện. Mấy anh em đừng có lo. Khi nào xong việc, mẹ sẽ về. Chừng nào xử xong ông Thành và con Thảo, mẹ sẽ về. Đừng cho ai biết mẹ liên lạc với con. Công việc ở nhà con cứ để đó mẹ về lo. Đừng gọi lại cho mẹ. Điện thoại này mẹ mượn”. Ngay sau đó, anh gọi lại vào số điện thoại đó thì không thể liên lạc được. Khi hỏi tổng đài, anh được biết đây là số sim khuyến mãi.
Từ khi bà H. mất tích, điện thoại của bà cũng không thể liên lạc được. Thế nhưng, chừng nửa tháng sau, anh S. gọi vào số điện thoại của mẹ thì có một người đàn ông hành nghề xe ôm đang dùng. Qua tìm hiểu, anh được biết, bà Hường đã bán chiếc điện thoại này cho một cửa hàng với giá 1,2 triệu đồng và sau đó người đàn ông này mua lại. Riêng số nữ trang Hường lấy được còn khá mới. Điều này đồng nghĩa với việc, Hường đã lấy tài sản trước khi đốt xác bà H..
Anh S. cho hay, từ trước đến nay rất mong vụ án mẹ mất tích được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, trong phiên tòa, nghe Hường khai nhận, anh không đồng tình. “Tôi nghĩ, mẹ tôi không thể chết một cách ngẫu nhiên được. Vả lại, việc đốt xác không phải là dễ. Tôi nghĩ, trong việc này còn có người trợ giúp. Tôi mong rằng, sự thật sẽ được phơi bày trong phiên tòa này”, anh S. nói.                                                            
Hoãn tòa, trả hồ sơ tiếp tục điều tra bổ sung
Khi được mời lên lấy ý kiến, anh S. cho rằng vụ án này còn có nhiều tình tiết chưa rõ ràng nên đề nghị hoãn phiên tòa. Sau giờ hội ý, HĐXX nhận định, lời đề nghị của anh S. là có cơ sở. Bản thân HĐXX cũng nhận thấy trong vụ án còn có quá nhiều tình tiết chưa được làm rõ, do đó, tòa quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho cơ quan điều tra tiếp tục điều tra bổ sung.

Tin nổi bật