Hơn 1 tỉ đôi giày dép xuất khẩu tới 45 thị trường đã giúp Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu giày trên thế giới.
Trong 23 tỉ đôi giày thế giới tiêu thụ năm 2017, Việt Nam xuất khẩu hơn 1 tỉ đôi, tiếp tục duy trì vị trí thứ hai (sau Trung Quốc) về cường quốc xuất khẩu giày.
Ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Hiệp hội giày dép, túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết thống kê mới nhất của Tạp chí sản xuất giày dép thế giới năm 2017, Việt Nam tiếp tục xếp vị trí thứ hai trong top 10 nước xuất khẩu giày dép lớn nhất hiện nay, với 1,02 tỉ đôi giày, tương ứng 7,4% sản lượng cung ứng giày dép toàn cầu.
Giữ vị trí đứng đầu vẫn là Trung Quốc, với 9,31 tỉ đôi, chiếm 67,3% sản lượng của 23 tỉ đôi giày mà thế giới đã tiêu thụ trong năm 2017.
Trong 23 tỉ đôi giày thế giới tiêu thụ năm 2017, Việt Nam xuất khẩu hơn 1 tỉ đôi, tiếp tục duy trì vị trí thứ hai (sau Trung Quốc) về cường quốc xuất khẩu giày. Báo Công thương |
Trong khi đó, Mỹ được cho là nước nhập khẩu giày dép lớn nhất, đã nhập 2,34 tỉ đôi giày, chiếm 19,6% thị phần toàn cầu về lượng giày tiêu thụ.
Thị trường Mỹ, Trung Quốc, Đức, Bỉ, Nhật Bản và Anh là nhóm các thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại giày dép xuất khẩu của Việt Nam; trong đó xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm gần 35% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước, đạt gần 4,6 tỷ USD, tăng 14% với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 7,9%, đạt gần 1,04 tỷ USD, tăng 28%; xuất sang thị trường Đức chiếm 6,8%, đạt 895,34 triệu USD, tăng 33,6%; Bỉ đạt 816,89 triệu USD (chiếm 6,2%, tăng 9,8%); Nhật 673,07 triệu USD (tăng 10,5%, chiếm 5,1%); Anh 635,91 triệu USD (tăng 12,9%, chiếm 4,8%).
Các nước EU nói chung tiêu thụ tới 31,5% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam, đạt 4,15 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi sự kiện Brexit bớt nóng, các nhà nhập khẩu Anh cũng đã có thời gian đánh giá tác động và quay lại đặt hàng giày dép của Việt Nam, điều này rất quan trọng bởi Anh là một trong những thị trường lớn của giày dép Việt trong khối EU. Giày dép xuất sang các nước Đông Nam Á rất ít, chỉ chiếm 1,8%, đạt 237,8 triệu USD, tăng 23,3%.
Vũ Đậu (T/h)