Theo báo Dân Trí, trong 2 ngày 13-14/9, Hội thảo quốc tế "Cập nhật xu hướng mới sức khỏe giới tính VNU 2024" do Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Hội Y học giới tính Việt Nam phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược cho biết, y học giới tính được xem là một vấn đề quan trọng trong xã hội hiện đại, bởi nó ảnh hưởng toàn diện tới sức khỏe, an sinh xã hội và xã hội ngày càng cởi mở hơn về lĩnh vực này.
Theo ước tính khu vực Châu Á có khoảng trên 200 triệu người có những đặc điểm khác biệt về xu hướng giới tính.
Trong khi đó, tại Việt Nam, PGS.TS Phạm Xuân Đà, Giám đốc Trung tâm Y Cao, Trường Đại học Y Dược cho biết, có khoảng nửa triệu người Việt có nhu cầu chuyển giới.
Điều "thúc giục" những người này nghĩ đến chuyển giới tính, bao gồm: Cảm nhận sự không phù hợp giữa giới tính mong muốn và cơ thể; không thoải mái tự tin trong cơ thể; trầm cảm, tâm lý chán nán, thất vọng về cơ thể; nắm được các thông tin, kiến thức về hormon và phẫu thuật.
Trong thực tế, nhiều người có nhu cầu chuyển giới đã tự sử dụng các hormon, hoặc sử dụng dịch vụ chuyển giới ở nước ngoài. Không ít các trường hợp gặp các biến chứng, tai biến do sử dụng hormon không có chỉ định, không rõ nguồn gốc.
Chính vì vậy, việc phát triển ngành y học giới tính là rất cần thiết, không chỉ ở khía cạnh chuyên môn chăm sóc sức khỏe mà còn là vấn đề an sinh xã hội, nhân văn, nhân đạo và phù hợp với xu hướng trên toàn thế giới.
GS.TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược cùng các thành viên Ban Tổ chức hội thảo trao quà cho các báo cáo viên. Ảnh: Sức khoẻ & Đời sống
Tại hội thảo, các chuyên gia đã cùng chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận nhằm góp phần củng cố nền móng cho sự nghiệp phát triển kiến thức về các vấn đề liên quan đến y học giới tính phù hợp với xu hướng, giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe giới tính cho người dân Việt Nam. Đặc biệt, qua phân tích thực trạng, kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị về hoàn thiện hành lang pháp lý ở Việt Nam.
Các chuyên gia cũng cung cấp nhiều thông tin cho thấy góc nhìn tổng quan về cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) và nhu cầu về chuyển giới trên thế giới, cũng như tại các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; Phát triển phẫu thuật khẳng định giới tính (GAS) ở Thái Lan; Thúc đẩy bao phủ y tế toàn dân cho chăm sóc khẳng định giới tính; Mô hình phòng khám sức khỏe giới tính;
Chăm sóc toàn diện cho thanh thiếu niên chuyển giới; Sự tham gia của cộng đồng trong việc tiên phong thành lập phòng khám dành cho người chuyển giới đầu tiên ở Châu Á: Bài học từ Thái Lan; Liệu pháp nội tiết khẳng định giới tính cho người chuyển giới; Kỹ thuật liên quan đến phẫu thuật khẳng định giới tính (GAS) và phẫu thuật xác định lại giới tính (SRS)..., báo Sức khoẻ & Đời sống thông tin.