Đóng

Viện Phó Pháp y Tâm thần TW tiết lộ từng nhận thư nặc danh, bị dọa tạt axit cả nhà vì từ chối tiếp tay sai phạm

  • Việt Hương (T/h)
(DS&PL) -

BSCKII, Thầy thuốc ưu tú Phan Kim Thìn, Phó viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương tiết lộ từng đối mặt với áp lực khi nhận thư nặc danh, bị dọa tạt axit cả nhà.

Viện Phó Pháp y Tâm thần TW tiết lộ "sốc"

Công an TP.Hà Nội khám phá đường dây chuyên "chạy" bệnh án tâm thần, hối lộ lãnh đạo, cán bộ y tế xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương.

Quá trình điều tra, cơ quan công an đã khởi tố 40 đối tượng, trong đó có Viện trưởng, Viện phó và nhiều cán bộ của cơ quan y tế này. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng tội phạm hoạt động với thủ đoạn tinh vi, thao túng cán bộ, nhân viên Viện Pháp y tâm thần Trung ương, "hô biến" bệnh viện thành "khách sạn" để tổ chức sử dụng ma túy.

Trước vụ án, BSCK2, Thầy thuốc ưu tú Phan Kim Thìn, Phó viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương cho biết trên Dân Việt, từ ngày 17/6, ông trực tiếp được Bộ Y tế điều động từ Phân viện Pháp y tâm thần Bắc Miền Trung ra phụ trách công tác khám, chữa bệnh.

Hiện Viện có 96 bệnh nhân nam, 19 bệnh nhân nữ bắt buộc chữa bệnh, 43 bệnh nhân theo dõi giám định thuộc hình sự, quản lý do cơ quan công an các tỉnh, địa phương trưng cầu.

Ông Thìn cũng thừa nhận, việc “khuyết” nhân lực khiến công tác điều hành Viện Pháp y tâm thần Trung ương gặp muôn vàn khó khăn. Trong đó, thiếu giám định viên, trực tiếp ông phải “gánh” nhiều vai từ quản lý đến khám, chữa bệnh, giám định…

BSCK2, Thầy thuốc ưu tú Phan Kim Thìn, Phó viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương. (Ảnh: Dân Việt)

Ông Phan Kim Thìn chia sẻ thêm trên VTC News, cách đây vài năm ông từng nhận được lá thư nặc danh. Dòng chữ nguệch ngoạc trong thư khiến ông lo lắng: “Tôi biết nhà ông ở đâu, không cẩn thận sáng mai, vợ chồng, con cái rửa mặt bằng axit”.

Lời đe dọa ấy xuất phát từ đối tượng từng nằm trong diện giám định tâm thần, có tiền án và biểu hiện hành vi bất thường. Trước đó, ông Thìn kiên quyết từ chối “giúp đỡ” khi người này tìm cách tiếp cận để tác động vào kết luận giám định. Bất thành, họ chuyển sang đe dọa, tấn công tinh thần.

Từng công tác tại Phân viện Pháp y tâm thần miền Trung, ông Thìn nhiều lần đối mặt với các chiêu trò mua chuộc tinh vi. Những nguy cơ rình rập khiến ông phải trang bị cả dùi cui điện phòng thân mỗi lần di chuyển đến cơ sở điều trị.

Theo ông Thìn, vụ án loạt cán bộ bị khởi tố tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương là hậu quả tất yếu khi hệ thống kiểm soát bị buông lỏng, trong khi các đối tượng phạm tội ngày càng xảo quyệt, có tổ chức. “Chúng không tấn công ồ ạt mà tiếp cận từ từ, từng người, từng khâu. Nếu cán bộ không đủ bản lĩnh và không được bảo vệ, rất dễ ngã gục”, ông nói.

Để chấm dứt vòng lặp mua chuộc - tiếp tay - sai phạm, theo ông cần đồng thời làm ba việc. Một là tuyển chọn, bổ nhiệm người làm giám định dựa trên tiêu chí về năng lực chuyên môn và bản lĩnh chính trị. Hai là thành lập lực lượng chuyên trách có huấn luyện, công cụ hỗ trợ để bảo vệ khu điều trị và giám định. Ba là bịt kín các lỗ hổng pháp lý mà đối tượng có thể lợi dụng để “móc nối” cán bộ trong viện.

Bóc trần thủ đoạn của các đối tượng ở Viện Pháp y tâm thần Trung ương

Theo tin tức trên Dân trí, ngày 1/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã khởi tố bị can với Hoàng Tất Thành (Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc), Lục Thị Thanh Bình (Phó Giám đốc Trung tâm) và Lại Thành Trung (Phó trưởng Khoa Cận lâm sàng, giám định viên Trung tâm) về tội Nhận hối lộ.

Các quyết định này của Công an Hà Nội là kết quả mở rộng điều tra vụ án Đưa, Nhận hối lộ xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương thành phố Hà Nội.

Theo cơ quan chức năng, từ đầu năm, qua móc nối của một số bác sĩ tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương, vợ chồng Nguyễn Thị Mai Anh (46 tuổi, ở Hà Nội) và Lê Văn Đông (tức Đông "Timo") đã làm quen với 3 bị can nêu trên để xin chạy kết luận giám định tâm thần.

Sau đó, Mai Anh đã 2 lần hối lộ cho nhóm cán bộ trên với tổng số tiền khoảng 450 triệu đồng.

Vợ chồng bị can Lê Văn Đông, Nguyễn Thị Mai Anh. (Ảnh: Cơ quan công an)

Sau khi nhận tiền, tại cuộc họp hội đồng giám định, ông Thành đã chỉ đạo Trung và bà Bình làm sai lệch hồ sơ bệnh án tâm thần nhằm ra kết luận giữ nguyên chẩn đoán cũ của Viện Pháp y tâm thần Trung ương.

Cơ quan điều tra cáo buộc, dù biết rõ các đối tượng liên quan đều chưa đến mức mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nhưng ông Thành và cấp dưới vẫn cố tình viết vào hồ sơ các triệu chứng bệnh tâm thần để hợp thức hóa kết luận giả mạo.

Công an Hà Nội đang tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ toàn bộ đường dây và xử lý nghiêm minh các đối tượng liên quan.

Trước đó, Công an Hà Nội đã khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn với 40 đối tượng, trong đó có 36 bị can là lãnh đạo, cán bộ Viện Pháp y tâm thần Trung ương và 2 bị can là bệnh nhân đang chữa bệnh tâm thần bắt buộc.

Theo cơ quan chức năng, năm 2016, sau khi phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Thị Mai Anh bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương.

Tại đây, Mai Anh đã cấu kết với các cán bộ, giám định viên của Viện để được ra ngoài.

Năm 2020, Mai Anh tiếp tục phạm tội Làm giả con dấu, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và tiếp tục được bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

3 năm sau, đối tượng cùng chồng là Lê Văn Đông (47 tuổi) lại Gây rối trật tự công cộng. Cả 2 vợ chồng Mai Anh cùng bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương.

Các đối tượng liên quan đến vụ án bị bắt giữ. (Ảnh: Cơ quan công an)

Trong thời gian bắt buộc chữa bệnh, Mai Anh đã hối lộ các lãnh đạo, nhân viên của Viện để mỗi người được bố trí một phòng riêng, có điều hòa và các thiết bị âm thanh để tổ chức ăn chơi, thậm chí là sử dụng ma túy tại Viện và được ra ngoài.

Theo cáo buộc, vợ chồng Mai Anh thường xuyên đi ra ngoài, thậm chí đi du lịch, nghỉ mát và mời cả Khoa ở Viện Pháp y đi cùng.

Mai Anh đã dắt mối, đặt vấn đề với lãnh đạo Viện Pháp y để lo “chạy” kết luận giám định tâm thần cho các bị can khác. Một số trường hợp Mai Anh nhận hàng tỷ đồng, sau đó chuyển cho Trần Văn Trường, nguyên Viện trưởng vài trăm triệu đồng.

Trong khi đó, Trường nhận và chia cho các thành viên hội đồng giám định. Sau khi nhận tiền, các giám định viên viết thêm vào hồ sơ bệnh án các biểu hiện của bệnh tâm thần hoặc viết không đúng về tình trạng bệnh để có kết luận phù hợp so với hồ sơ bệnh.

Mai Anh đã chuyển rất nhiều tiền với nhiều trường hợp cho Trần Văn Trường để lo “chạy” kết luận giám định.

Ngoài ra, Mai Anh còn móc nối với nhân viên khoa giám định, Phòng Kế hoạch tổng hợp để nắm thông tin gia đình các bị can đến giám định để đặt vấn đề “chạy” kết luận giám định, hưởng lợi hàng tỷ đồng từ việc làm trên.

Tin nổi bật