Trương Cư Hàn là vị thái giám dưới thời vua Đường Trang Tông, ông được phong làm Xu mật sứ (còn gọi là Khu mật sứ), chịu trách nhiệm về chính trị, quân sự và tuyên cáo mệnh lệnh của hoàng đế.
Hình tượng của thái giám đa số đều là những rập khuôn về sự xu nịnh và bội bạc, nhưng vẫn còn có rất nhiều thái giám tốt bụng.
Được giao trọng trách lớn lao, nhưng Trương Cư Hàn được cho là không bao giờ ỷ thế cậy quyền. Thậm chí, sử sách ghi lại, ông vì thương xót kẻ vô tội đã cố tình phát âm sai một chữ khi đọc thánh chỉ của hoàng đế.
Cụ thể, sau khi vua Đường Trang Tông tiêu diệt nhà Hậu Lương, Vương Diễn (hoàng đế cuối cùng của Tiền Thục thời Ngũ Đại Thập Quốc) cũng đầu hàng.
Thoạt đầu, vua Đường Trang Tông muốn thể hiện lòng khoan dung, ban chiếu chỉ hứa rằng sẽ phong ấp cho Vương Diễn và không làm hại ông ta. Cho nên Vương Diễn cùng đoàn người gồm gia quyến, quan lại, nô bộc… đi đến kinh thành Lạc Dương của Hậu Đường.
Tuy nhiên, khi đó Hậu Đường đang rơi vào hỗn loạn nên vua Đường Trang Tông lệnh cho ông cùng đoàn người Tiền Thục ở lại Trường An, đợi đến khi tình hình ổn định.
Nhưng sau đó, vua Đường Trang Tông lại đổi ý, lo lắng đoàn người Tiền Thục đi theo Vương Diễn đông đảo, dễ sinh biến nên ra lệnh cho xử tất cả bọn họ.
Trong chiếu thư có viết “tru Diễn nhất hành” (giết Diễn và đồng đảng của hắn). Lúc đó Vương Diễn và người đi theo ông ta hơn 1.000 người, điều này có nghĩa là một cuộc thảm sát.
Thật may, người xem thánh chỉ là Trương Cư Hàn. Sau khi xem xong, ông cảm thấy không ổn vì Vương Diễn đã đầu hàng, bây giờ giết ông ta, cũng đã là quá tàn nhẫn, huống hồ giết hơn 1.000 người.
Vì thế, Trương Cư Hàn cố ý đọc chữ “hành” trong chiếu thư thành chữ “gia”. Như vậy, lệnh từ chiếu thư sẽ trở thành “giết Vương Diễn và gia tộc của hắn”. Nhờ đó mà bảo toàn được tính mạng của hơn 1.000 người.
Thánh chỉ chính là lệnh của hoàng đế. Chiếu thư là văn bản chép lệnh của Hoàng đế. Tội truyền sai thánh chỉ, sửa chiếu thư gọi là “tội kiểu chiếu”, thuộc loại tội chết. Vậy mà vị thái giám này cố tình đọc sai một chữ trong chiếu thư, là cực kỳ “liều mạng”.
May mắn thay, lúc đó vua Đường Trang Tông lại đang bận chinh chiến, không có điều tra đến tận gốc rễ sự việc, Trương Cư Hàn thoát được một mạng.
Sau này khi vua Đường Minh Tông lên ngôi, vị hoàng đế này cũng vô cùng tán thưởng việc làm chính nghĩa của Trương Cư Hàn và đặc biệt cho phép vị thái giám trung nghĩa này cáo lão hồi hương, an dưỡng tuổi già. Đến khi Trương Cư Hàn mất, giai thoại về vị thái giám tốt bụng vẫn được lưu truyền.
Mộc Miên (T/h)