Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao Trường ĐH Thủ Dầu Một ngừng tuyển sinh 13 ngành đào tạo?

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Do ít sinh viên lựa chọn hoặc ngành suy giảm người học nên Trường ĐH Thủ Dầu Một đã phải “đóng cửa” 13 ngành đào tạo.

Theo Pháp luật TP.HCM, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã công bố kết luận thanh tra về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đạo tạo các trình độ giáo dục đại học và các điều kiện đảm bảo ngành đào tạo đối với Trường ĐH Thủ Dầu Một (phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương).

Trường ĐH Thủ Dầu Một. Ảnh: Thanh Niên

Trong thời kỳ thanh tra, trường đã tự chủ mở 16 ngành trình độ đại học gồm: Kỹ thuật điện tử-viễn thông, Kiểm toán, Công nghệ thông tin, Marketing, Thương mại điện tử, Công nghệ thực phẩm, Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Công nghệ sinh học, Kỹ thuật môi trường, Quan hệ quốc tế, Quản trị văn hóa, Quản lý công, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Toán kinh tế, Truyền thông đa phương tiện và Du lịch.

Vào năm 2022, có 11 ngành của trường đã dừng tuyển sinh (Lịch sử, Văn học, Văn hóa học, Toán kinh tế, Chính trị học, Địa lý học, Quốc tế học, Sinh học ứng dụng, Vật lý học, Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm, Quản lý đô thị).

Đến năm 2023, trường đã ngừng tuyển sinh thêm 2 ngành (Quản lý văn hóa và Quản lý công).

Trong số 13 ngành ngừng tuyển sinh, hiện có 4 ngành không có sinh viên theo học (Quản lý văn hóa, Quản lý công, Toán kinh tế và Quản lý đô thị).

Đáng chú ý, trong các ngành ngừng tuyển sinh, có ngành khi mở, trường đã thực hiện khảo sát nhu cầu của xã hội không đầy đủ, dẫn đến không tuyển sinh được hoặc sinh viên theo học có số lượng rất thấp. Ngoài ra, Trường ĐH Thủ Dầu Một còn một số vi phạm khác.

Chia sẻ trên báo Thanh Niên về việc Trường ĐH Thủ Dầu Một ngừng tuyển sinh 13 ngành đào tạo, TS Ngô Hồng Điệp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một, cho biết đa số mã ngành trường ngừng tuyển sinh trong những năm qua nhận được ít sự lựa chọn theo học của sinh viên hoặc ngành suy giảm người học.

Cụ thể, trong những năm đầu tuyển sinh, số lượng sinh viên theo học từng ngành đủ để duy trì. Tuy nhiên, càng về những năm sau, số lượng thí sinh chọn lựa các ngành học đó càng giảm, dịch chuyển sang những ngành học khác theo xu thế phát triển của thị trường lao động.

"Đa số ngành ngừng tuyển sinh rơi vào các ngành khoa học cơ bản như: lịch sử, vật lý học, địa lý học, chính trị học, văn học...", Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết thêm.

Ngoài ra, theo TS Điệp, một trong những lý do để "đóng" ngành là sự thay đổi theo quy định về đội ngũ nhân sự giảng viên đúng mã ngành. Trường ĐH Thủ Dầu Một gặp không ít khó khăn về đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ đáp ứng quy định mới.

Theo TS Điệp, cụ thể là Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ban hành ngày 18/1/2022. Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT trước đây chỉ yêu cầu mỗi ngành có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có ít nhất 1 tiến sĩ và 4 thạc sĩ, hoặc 2 tiến sĩ và 2 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo. Nay Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT (áp dụng từ ngày 4/3/2022) yêu cầu phải có ít nhất 1 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học của các ngành khác; 5 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình, trong đó mỗi thành phần của chương trình đào tạo phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy.

"Việc nhà trường tạm dừng tuyển sinh một số ngành do còn thiếu một số điều kiện duy trì ngành như: tự đảm bảo tính tuân thủ quy định của Bộ GD&ĐT, cũng như làm đúng cam kết về chất lượng đối với xã hội", TS Điệp đúc kết.

T.D (T/h)

Tin nổi bật