Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao trận động đất ở Myanmar gây thương vong lớn?

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Theo giới quan sát, cơ sở hạ tầng của Myanmar đã không được chuẩn bị để đối phó với trận động đất 7,7 độ diễn ra vào ngày 28/3, gây thương vong lớn.

Trận động đất 7,7 độ ngày 28/3 đã phá hủy nhiều con đường, gây hư hại các công trình tôn giáo có niên đại hàng thế kỷ và làm sập các tòa nhà cao tầng ở Myanmar và Thái Lan, khiến ít nhất 1.654 người thiệt mạng ở hai quốc gi, theo số liệu tính tới tối 29/3.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) công bố đánh giá sơ bộ về trận động đất, ước tính có 35% khả năng số người thiệt mạng là 10.000-100.000 và 36% là từ 100.000 trở lên. Giới chuyên gia cho hay thương vong trong trận động đất sẽ rất lớn do tâm chấn nằm ở gần Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, nơi có mật độ dân số đông và nhiều công trình dễ bị phá hủy.

USGS cho hay khoảng 3,7 triệu người Myanmar sống ở những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất và thêm 2,9 triệu người sống ở nơi bị rung lắc nghiêm trọng.

Nguyên nhân xảy ra động đất

Trận động đất xảy ra vào 12h50 ngày 28/3 (13h20 giờ Hà Nội) ở độ sâu khoảng 10 km, được đánh giá là nông, theo Cục khảo sát Địa chất Mỹ (USGS). 12 phút sau, một trận động đất mạnh 6,7 độ ở cùng độ sâu diễn ra ở phía nam trận động đất đầu tiên. Cuối ngày hôm qua, 9 trận động đất nhỏ hơn từ 4,4 đến 4,9 độ cũng xuất hiện trong vùng, theo Live Science.

Đứt gãy Sagaing chạy dọc Myanmar. Ảnh: Lyell Collection/VnExpress

Các trận động đất nằm gần đứt gãy Sagaing chạy dọc từ bắc tới nam Myanmar, trải dài gần 1.600 về phía biển Andaman. Những trận động đất diễn ra ở đứt gãy này gọi là động đất trượt ngang, trong đó một khối đất di chuyển ngang qua khối đất khác ở phần bên kia của đứt gãy, tương tự đứt gãy San Andreas ở California, Mỹ.

"Trận động đất làm dịch chuyển vết đứt gãy, giống như nhát dao cứa sâu vào Trái Đất", nhà địa chấn học James Jackson thuộc Đại học Cambridge ở Anh nói.

Theo USGS, khu vực này từng ghi nhận nhiều trận động đất lớn do đứt gãy trượt ngang tương tự. Kể từ năm 1900, đã có 6 trận động đất mạnh từ 7 độ richter trở lên xảy ra trong phạm vi khoảng 250km tính từ tâm chấn của trận động đất lần này.

Sức tàn phá

Sức tàn phá của động đất không chỉ là kết quả từ cường độ mà đến từ cả vị trí và độ sâu của nó. Dù có cường độ nhỏ hơn, động đất nông có thể gây rung lắc dữ dội ở mặt đất, đe dọa cơ sở hạ tầng ở khu vực đông dân. Trận động đất ở Myanmar có tất cả yếu tố nguy hiểm. Nó có cường độ mạnh với tâm chấn nông và xảy ra ở khu dân cư đông đúc với nhiều tòa nhà và công trình dễ bị ảnh hưởng.

Do các trận động đất quá nông, chúng có thể sánh ngang với động đất 7,8 và 7,5 độ tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023, gây ra thương vong và thiệt hại trên quy mô rộng, theo Jeffrey Park, giáo sư Trái Đất và khoa học hành tinh chuyên nghiên cứu động đất và cấu tạo Trái Đất ở Đại học Yale. 

Một tòa nhà sụp đổ do động đất, bụi tung mù mịt. Video: X

Năng lượng giải phóng từ trận động đất ở Myanmar tương đương với năng lượng của hàng trăm vụ nổ vũ khí hạt nhân, theo chuyên gia.

"Chúng ta không thể dự báo động đất. Tuy nhiên, trận động đất này sớm hay muộn sẽ xảy ra, vì nó xảy ra trên một phần của đường đứt gãy đã không hoạt động trong một thời gian khá dài, hay được gọi là khe hở địa chấn", Bill McGuire, giáo sư danh dự về các mối nguy hiểm địa vật lý và khí hậu tại Đại học College London ở Anh, nói.

Vì sao thương vong lớn?

Tiến sĩ Roger Musson, nghiên cứu viên danh dự tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh, cho biết trận động đất mạnh tương tự gần đây nhất xảy ra trong khu vực là vào năm 1956, khiến 38 người thiệt mạng.

"Trận động đất mạnh 7,1 độ đó đã xảy ra quá lâu và gần như bị lãng quên", ông Roger Musson nói. "Điều này đồng nghĩa các tòa nhà dọc đường đứt gãy Sagaing không còn được thiết kế để chống lại địa chấn và do đó dễ bị hư hại hơn trước một trận động đất như thế này, dẫn đến thiệt hại và thương vong lớn hơn".

"Trận động đất này xảy ra ở một khu vực hầu như không có tòa nhà nào chống chịu được động đất và không đảm bảo quy định xây dựng", ông Amilcar Carrera-Cevallos, nhà nghiên cứu về động đất tại Đại học Vicente Rocafuerte Secular ở Guayaquil, Ecuador, đồng quan điểm.

Theo giới quan sát, cơ sở hạ tầng của Myanmar đã không được chuẩn bị để đối phó với trận động đất mạnh như vậy. Cơ sở hạ tầng xuống cấp, quy hoạch đô thị kém cũng khiến các khu vực đông dân nhất ở đất nước này dễ bị ảnh hưởng trước động đất và thảm họa khác.

"Nhiều yếu tố kết hợp ở đây, nhưng điểm mấu chốt là chúng ta đang nói về tiêu chuẩn xây dựng trong khu vực", ông Daniel Aldrich, giáo sư Đại học Northeastern kiêm giám đốc Chương trình Nghiên cứu Khả năng phục hồi thuộc Viện Khả năng Phục hồi Toàn cầu, nói.

"Trận động đất này xảy ra ở một khu vực hầu như không có tòa nhà nào chống chịu được động đất và không đảm bảo quy định xây dựng", ông Amilcar Carrera-Cevallos - nhà nghiên cứu về động đất cho biết. 

Giáo sư Aldrich dẫn một báo cáo gần đây của Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Liên Hợp Quốc (UNDRR) cho thấy Myanmar phải hứng chịu nhiều loại thảm họa như động đất, hỏa hoạn, hạn hán, lũ lụt, lở đất, lốc xoáy và cả sóng thần. Báo cáo nhấn mạnh Myanmar thiếu hệ thống cảnh báo sớm đáng tin cậy và "có ít kinh nghiệm về ứng phó động đất lớn so với các thảm họa khác như lũ lụt, lốc xoáy và hỏa hoạn".

"Nhà ở điển hình tại khu vực thành thị và nông thôn ở Myanmar chủ yếu được xây bằng gạch, bê tông, thép và gỗ, không áp dụng các loại vật liệu chống động đất chuyên biệt. Các tòa nhà cao tới 10 tầng được xây chủ yếu bằng bê tông và gạch, nhưng thiết kế của chúng không áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống động đất", báo cáo của UNDRR có đoạn.

"Một phần vấn đề là ngân sách hạn chế, khiến các nhà hoạch định ở Myanmar khó có khả năng ưu tiên ứng phó động đất", ông Aldrich nói.

Theo ông Aldrich, tại Nhật Bản, các tòa nhà cao tầng ngay từ khi xây dựng thường được thiết kế đặc biệt để có thể chống chịu rung lắc. Những công trình cũ hơn cũng có thể được cải tạo để trở nên kiên cố hơn trước động đất, không dễ đổ sập khi rung chấn xảy ra, đe dọa tính mạng những người bên trong.

"Ở Nhật, một trận động đất có cường độ như thế này chưa bao giờ khiến một tòa nhà đang xây bị sập. Người Nhật đối mặt với động đất thường xuyên tới mức họ buộc phải hành động", giáo sư này nói.

Tin nổi bật