Vì sao TPHCM tiêm vaccine nhiều song số ca tử vong vẫn tăng?
TPHCM đạt tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao, tuy nhiên gần đây số ca tử vong có xu hướng tăng trở lại. Theo báo cáo, hơn một nửa các trường hợp này chưa tiêm vaccine hoặc có yếu tố nguy cơ rất cao.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trong đợt bùng phát dịch thứ 4, Bộ Y tế đã có nhiều thay đổi trong chiến lược điều trị, cũng như đưa thêm nhiều thuốc mới. Nhờ đó, tỷ lệ tử vong đã giảm có lúc giảm dưới 3 con số, có những ngày chỉ khoảng 57-58 ca trên toàn quốc. Tuy nhiên, gần đây, tỷ lệ mắc ở một số địa phương có xu hướng tăng, đặc biệt là tỷ lệ tử vong ở một số nơi trong đó có TPHCM cũng tăng lên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Thứ trưởng Sơn cho rằng số ca tử vong tăng trở lại tại TPHCM gần đây không phải do rút bớt các trung tâm hồi sức. Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị hỗ trợ khi rút khỏi TPHCM phải có lịch trình bàn giao với 3 điều kiện. Thứ nhất là phải có kế hoạch bàn giao "êm ả", không tạo tình trạng sốc với đơn vị điều trị. Thứ hai, công tác đào tạo phải được thực hiện trước khi rút lực lượng hỗ trợ về. Thứ 3 là không ấn định thời gian cố định mà đề nghị khi nào địa phương còn cần thì các đơn vị hỗ trợ vẫn ở lại.
Để giảm số ca tử vong, theo Thứ trưởng Sơn cần tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế tại y tế cơ sở nhanh nhất, sử dụng thuốc đúng chỉ định sớm nhất. Đây là một trong những biện pháp nền tảng cơ bản. Các trung tâm hồi sức để tiếp nhận bệnh nhân đã đầy đủ trang thiết bị, đặc biệt TPHCM có nguồn nhân lực đầy đủ. TPHCM đã huy động lực lượng quân đội để tham gia theo dõi F0 tại nhà.
Việt Nam nhận thêm hơn 2 triệu liều vắc xin từ Mỹ.
Theo tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, 2.075.580 liều vắc xin Pfizer đã được chuyển giao thành công tới TP. HCM ngày 27/11.
Như vậy, tổng số vắc xin Mỹ trao tặng cho Việt Nam đã lên hơn 20,5 triệu liều. Mỹ cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam như một đối tác đáng tin cậy để đánh bại đại dịch Covid-19.
Tổng số vắc xin Mỹ trao tặng cho Việt Nam đã lên hơn 20,5 triệu liều.
Tiếp nối hoạt động hợp tác và đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng y tế của Việt Nam, Mỹ đã hỗ trợ mọi trụ cột thiết yếu nhằm giúp Việt Nam ứng phó với dịch bệnh.
Sự hỗ trợ này bao gồm các khóa đào tạo trực tuyến dành cho hàng nghìn nhân viên y tế, công nghệ giải trình tự gen giúp Việt Nam phát hiện các biến thể của virus, cung cấp thiết bị xét nghiệm và thiết bị bảo quản vắc xin cũng như các thiết bị thiết yếu cho bệnh nhân như máy thở, máy làm giàu oxy và bình oxy lỏng.
Novavax phát triển vaccine chống biến chủng Omicron.
Novavax đã bắt đầu phát triển một phiên bản vaccine ngừa Covid-19 nhằm vào biến chủng Omicron và sẽ sẵn sàng việc thử nghiệm, sản xuất trong vài tuần tới.
Novavax nói rằng họ cũng đang trong quá trình xin phê duyệt ở Mỹ vào cuối năm nay.
Vaccine dùng công nghệ protein của Novavax chứa một phiên bản thực tế của protein gai không gây bệnh nhưng có thể kích hoạt hệ miễn dịch.
Hãng dược phẩm Mỹ cho biết họ đã bắt đầu phát triển một protein gai dựa trên chính trình tự gene đã biết của biến chủng B.1.1.529 - được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là Omicron, Reuters đưa tin hôm 26/11.
Vaccine ngừa Covid-19 của Novavax - có tên chính thức là Covovax - được phê duyệt sử dụng khẩn cấp đầu tiên vào đầu tháng này tại Indonesia và tiếp đó là Philippines.
Cơ quan quản lý dược phẩm Liên minh châu u (EMA) cho biết có thể quyết định phê duyệt vaccine của Novavax trong vài tuần tới nếu dữ liệu từ công ty này đủ chứng minh hiệu quả của mũi tiêm.