Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Mỹ tăng chi tiêu quốc phòng lên 716 tỷ USD năm 2019 cũng không giúp đất nước an toàn hơn vì rất nhiều khoản trong đó là lãng phí.
Vào ngày 13/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tới Fort Drum - một căn cứ quân sự ở ngoại ô New York để ký thông qua Đạo luật quốc phòng năm 2019 (NDAA).
Luật này cho phép Lầu Năm Góc chi tới 716 tỷ USD chi tiêu quốc phòng, tăng hơn 20 tỷ USD từ NDAA năm 2018 được thông qua vào tháng 12/2017. Trên thực tế, trong năm tài chính 2017, chi tiêu quốc phòng của Mỹ chỉ đạt khoảng 600 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua NDAA 2019. Ảnh: Getty |
Bất chấp sự gia tăng lớn về nguồn tài trợ nhận được, Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) dường như lựa chọn từ chối đa số các đề xuất chính sách có khả năng làm cho cơ quan này hoạt động hiệu quả hơn và bớt tốn kém hơn. Ví dụ, Bộ có thể tiết kiệm tới hơn 2 tỷ USD bằng cách thực hiện khoảng 30 cải cách do Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng (DoD OIG) đề xuất hồi tháng 3/2018.
Hiện nay có tổng cộng hơn 1.500 khuyến nghị tiết kiệm chi phí chưa được DoD giải quyết mà nhiều người tin rằng nếu xem xét, áp dụng sẽ giúp tiết kiệm thêm hàng tỷ USD.
Trong năm 2017, DoD đã thực hiện thành công chỉ 1/3 trong số 1.298 đề xuất tiết kiệm, nhưng sau đó các khuyến nghị lại tiếp tục gia tăng. Hơn nữa, có hơn 50 đề xuất bị bác bỏ hoàn toàn trong hơn 5 năm qua.
Về cơ bản, các cải cách được đề xuất bởi DoD OIG không khó tìm thấy. Một số khuyến nghị có mức độ ưu tiên cao bao gồm việc thu hồi các khoản thanh toán không đúng từ các nhà thầu với chi phí lao động và quản lý giám sát không chính xác tại các trung tâm quốc phòng. Mỗi đề xuất là các trang dài, đầy đủ thông tin chi tiết về các đề xuất khác nhau.
Người dân Mỹ mong muốn Bộ Quốc phòng tiết kiệm chi tiêu hơn hiện nay. Ảnh: Getty |
Viện Cải cách Chi tiêu cũng đã tìm ra phương pháp và biên soạn lại các đề xuất từ Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO), Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), các thành viên của Quốc hội cùng các chuyên gia chính sách quốc phòng.
Với hơn 80 đề xuất thuộc 6 lĩnh vực khác nhau, việc biên soạn các ý tưởng xuất hiện trong báo cáo “Hướng dẫn cho một nước Mỹ lớn mạnh” là một trong những nguồn lực quan trọng mà chính quyền Tổng thống Donald Trump và các thành viên của Quốc hội sử dụng khi tranh luận về mức chi tiêu.
Các đề xuất như cải thiện quy trình xử lý thặng dư thiết bị của DoD sẽ tiết kiệm vài triệu USD, hạn chế tăng lương cơ bản cũng giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ USD trong thập kỷ này. Những ý tưởng này có thể không phổ biến với đại chúng, nhưng cân nhắc chúng là cần thiết nếu người Mỹ muốn làm chậm quá trình tăng trưởng chi tiêu quân sự trong những năm tới.
Ngoài ra, Phó Tổng thống Mike Pence cũng đã vạch ra kế hoạch triển khai Lực lượng Không gian Mỹ vào năm 2020 — một đơn vị thứ 6 riêng biệt, mới nhất của quân đội. Hiện tại vẫn chưa có ước tính về chi phí cho cơ quan này, nhưng nó chắc chắn sẽ không rẻ. Các dự án vũ khí mới cũng rất tốn kém nên đều cần được chứng minh là sẽ hiệu quả trước khi chính thức cấp kinh phí.
Trong năm 2018, Lầu Năm Góc lần đầu tiên trải qua một cuộc kiểm toán trong lịch sử của cơ quan, điều đó sẽ làm cho người dân cảm thấy thỏa đáng hơn. Ít nhất, lực lượng Hải quân đã phải cắt giảm chi phí
Nếu DoD xác định rằng tất cả số tiền được trao là cần thiết để bảo vệ nước Mỹ khỏi những nguy cơ tấn công từ bên ngoài, điều đó dĩ nhiên là hợp lý. Không một người Mỹ nào ủng hộ việc cắt giảm chi phí của Lầu Năm Góc dẫn tới những vấn đề an ninh quốc gia nghiêm trọng.
Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc ưu và nhược điểm của các chương trình quân sự khác nhau, xác định những chương trình hiệu quả, cần được cải thiện và có thể cắt giảm hoặc loại bỏ.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo National Interest)