Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng từ chối khảo nghiệm?

(DS&PL) -

Việc Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng sử dụng “chân gỗ” để tìm mộ liệt sỹ Trần Thị Khang, đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến các nhà ngoại cảm.

Ngay sau khi đăng tải ý kiến của kỹ sư Vũ Xuân An, con trai nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương về việc nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng sử dụng “chân gỗ” để tìm mộ liệt sỹ Trần Thị Khang (cô ruột ông Vũ Xuân An), chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến các nhà ngoại cảm.

Trong đó, có ý kiến của TS. Đại tá quân đội Đỗ Kiên Cường, người có hơn 30 năm nghiên cứu các hiện tượng dị thường. TS. Cường nhấn mạnh, ngoại cảm tìm mộ như một loại gây nghiện cho nỗi đau chưa được hóa giải của thân nhân liệt sỹ, nó có thể giảm đau tức thời nhưng sẽ để lại một nỗi đau ghê gớm về lâu dài. Khả năng tìm mộ của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cũng không ngoại lệ.

Đề xuất khảo nghiệm cho các nhà ngoại cảm

Niềm tin vào sự huyền bí là nhu cầu có thật của con người, theo các nhà khoa học, nó lớn hơn mọi chứng cớ phản bác. Vì thế cần lựa chọn đúng đắn giữa các hoạt động tín ngưỡng và các hành vi mê tín, cho dù trong nhiều trường hợp, ranh giới giữa chúng thật khó phân định. Theo TS. Đại tá quân đội Đỗ Kiên Cường, ngoại cảm tìm mộ giống như một loại gây nghiện cho nỗi đau chưa được hóa giải của thân nhân các anh hùng liệt sỹ, nó có thể làm giảm đau tức thời nhưng sẽ để lại nỗi đau ghê gớm về lâu dài. Chính vì thế, nhà nghiên cứu này cho rằng, các nhà ngoại cảm, trong đó có nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cần được khảo nghiệm một cách nghiêm túc để “lật tẩy” sự thật về khả năng tìm mộ.

TS. Đại tá Đỗ Kiên Cường.

TS. Đại tá Đỗ Kiên Cường khẳng định rằng, có rất nhiều cách khảo nghiệm hiệu quả, từ đơn giản tới phức tạp, tùy hoàn cảnh và khả năng của người hoặc tổ chức đứng ra thực hiện. Với một cơ sở nghiên cứu hoặc một tổ chức có nguồn nhân vật lực thỏa đáng, có thể tiến hành nhiều cách khảo nghiệm một cách bài bản và công phu. Theo nhà nghiên cứu này, từ trước đến nay các nhà ngoại cảm đều được UIA “khảo nghiệm” nhưng họ khảo nghiệm theo cách của họ, người ngoài không thể biết thực hư ra sao.

“Chẳng hạn bí mật cho bộ hài cốt đã xác định được danh tính bằng thử nghiệm gien vào một trong mười quan tài bên ngoài giống nhau và đề nghị Phan Thị Bích Hằng hoặc bất cứ một “nhà ngoại cảm” nào khác dùng cách “gọi hồn”, “áp vong” hoặc “nói chuyện với liệt sỹ” để tìm ra quan tài có cốt”, TS. Đỗ Kiên Cường kiến nghị.

Ngoài ra, TS. Đỗ Kiên Cường cho rằng, nếu cần thiết có thể làm phức tạp vấn đề bằng cách dùng mười bộ hài cốt đã có tên cho vào mười quan tài và đề nghị “nhà ngoại cảm” xác định xem ai nằm trong quan tài nào. Khi đó, những “nhà ngoại cảm” như Phan Thị Bích Hằng và những người đã tuyên bố có thể gọi được hồn liệt sỹ từ xa ngàn dặm và “mỗi tối tôi trò chuyện với 4 - 5 vong hồn”, nếu có năng lực hẳn Phan Thị Bích Hằng sẽ vượt qua khảo nghiệm này dễ như trở bàn tay.

Cách đây mấy năm, nhà nghiên cứu về các hiện tượng dị thường Đỗ Kiên Cường đã đề nghị các nhà ngoại cảm tham gia khảo nghiệm theo cách này. Tuy nhiên, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã từ chối. Khi đề nghị các nhà ngoại cảm khảo nghiệm, TS. Đỗ Kiên Cường lưu ý một điểm quan trọng: Để tránh hiệu ứng Hans thông minh (khả năng đọc ngôn ngữ cơ thể giống như chú ngựa Hans. Đầu thế kỷ 20 tại Berlin, chú ngựa Hans thông minh biết lựa theo phản ứng của người đối diện (nhướn mày, nhăn trán, hít vào hay thở nhẹ ra, vươn hay so vai…) để làm toán - PV) người đặt cốt vào quan tài không được có mặt khi tiến hành khảo nghiệm.

Chính vì nhà ngoại cảm sẽ “tránh mặt” các nhà khoa học trong việc khảo nghiệm với rất nhiều lý do khác nhau, nên TS. Cường cho rằng gia đình liệt sỹ hoặc bất kỳ người dân nào cũng có thể tiến hành khảo nghiệm năng lực thực sự của nhà ngoại cảm theo cách của mình. Theo TS. Đỗ Kiên Cường, có hai cách khảo nghiệm đơn giản hơn nhiều mà hiệu quả không hề thua kém. Cách thứ nhất là ngụy tạo một nhân thân liệt sỹ không có thật và nhờ “nhà ngoại cảm” đi tìm mộ. Cách thứ hai là đề nghị “nhà ngoại cảm” tìm một ngôi mộ gia đình tại nghĩa trang địa phương.

“Ngụy tạo một nhân thân liệt sỹ là cách rất đơn giản và hiệu quả để hiểu rõ chân tướng giới ngoại cảm hoặc đồng cốt. Nếu không quen hoặc không thích ngụy tạo, bạn có thể yêu cầu “nhà ngoại cảm” tìm ngôi mộ của một thành viên đã khuất trong gia đình tại nghĩa trang địa phương, nếu ngôi mộ đó và nhiều ngôi mộ khác không có bia (các “nhà ngoại cảm” có thể đọc tên trên bia mộ!). Cần lưu ý không nhờ người biết vị trí ngôi mộ dẫn đường để tránh hiệu ứng Hans thông minh”, TS. Đại tá Đỗ Kiên Cường nói.

Ngoài ra, theo TS. Cường có thể khảo nghiệm bằng nhiều cách khác, nếu các ngôi mộ trong nghĩa trang đều có tên thì yêu cầu “nhà ngoại cảm” vẽ sơ đồ ngôi mộ khi đang ngồi tại chính nhà người chết. Bởi lẽ, bình thường các nhà ngoại cảm tuyên bố vẽ được vị trí và đặc điểm mộ tại một nghĩa trang cách xa hàng ngàn cây số thì “nhà ngoại cảm” phải vẽ đúng ngôi mộ trong nghĩa trang làng.

Lối thoát của nhà ngoại cảm

Có một điều khá giống nhau giữa ngoại cảm, thầy bói, nhà tiên tri là việc họ lấy lòng tin của người khác làm điều cốt tử để hành nghề và họ có khả năng đọc tình huống rất tốt. Nên nếu gặp những lời đề nghị “khó nhằn” như cách mà TS. Đỗ Kiên Cường đưa ra, nhà ngoại cảm không dại gì mà liều mình để chấp nhận khảo nghiệm. Khi nói đến điều này, TS. Đỗ Kiên Cường nhấn mạnh: “Điều gì sẽ xảy ra nếu Phan Thị Bích Hằng nhận được yêu cầu như vậy? Chắc chắn “nhà ngoại cảm” nổi tiếng (và tai tiếng) này sẽ từ chối, với lý do gia đình không tin. Mà đã không tin thì “vong thăng”, làm sao mà áp vong được! Đó chính là lối thoát đơn giản nhưng hiệu quả mà giới đồng cốt hoặc ngoại cảm vẫn sử dụng mỗi khi lâm vào thế khó”.

Hình ảnh quen thuộc của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng trong nhiều năm qua, nhưng khả năng thực sự đến đâu?

Thế nhưng, điều đáng nói là hiện tại vẫn có một số nhà nghiên cứu cũng đồng ý với cách nhà ngoại cảm tìm lối thoát khi người thân liệt sỹ không tin, khi cho rằng phải tin thì giới ngoại cảm mới có thể thành công, không tin thì họ thất bại. Theo các nhà nghiên cứu, đó là một quan điểm sai lầm trên khía cạnh nhận thức. Nếu một sự kiện mà chúng ta tin thì mới có, không tin thì không có, đó không phải là sự kiện khách quan, mà chỉ là hình ảnh chủ quan trong tâm thức của những người tin tưởng.

“Bạn đang nửa tin nửa ngờ khả năng của một “nhà ngoại cảm”? Hãy tạo ra một nhân thân giả hoặc yêu cầu nhà ngoại cảm vẽ sơ đồ một ngôi mộ trong nghĩa trang tại nơi bạn đang sinh sống. Và bạn sẽ nhanh chóng nhận ra sự thật”, TS. Đại tá Đỗ Kiên Cường nói.

Vấn đề ngoại cảm sẽ luôn là chủ đề mở, đặc biệt trong bối cảnh ngoại cảm vàng thau lẫn lộn như hiện nay. Xin một lần nữa mượn lời của TS. Đại tá Đỗ Kiên Cường để kết thúc cho bài viết này: “Ngoại cảm tìm mộ chính là một loại gây nghiện cho nỗi đau vốn chưa thể hóa giải của các gia đình liệt sỹ và của toàn dân tộc. Nó có thể tạo ra sự giảm đau tạm thời, nhưng sẽ để lại di hại ghê gớm một cách lâu dài”.

Có nhờ ngoại cảm cũng đừng nên quên xét nghiệm ADN

Trao đổi với chúng tôi, bà Ngô Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Quản lý về Liệt sỹ và người có công (bộ LĐ – TB a– XH) cho biết: “Giấy báo tử của liệt sỹ chính là căn cứ vô cùng quan trọng để gia đình liệt sỹ bắt đầu hành trình đi tìm hài cốt liệt sỹ. Gia đình liệt sỹ cần đem tờ giấy này đến liên hệ với đơn vị của liệt sỹ để họ dịch giải các ký hiệu, tra cứu hồ sơ lưu. Có được các thông tin đó rồi mà gia đình liệt sỹ vẫn không tìm được hài cốt liệt sỹ thì mới nên cậy nhờ đến nhà ngoại cảm. Tuy nhiên, thân nhân liệt sỹ không nên bỏ qua khâu giám định ADN đối với hài cốt liệt sỹ tìm thấy theo hướng dẫn của nhà ngoại cảm”.

Tin nổi bật