Mỗi năm khách hành hương đổ xô về Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam thắp hương cúng bái cầu an ngày càng nhiều. Không ít người thắc mắc vì sao nơi đây lại thu hút khách tham quan, cúng viếng đến vậy?
Truyền thuyết về Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam: Kể sao cho hết
Nhắc đến Châu Đốc hay Núi Sam thì người ta lại nhớ ngay đến Miếu Bà Chúa Xứ. Từ lâu, nơi đây đã trở thành trung tâm văn hóa tín ngưỡng của các đoàn hành hương và du khách gần xa, đặc biệt là vơi dân miền Tây. Với niềm tin vào sự linh thiêng, ứng nghiệm, “cầu được ước thấy, hàng năm, miếu Bà thu hút hơn 5 triệu lượt khách đến tham quan, cúng viếng.
Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc dưới chân núi Sam thuộc phường núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Mỗi năm có hàng triệu lượt khách đến hành hương và chiếm bái tại miếu Bà. Chẳng biết từ khi nào, Bà Chúa Xứ đã trở thành điểm tựa tâm linh của người dân khắp nơi trên cả nước.
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. |
Lịch sử Miếu Bà có từ khi nào đến nay vẫn là điều bí ẩn, tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu thì miếu Bà được xây dựng từ khoảng đầu thế kỉ XVIII khi ông Thoại Ngọc Hầu đến trấn giữ vùng đất Tây Nam. Ông được triều đình giao trọng trách đào kênh Vĩnh Tế, con kênh này dài 100km, rộng 50m, nối Châu Đốc với Hà Tiên. Đây là công trình vĩ đại nhằm mục đích thoát lũ, xả phèn cho ĐBSCL, rút ngắn con đường giao thương đường thủy vùng phía Tây. Tuy nhiên, khi tiến hành thì liên tục gặp trục trặc, nhiều người chết do tai nạn, bệnh tật hay bị thú dữ tấn công.
Trước tình hình đó, vợ ông là bà Châu Thị Vĩnh Tế đã nghe lời dân làng đến cúng bái tượng Bà, quả nhiên ngay sau đó việc xây dựng diễn ra rất suông sẻ. Không những thế, bà còn khấn vái cầu cho ông Thoại Ngọc Hầu đánh thắng giặc, bảo vệ yên bình cho nhân dân. Về sau, để tạ ơn, bà cho xây dựng lại ngôi miếu to và khang trang hơn. Nếu đúng như vậy thì rất có thể Miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng dưới thời Minh Mạng.
Sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, đến nay kiến trúc miếu có dạng chữ "quốc", hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Chánh điện gồm hai lớp. Lớp trong cùng là nơi thờ Bà Chúa Xứ với tượng Bà bằng đá đặt trên bệ cao, sát hai bên là hai con hạc trắng biểu tượng cốt cách tiên thánh của Bà.
Bên phải tượng Bà là một linga bằng đá đặt trên một hương án thờ, gọi là bàn thờ Cậu. Bên trái tượng Bà là hương án thờ một tượng gỗ chạm hình yoni, gọi là bàn thờ Cô. Lớp thứ hai là bàn thờ Hội đồng, sát liền hai tượng chim phượng. Hai bên trái, phải của bàn thờ Hội đồng là bàn thờ Tiền hiền khai khẩn (ở bên trái) và bàn thờ Hậu hiền khai cơ (ở bên phải).
Nói về nguồn gốc của tượng Bà cũng lại là một “ẩn số” và có nhiều truyền thuyết ly kỳ, huyền bí. Người dân Vĩnh Tế xưa chỉ biết rằng có một pho tượng đá lớn không ai biết từ đâu đến ngồi ngự trên lưng chừng núi Sam.
Bí ẩn tượng Bà Chúa Xứ
Mỗi năm có từ 2 đến 3 triệu người từ khắp cả nước hành hương về núi Sam (thị xã Châu Đốc, An Giang) và chiêm bái Bà Chúa Xứ.
Theo truyền thuyết, tượng Bà Chúa Xứ là sản phẩm của nền văn hóa Óc Eo, thuộc vương quốc Phù Nam (thế kỷ I đến thế kỷ VII sau Công nguyên).
Tuy nhiên, tìm hiểu từ các tài liệu và một số nhà nghiên cứu, thì truyền thuyết pho tượng có từ thời Óc Eo có lẽ là đoán mò, là sự kết gắn mang tính cưỡng ép, bởi văn hóa Óc Eo được phát hiện ở vùng Thoại Sơn (An Giang), cách núi Sam không xa lắm.
Các nhà khoa học sau khi nghiên cứu pho tượng này, đã khẳng định chất liệu tượng từ đá sa thạch, không có ở vùng Thất Sơn, cũng như khắp vùng Nam Bộ. Như vậy, pho tượng được đưa từ xa tới, hoặc đá được chuyển từ nơi khác đến để chế tác.
Còn pho tượng có từ khi nào, quả thực vẫn chỉ là giả thiết. Có những giả thiết cho rằng, pho tượng có từ cách nay 5.000 năm, do một thái tử mang từ Ấn Độ đến.
Điều đáng chú ý là các nhà khoa học đã phát hiện ra một bệ đá sa thạch trên lưng chừng núi Sam vào năm 1980. Qua đo đạc, các nhà khoa học đã xác định bệ đá đó chính là chỗ tượng Bà Chúa Xứ “tọa”.
Nhưng người xưa, cách nay cả ngàn năm, với phương tiện thô sơ, đã vận chuyển pho tượng nặng khoảng 3 tấn, cùng với bệ đá nặng cả tấn, lên lưng chừng núi bằng cách nào? Đó là câu hỏi không dễ trả lời.
Trong công trình khảo cứu của nhà văn Sơn Nam, có tên “Đồng bằng sông Cửu Long - nét sinh hoạt xưa” (NXB Trẻ), ông đưa ra một nhận định giật mình. Theo ông, tượng Bà Chúa Xứ thực ra là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer. Pho tượng này bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam.
Người Việt từ Bắc di cư vào, đã đưa tượng vào miếu, dùng sơn điểm tô, mặc áo lụa, đeo dây chuyền, và biến pho tượng đàn ông thành đàn bà.
Ông Trần Văn Dũng, tác giả cuốn “Lịch sử khai phá vùng đất Châu Đốc 1757 -1857”, cũng khẳng định: Tượng Bà Chúa Xứ là tượng nam, ngồi ở tư thế vương giả. Phần đầu của tượng không phải nguyên gốc, mà là được chế tác sau bằng loại đá không giống thân tượng.
Câu chuyện về pho tượng Bà Chúa Xứ nổi tiếng cả miền Tây Nam Bộ, thu hút cả triệu người đến chiêm bái mỗi năm quả thực còn nhiều bí ẩn. Dù pho tượng mang hình thức là đàn ông hay đàn bà, thì trong tâm thức người dân miền sông nước này, đó là Bà Chúa Xứ và Bà là điểm tựa tâm linh cho rất nhiều người.
“Biển người” đổ xô về ngôi miếu lớn nhất Việt Nam Trong 2 ngày qua, lượng khách hành hương từ khắp nơi trong cả nước đã đến thắp hương cúng bái và xin lộc Bà tại miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (thuộc phường Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) đã tăng đột biến so với những ngày trước đó. Đặc biệt, trong ngày cao điểm cua rằm tháng Giêng (tức 2-3 dương lịch), hầu hết các tuyến đường đi vào khu vực trung tâm của Khu Di tích Văn hóa - Lịch sử và Du lịch Núi Sam đều chật kín dòng người cùng xe cộ qua lại. Nhiều người không thể vào được bên trong khu chánh điện của miếu Bà nên buộc phải mua các vật phẩm rồi cúng bái ngay từ bên ngoài.
Ông Trần Lê Kiên Tâm, Phó Ban Quản lý Khu Di tích Văn hóa - Lịch sử và Du lịch Núi Sam, cho biết mặc dù rằm tháng Giêng (âm lịch) năm nay không rơi vào ngày cuối tuần nhưng lượng khách đến miếu Bà đã đạt hơn 113.400 lượt người. Dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa trong 2 ngày nghỉ cuối tuần. |
Mỹ An (T/h)