Thời điểm cuối năm 2023, giá vàng miếng SJC tăng phi mã, đỉnh điểm lên tới hơn 80 triệu đồng/lượng vào ngày 26/12/2023. Giá vàng nhẫn cũng lên mốc 64 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước ra thông điệp xem xét lại việc độc quyền, giá vàng SJC lập tức giảm mạnh quanh mốc 76 triệu đồng/lượng. Ngược lại với sự điều chỉnh giảm mạnh của vàng miếng SJC, vàng nhẫn vẫn duy trì tăng và liên tục lập đỉnh mới lên sát mốc 65 triệu đồng/lượng.
Người dân đổ xô đi mua vàng nhẫn?
Theo báo Tiền Phong, giá vàng nhẫn tăng mạnh khiến nhiều người lựa chọn đầu tư. Trong khi đó, thời điểm giáp Tết Nguyên đán nhiều người tổ chức đám cưới khiến nhu cầu loại vàng này tăng cao.
Ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia Hội đồng vàng Thế giới, cho rằng không chỉ vàng miếng SJC mà nhu cầu nắm giữ vàng nhẫn trong dân cao và nguồn cung hiện nay vẫn thiếu do các doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng làm nữ trang. Bên cạnh đó, việc cơ quan chức năng đẩy mạnh triệt phá các đường dây mua bán vàng lậu dẫn đến nguồn cung vàng nguyên liệu trên thị trường trở nên khan hơn. Các yếu tố này cộng hưởng dẫn đến giá mua bán vàng nhẫn tăng vọt.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, một lý do dẫn đến người dân lựa chọn sở hữu vàng miếng là dù hiện vàng SJC có giảm nhưng so với giá vàng thế giới vẫn cao hơn 15 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng nhẫn chỉ cao hơn vàng thế giới 1- 2 triệu đồng/lượng và đang bám sát với đà tăng của vàng thế giới.
Hiện giá vàng miếng SJC tăng giảm bất thường nên nhiều doanh nghiệp nới rộng chênh lệch mua vào, bán ra lên gần 3 triệu đồng/lượng, trong khi đó vàng nhẫn duy trì mức 1 triệu đồng/lượng.
Như vậy, so với vàng miếng, người dân giữ vàng nhẫn từ đầu năm 2023 đến nay lãi gần 10 triệu đồng/lượng, trong khi vàng miếng SJC chỉ lãi 7 triệu đồng/lượng.
Chia sẻ trên tạp chí Người đưa tin, chị Nguyễn Thị Tần, trú tại Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết vợ chồng chị chuẩn bị đáo hạn sổ tiết kiệm 500 triệu đồng nhưng lãi suất ngân hàng hiện quá thấp nên đự định sẽ mang đi mua vàng. Chị Tần cho rằng, nên mua vàng nhẫn vì có giá sát với giá vàng thế giới hơn.
Chị Tần cho rằng, giá vàng miếng SJC có sự chênh lệch giữa mua và bán quá cao, có thời điểm chênh lệch lên tới 5-6 triệu đồng/lượng và chênh lệch với giá vàng thế giới tận 14 triệu đồng/lượng 20 triệu đồng nên chị rất sợ rủi ro.
Ngược lại, theo chị Tần, vàng nhẫn chỉ chênh lệch so với giá vàng thế giới từ 2-3 triệu đồng, mình vừa tích trữ lại vừa có thể dùng làm trang sức, đi chơi, đi tiệc, trao tặng thuận tiện hơn.
Được biết, hiện người dân đang có xu hướng bán vàng miếng SJC để chuyển qua vàng nhẫn vì lo ngại Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp bất kỳ lúc nào. Thời gian qua cơ quan quản lý đã có hàng loạt tuyên bố cứng rắn nên người nắm giữ vàng miếng SJC rất lo lắng.
Vàng miếng là loại vàng được chế tác từ vàng 9999, thường được đúc thành miếng vuông hoặc hình chữ nhật, bo góc tròn và không quá dày. Trên bề mặt của vàng miếng được khắc thông tin như chất vàng, nguồn gốc...Vàng miếng được cung cấp bởi các công ty vàng bạc lớn và các tổ chức được nhà nước cấp phép như SJC, PNJ, Doji… Vàng miếng thường có trọng lượng 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ hoặc 1 lượng.
Vàng nhẫn là loại vàng mỏng được đúc thành hình tròn rỗng, thường là nhẫn trơn, không khắc hay thêm chi tiết gì để đảm bảo giữ được trọn vẹn giá trị. Vàng nhẫn thường có trọng lượng từ 1 đến 3 chỉ. Khác với vàng miếng, vàng nhẫn được phân phối bởi hầu hết các công ty vàng bạc đá quý.
Vân Anh (T/h)