Bên cạnh địa hình đa dạng, trải dài từ những ngọn núi hùng vĩ, thung lũng sâu thẳm, sa mạc khô cằn đến các dòng sông băng, Tây Tạng còn sở hữu mạng lưới sông hồ dày đặc khiến du khách không khỏi kinh ngạc. Nhắc đến các hồ nước nổi tiếng ở đây, không thể bỏ qua vẻ đẹp như tiên cảnh của hồ Yamdrok, còn gọi là Dương Hồ.
Hồ Yamdrok có diện tích khoảng 675km², không được xem là một hồ lớn của Tây Tạng. Tuy vậy, nhờ vị trí đắc địa ở độ cao hơn 4.440m so với mực nước biển và cảnh quan núi non thơ mộng bao quanh, nơi đây trở thành một điểm đến thu hút đông đảo du khách. Cái tên Yamdrok trong tiếng Tạng nghĩa là "Hồ Thiên Nga", phản ánh sự tôn kính của người dân địa phương đối với cảnh sắc tuyệt đẹp này. Đối với họ, Yamdrok là nơi linh thiêng, gắn liền với truyền thuyết về các nàng tiên nữ hóa thân mang lại sức sống cho vùng đất cao nguyên.
Hồ ở Tây Tạng
"Kho cá khổng lồ"
Không chỉ sở hữu vẻ đẹp nguyên sơ tựa tranh vẽ, Yamdrok còn được mệnh danh là "kho cá khổng lồ" của Tây Tạng. Theo ước tính, tổng trọng lượng cá trong hồ vượt qua con số 800.000 tấn. Trong điều kiện khắc nghiệt trên cao nguyên với lượng oxy thấp và thời tiết lạnh giá, cá trong hồ sinh trưởng chậm hơn bình thường. Điều này đồng nghĩa với việc quần thể cá khổng lồ hiện tại là kết quả của hàng trăm năm tích lũy tự nhiên.
Mặc dù môi trường trong lành như vậy thường khuyến khích việc khai thác thủy sản, nhưng tại Yamdrok, cá gần như không bị đánh bắt. Điều này đặt ra câu hỏi: tại sao người dân địa phương không tận dụng nguồn tài nguyên này dù không có quy định cấm đoán từ chính quyền?
Linh vật thiêng liêng và tập tục thủy táng
Nguyên nhân chính nằm ở yếu tố văn hóa và tôn giáo. Trong truyền thống ẩm thực Tây Tạng, dù họ ăn nhiều loại thịt, nhưng cá là loài không bao giờ bị động đến. Người dân tin rằng cá trong hồ là hiện thân của thủy thần, mang ý nghĩa linh thiêng, giống như hồ Yamdrok được xem là hóa thân của những nàng tiên. Theo tín ngưỡng Phật giáo, việc giảm sát sinh là một cách thể hiện lòng từ bi. Nếu buộc phải chọn giữa giết một con bò hay bắt cá, họ sẽ chọn bò, vì một con bò có thể nuôi sống cả gia đình suốt mùa đông, trong khi một con cá chỉ đủ cho một bữa ăn.
Ngoài ra, phong tục thủy táng cũng góp phần làm nên sự tôn kính đối với cá. Nước được xem là nguồn sống tối quan trọng, và người Tây Tạng tin rằng an táng dưới nước giúp linh hồn trở về với thiên nhiên. Khi thủy táng, thi thể được bọc trong vải trắng và thả trôi sông, nơi cá được xem như cầu nối linh hồn với thế giới bên kia. Vì vậy, người dân tin rằng cá chứa linh hồn tổ tiên, nên việc ăn cá là điều cấm kỵ.
Hồ có nhiều cá nhưng không ai dám ăn.
Lý giải khoa học
Dưới góc nhìn khoa học, cá ở hồ Yamdrok cũng không an toàn để tiêu thụ. Do tính kiềm của nước, nhiệt độ thấp và nguồn dinh dưỡng hạn chế, cá ở đây sinh trưởng chậm và có khả năng tích lũy nhiều chất độc hại. Đây có thể là một lý do khác khiến cá ở Yamdrok ít được khai thác.
Ngày nay, Tây Tạng vẫn là điểm đến hấp dẫn với những ai yêu thích sự kỳ bí và thiên nhiên hoang sơ. Những điều cấm kỵ và truyền thống độc đáo tại đây góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc nhất, phản ánh sự kính sợ của con người đối với thiên nhiên và các vị thần linh. Chính sự giao thoa giữa vẻ đẹp tự nhiên và những tín ngưỡng cổ xưa đã làm nên sức hút không thể chối từ của vùng đất này.