(ĐSPL) - Công ty Đại Nam của đại gia Huỳnh Uy Dũng bị truy thu, xử phạt hành chính tổng số tiền lên tới 99,05 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là tiền truy thu và xử phạt về thuế giai đoạn 2009-2014.
Sáng 19/8, UBND tỉnh Bình Dương đã họp báo công bố kết luận thanh tra tại công ty cổ phần Đại Nam (P.Hiệp An, TP Thủ Dầu Một) do ông Huỳnh Uy Dũng (còn gọi là ông Dũng “lò vôi”) làm chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Đây là cuộc thanh tra liên ngành do Thanh tra nhà nước tỉnh Bình Dương chủ trì, có sự tham gia của các ngành thuế, công an, tài nguyên môi trường… được tiến hành từ tháng 1-2015. Nội dung thanh tra toàn diện công ty Đại Nam trong giai đoạn 2011-2014.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương - thông báo kết luận thanh tra cho biết: trong những năm gần đây, công ty Đại Nam đã chấp hành cơ bản đúng các quy định pháp luật về hạch toán kế toán, về luật thuế và các quy định khác. Ngoài hoạt động kinh doanh, công ty đã thực hiện đóng góp, hỗ trợ cho một số hoạt động xã hội với tổng số tiền đã đóng góp trong và ngoài tỉnh giai đoạn 2009-2013 hơn 11,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết thúc thanh tra, đoàn thanh tra đã chỉ ra một số sai phạm của công ty Đại Nam và đã kiến nghị truy thu, xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền lên tới 99,05 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là tiền truy thu và xử phạt về thuế giai đoạn 2009-2014 với số tiền hơn 97,7 tỷ đồng.
Trong khu du lịch Đại Nam còn có 167 hạng mục công trình đã xây dựng hoàn chỉnh (chủ yếu là các công trình, hạng mục phụ trợ, quy mô nhỏ) nhưng chủ đầu tư không lập thủ tục xin phép xây dựng và đăng ký sở hữu công trình, trong đó có 4 công trình không phù hợp quy hoạch. |
Kết luận thanh tra nêu số tiền bị truy thu thuế lớn như trên là do trong quá trình sản xuất kinh doanh, công ty Đại Nam đã “phản ánh vào tài khoản chưa đúng bản chất các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, chưa chấp hành đúng trình tự hạch toán, kế toán theo chế độ kế toán hiện hành…” và “việc phân bổ chi phí chưa đúng quy định… nên đã làm giảm số thuế phải nộp”.
Kết luận thanh tra còn nêu, trong khu du lịch Đại Nam còn có 167 hạng mục công trình đã xây dựng hoàn chỉnh (chủ yếu là các công trình, hạng mục phụ trợ, quy mô nhỏ) nhưng chủ đầu tư không lập thủ tục xin phép xây dựng và đăng ký sở hữu công trình, trong đó có 4 công trình không phù hợp quy hoạch. Tổng số tiền xử phạt vi phạm đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản là 190 triệu đồng.
Đối với việc chấp hành quy định pháp luật về môi trường, tài nguyên nước, công ty Đại Nam bị xử phạt 1,1 tỷ đồng vì một số dự án đầu tư của công ty này (như KCN Sóng Thần 2, khu dân cư Dĩ An…) chưa thực hiện nghiêm về việc giám sát, báo cáo môi trường định kỳ, một số dự án chưa lập hồ sơ bảo vệ môi trường, không xây dựng hệ thống thu gom, xử lý rác thải…
Ông Trần Thanh Liêm - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương - cho rằng để xảy ra những sai phạm nêu trên có phần trách nhiệm cơ quan quản lý tại địa phương. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phải tổ chức đánh giá lại và rút kinh nghiệm đối với những tổ chức, cá nhân liên quan.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về kết luận thanh tra, ông Huỳnh Uy Dũng cho biết công ty Đại Nam đã nhận được kết luận này vào chiều 18/8.
Ông Huỳnh Uy Dũng cho biết công ty Đại Nam đã có văn bản giải trình chi tiết gửi đoàn thanh tra và các cơ quan liên quan để nói rõ về nội dung kết luận thanh tra.
Trong đó, ông Dũng cho rằng đối với 167 công trình và hạng mục bị cho là xây dựng không phép thì chủ yếu đó là các công trình phụ như phòng bán vé, mái che mưa nắng… và trước đây UBND tỉnh đã cho công ty Đại Nam được vừa xây dựng vừa hoàn chỉnh thủ tục xây dựng.
Về việc truy thu thuế, ông Dũng cho rằng trước đây đã có nhiều đoàn thanh tra tới công ty, có cả kiểm toán nhà nước tới kiểm toán nhưng nay đoàn thanh tra bắt bóc tách từng hoạt động kinh doanh để tính thuế và truy thu sẽ gây thiệt thòi cho doanh nghiệp.
“Tôi đã chỉ đạo anh em, ngay khi có quyết định xử phạt và truy thu thuế thì trong vòng 24 giờ công ty Đại Nam sẽ nộp ngay tiền vào tài khoản kho bạc của nhà nước. Sau đó, trong thời hạn quy định của pháp luật được khiếu nại là 30 ngày thì chúng tôi sẽ tiếp tục khiếu nại tiếp” - ông Huỳnh Uy Dũng nói.
Đại gia Dũng "lò vôi" giàu cỡ nào?
Dũng "lò vôi", tên thật là Huỳnh Phi Dũng, không hiểu về sau thế nào, ông lại đổi tên mình thành Huỳnh Uy Dũng.
Hiện nay, doanh nhân Huỳnh Uy Dũng được biết đến như một đại gia với khối tải sản đồ sộ trị giá nghìn tỷ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ông Huỳnh Uy Dũng cũng từng trải qua thuở cơ hàn, tay trắng không ai biết tới.
Là một người con của đất võ Bình Định, ông Dũng từng có thời gian nhập ngũ và phục vụ công tác hậu cần ở Quân khu 5 và Quân khu 7. Lập nghiệp ở quê vợ, mảnh đất Bình Dương chính là nơi tạo nên cơ nghiệp đồ sộ cho đại gia sinh năm 1961 này. Được biết, ông Huỳnh Uy Dũng cũng từng là đại biểu Quốc hội và là Chủ tịch Hiệp hội đầu tư tỉnh Bình Dương.
Đại gia Huỳnh Uy Dũng và vợ con. |
Với tố chất kinh doanh thiên bẩm, dù trong điều kiện hết sức khó khăn của thời đó, ông Dũng đã nhạy bén khởi nghiệp với nghề làm lò vôi. Công việc làm ăn phát đạt đã cho ông biệt danh Dũng “lò vôi”, đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên cho con đường kinh doanh oanh liệt của vị đại gia này.
Thời gian sau đó, ông Dũng đã bán xí nghiệp lò vôi và chuyển qua làm sơn mài với chức giám đốc Công ty sơn mài Thanh Lễ (tỉnh Sông Bé), vốn là Xí nghiệp Quốc doanh sơn mài Thành Lễ, sau đổi tên thành Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ.
Vào giai đoạn 1990 – 1993, kinh tế đang ở thời kỳ sơ khai với nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ chưa được khai phá. Nắm bắt được điều đó, nhất là thực trạng nhiều nhà đầu tư dòm ngó mảnh đất Bình Dương, tuy nhiên nơi đây lại thiếu cơ sở hạ tầng để phục vụ công việc. Dám nghĩ dám làm, đại gia Dũng “lò vôi” bắt tay vào dự án và khởi điểm là Khu công nghiệp Bình Đường chính thức hoạt động vào năm 1994 với diện tích 16,5ha (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Tiếp sau đó là Khu công nghiệp Sóng Thần 1 có diện tích 178,01ha , toạ lạc tại Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Chính sự nhạy bén và liều lĩnh này đã làm nên tên tuổi cho đại gia Bình Dương - Dũng “lò vôi”. Các khu công nghiệp do ông làm chủ đều được nhà đầu tư đón nhận nhiệt liệt, đem về lợi nhuận khổng lồ đồng thời mở ra bộ mặt mới cho kinh tế Bình Dương thời kỳ mở cửa.
Hiện nay, ông Huỳnh Uy Dũng là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Đại Nam . Được thành lập vào năm 1996, đến nay ông ty này đã nắm trong tay nhiều bất động sản và tài sản khủng như: Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Khu công nghiệp Sóng Thần 3, Khu đô thị Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần…
Được biết, Khu công nghiệp Sóng Thần 2 có diện tích 313ha, tỷ lệ lập đầy cho thuê đến 96,5\% với tổng vốn đầu tư 423,28 tỷ đồng; Khu công nghiệp Sóng Thần 3 có tổng vốn đầu tư 935,945 tỷ đồng, diện tích 533,846 ha, tỷ lệ lấp kín 67\%.
Trong danh sách tài sản bạc tỉ của ông chủ “lò vôi” người ta không thể không nhắc tới Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến. Khu du lịch này từ khi ra đời đã tạo được tiếng vang rất lớn, thu hút sự chú ý của dư luận cả nước về độ hoành tráng và diễm lệ của nó. Ông chủ Đại Nam đã đặt vào khu du lịch này không ít tâm huyết lẫn tiền bạc.
Ra đời vào năm 2007, Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến toạ lạc tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương có diện tích tới 450ha với số vốn đầu tư ngót nghét 6.000 tỉ bao gồm nhiều công trình tiêu biểu như: Kim Điện, Khu trò chơi hiện đại, Vườn thú Đại Nam, Dãy núi Bảo Sơn, Biển nhân tạo Đại Nam, Đền thờ Đại Nam quốc tự…Tuy nhiên, công việc phát triển thuận lợi được nhiều người trầm trồ, ngưỡng mộ cũng đã kéo theo hệ luỵ với không ít thị phi xung quanh đời sống riêng tư của vị đại gia này.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
[mecloud]unAGtQZ4Zm[/mecloud]