Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao chưa tuyên án vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành?

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Khi bắt đầu phiên xét xử phúc thẩm “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành, HĐXX đã quay lại phần xét hỏi do xuất hiện tình tiết mới.

Báo Dân Trí đưa tin dự kiến chiều 3/4, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ tuyên án phúc thẩm đối với "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành (40 tuổi, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng 12 bị cáo khác (trong số 26 bị cáo) trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, khi bắt đầu phiên tòa, HĐXX thông báo do có tình tiết mới nên quay lại phần xét hỏi. Trước bục khai báo, Hà Thành khai về các mã đồng sở hữu với những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại một số ngân hàng.

Trong phiên tòa chiều 3/4 xuất hiện tình tiết mới là một nhà đầu tư mong muốn mua lại 26% cổ phần của bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành tại Công ty MHD để bồi thường, khắc phục hậu quả vụ án cho Hà Thành. 

Theo HĐXX, nhà đầu tư kinh doanh nhiều lĩnh vực trong đó có bất động sản nên không công bố danh tính, do thuộc bí mật kinh doanh. Bị cáo Hà Thành muốn trao đổi lại với nhà đầu tư để thống nhất phương án mua lại số cổ phần này, vì thế HĐXX cho nghỉ 5 phút, dành thời gian cho Hà Thành và nhà đầu tư trao đổi tại chỗ.

Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (đứng giữa, áo xanh) tại phiên phúc thẩm. Ảnh: VOV

Tại tòa, doanh nghiệp này cho hay là đơn vị đầu tư, kinh doanh bất động sản, có nhiều kinh nghiệm và khẳng định có khả năng khắc phục và kịp thời gian khắc phục nên mong HĐXX tạo điều kiện để họ thực hiện các thủ tục.

Chủ tọa nhắc nhở doanh nghiệp nếu chấp nhận mua lại cổ phần của Hà Thành và dùng tiền đó khắc phục cho bị cáo này phải khắc phục thực chất bằng tiền vào Cục Thi hành án TP.Hà Nội.

Đại diện doanh nghiệp nói: "Chúng tôi đã có công tác chuẩn bị nên đề nghị HĐXX cho thời gian thực hiện các thủ tục an toàn. Chúng tôi rất mong HĐXX tạo điều kiện, thời gian để hoàn tất các thủ tục".

HĐXX cho biết, giá trị 26% cổ phần MHD năm 2018 được xác định 75 tỷ đồng. Việc chia lợi tức và giá trị thời điểm hiện tại, tòa không can dự vì là việc tự nguyện đôi bên. "Mục đích cuối cùng, chủ trương lớn nhất là khắc phục hậu quả vụ án, còn bản án như thế nào đã có pháp luật", chủ tọa nói.

Trong khi đó, đại diện Viện kiểm sát nói rằng, cần có khoảng thời gian làm việc cụ thể giữa nhà đầu tư và các bị cáo. HĐXX đánh giá, doanh nghiệp và bị cáo cần khoảng 3 tuần làm việc.

"Bị cáo mong muốn HĐXX tạo điều kiện cho bị cáo và nhà đầu tư mới làm việc với nhau để khắc phục hậu quả vụ án một cách tốt nhất", bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành nói.

Sau khi các luật sư, bị cáo, đại diện Viện kiểm sát đều đồng ý về việc hoãn phiên tòa để bị cáo và nhà đầu tư làm việc, khắc phục hậu quả vụ án một cách tốt nhất, HĐXX quyết định hoãn phiên xét xử. HĐXX thông báo, phiên tòa sẽ mở lại trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, ở phần xét hỏi, Hà Thành khai năm 2018 có 7,3 triệu cổ phiếu, chiếm 26% cổ phần tại Công ty Cổ phần đầu tư MHD. Số cổ phần này Hà Thành nhờ Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Lanmark), là người cùng làm ăn lâu năm, đứng tên mua hộ.

Theo Hà Thành Thành, tại thời điểm mua năm 2018, lô cổ phiếu có giá hơn 75 tỷ đồng, hiện bị ngân hàng VietABank phong tỏa. Bị cáo đề nghị do dự án này đã được mở bán, giá trị cổ phiếu sẽ có biến động, cụ thể là tăng. Vậy nên, bị cáo có nguyện vọng dùng toàn bộ 26% cổ phần trả cho VietABank.

Liên quan đến vụ việc, theo thông tin trên VOV, cáo trạng và bản án sơ thẩm xác định do kinh doanh thua lỗ, Hà Thành nợ khoảng 80 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016 - 2018, Hà Thành dùng chiêu vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước để tạo lòng tin và cũng trở thành khách VIP của các ngân hàng.

Bên cạnh đó, Hà Thành vay tiền của ông Đ.N.T. và một số cá nhân khác (những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) bằng hình thức yêu cầu người này gửi tiền vào các ngân hàng Việt Á, NCB, PVcombank qua các sổ tiết kiệm và “siêu lừa” giữ các sổ gửi tiền này. Sau đó, bị cáo dùng sổ tiết kiệm và giả chữ ký, lập hồ sơ vay tiền ngân hàng, rút ra chiếm đoạt.

Bản án sơ thẩm đã quy kết các bị cáo nguyên là nhân viên ngân hàng đã tạo điều kiện cho “siêu lừa” Hà Thành chiếm đoạt tiền; một số bị cáo là cựu nhân viên ngân hàng giúp sức, đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với Hà Thành.

Tổng cộng, Nguyễn Thị Hà Thành đã gây ra 27 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 433 tỷ đồng. Trong đó, chiếm đoạt của Ngân hàng NCB 47,5 tỷ đồng, PVcomBank 49,4 tỷ đồng, ngân hàng Việt Á hơn 273 tỷ đồng và của 4 cá nhân khác 63 tỷ đồng.

Đ.K (T/h)

Tin nổi bật