Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao các nhà quan sát gọi hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay là "G6 + 1"?

(DS&PL) -

Hội nghị Thượng đỉnh G7 vừa bế mạc tại Canada, Tổng thống Trump bất ngờ thay đổi ý định, tuyên bố không tán thành tuyên bố chung của hội nghị.

Hội nghị Thượng đỉnh G7 vừa bế mạc tại Canada, đồng thời trở thành một thất bại nữa của các nền kinh tế hàng đầu thế giới sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thay đổi ý định, tuyên bố không tán thành tuyên bố chung của hội nghị.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cô lập tại Hội nghị Thượng đỉnh Quebec. - Ảnh: CBS News

Đây là năm thứ 2 liên tiếp, các nhà lãnh đạo G7 không thể ra được một tuyên bố chung, phản ánh rõ sự chia rẽ ngày một sâu sắc giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Trong dòng trạng thải đăng tải trên Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ cho biết: "Dựa trên những tuyên bố sai trái của Justin tại cuộc họp báo của ông ấy, và thực tế là Canada đang áp đặt hàng loạt loại thuế lên các nông dân, công nhân và doanh nghiệp của chúng tôi, tôi đã chỉ đạo các đại diện Mỹ không tán thành tuyên bố chung".

Đáp lại, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố sẽ xúc tiến các trả đũa thuế quan vào ngày 1/7. "Người Canada lịch sự và biết lý lẽ, nhưng chúng tôi cũng không thể để bị xoay vòng được" – ông Trudeau nói.

Chủ đề chính thức của cuộc gặp thượng đỉnh năm nay bao gồm "đầu tư cho tăng trưởng có ích cho mọi người", "chuẩn bị cho những việc làm trong tương lai” và “thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới". Tuy nhiên, hội nghị tại Quebec đã bị phủ bóng bởi cuộc chiến chia đôi G7, giữa một bên là nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump và một bên là 6 cường quốc còn lại.

Một loạt chính sách gây bất đồng với các đồng minh của ông Trump đã làm nóng hội nghị, bao gồm: áp thuế nhập khẩu nhôm thép, rút khỏi Thoả thuận khí hậu Paris; rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP; rút khỏi Thoả thuận hạt nhân Iran; chuyển đại sứ quán tại Israel tới Jerusalem...

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland gọi thuế thép và nhôm của Mỹ là "bất hợp pháp và hoàn toàn vô lý", trong khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo rằng lập trường của ông Trump về thương mại, biến đổi khí hậu và Iran tạo thành một nguy cơ thực sự.

"Điều khiến tôi lo ngại nhiều nhất là trật tự thế giới dựa trên các nguyên tắc đang bị thách thức, không phải bởi những lực lượng thường thấy, mà bởi chính vị kiến trúc sư chủ chốt và người bảo vệ của hệ thống này: nước Mỹ", ông Tusk nói.

Có một thực tế là bản thân Tổng thống Trump được cho là đã dự tính trước việc không ký Tuyên bố chung Quebec để chứng tỏ rằng Mỹ hoàn toàn vui vẻ đi theo con đường của mình nếu các thành viên khác gây quá nhiều rắc rối trong quá trình hội đàm. Ông Trump thậm chí còn nói với các cố vấn của mình rằng ông không muốn nghe "giảng bài" bởi các nhà lãnh đạo thế giới khác, đặc biệt trong lúc ông đang bận tâm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên vào ngày 12/6.

Tại Quebec, Tổng thống Trump còn bất ngờ kêu gọi đưa Nga trở lại G8 sau 4 năm bị "khai trừ" khỏi nhóm vì sáp nhập Crimea, tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lập tức tuyên bố các nước thành viên G7 đều phản đối ý tưởng này.

Chia rẽ nội bộ G7, với riêng Mỹ ở một bên "chiến tuyến", đã trở nên gay gắt đến mức các nhà quan sát đã gọi Thượng đỉnh G7 năm nay là "G6 + 1". 

Gạt nước Mỹ qua một bên, nhóm những nước còn lại của G7 đã nhất trí về sự cần thiết của một "nền thương mại tự do, công bằng và đôi bên cùng có lợi" và tầm quan trọng của đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ. "Chúng tôi sẽ nỗ lực giảm các hàng rào thuế quan, phi thuế quan và các trợ cấp", tuyên bố nêu rõ.

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Tin nổi bật