Sự việc bắt đầu từ ngày 10/7 năm ngoái, khi người phụ nữ 31 tuổi sống tại thị trấn Amagasaki, tỉnh Hyogo bắt đầu nhận các cuộc gọi lạ. Người ở đầu dây bên kia hoàn toàn im lặng cho đến khi cô cúp máy.
Đối phương có vẻ đã dùng phần mềm ẩn số điện thoại, khiến cô không thể chặn cuộc gọi. Điều này kéo dài trong nhiều tuần. Cô nhận được tới 100 cuộc gọi chỉ trong một ngày nhưng không có bất kỳ manh mối nào về danh tính của kẻ quấy rối.
Cảnh sát đã điều tra và phát hiện hành động quấy rối là của người chồng. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, may mắn thay, các cuộc gọi không liên tục. Mặc dù chúng thường xuyên, cô không nhận được cuộc gọi nào vào giữa đêm và khi mượn điện thoại của chồng để chơi trò chơi điện tử trên máy.
Đến tháng 8 các cuộc gọi vẫn tiếp tục. Người phụ nữ đã để ý và dần nhận ra điều trùng hợp: khi cô ngủ, chồng ngủ thì không bị các cuộc gọi quấy rầy, và khi cô chơi game bằng điện thoại của chồng cũng vậy. Nói cách khác, cô sẽ không nhận được bất kỳ cuộc gọi nào khi chồng không cầm điện thoại.
Với sự nghi ngờ ngày càng tăng, người phụ nữ đã đến cảnh sát để nhờ giúp đỡ.
Ngày 4/9 vừa qua, cảnh sát tỉnh Hyogo đã bắt giữ được thủ phạm, một người đàn ông 38 tuổi, cũng là cư dân của Amagasaki. Đó chính là người chồng.
Theo truyền thông địa phương, anh gọi điện quấy rối vợ vì ghen và cảm thấy không thoải mái khi cô nói chuyện với người khác. Cụ thể, anh phát hiện vợ mình gọi điện thoại với một người đàn ông khác, mặc dù không rõ họ đang nói gì. Để trả đũa, anh liên tục gọi cho vợ rồi im lặng suốt một tháng.
Theo luật pháp Nhật Bản, hành vi gọi điện quấy rối và gây tổn thương tâm lý là bất hợp pháp. Người vi phạm có thể đối mặt bản án một năm tù hoặc bị phạt đến một triệu yen (7.000 USD).
Người chồng quấy rối bị cảnh sát bắt giam vào ngày 4/9 nhưng hình phạt cụ thể vẫn chưa được công bố.
Vụ việc đã gây xôn xao mạng xã hội. “Người chồng đang kiểm soát vợ quá mức. Tình yêu của anh ta có thể làm người khác nghẹt thở”, một người dùng mạng xã hội bình luận. “Giao tiếp là cách tốt nhất để những cặp đôi giải quyết vấn đề, không phải là quấy rối hay bạo lực”, một người khác viết.